Từ việc san ủi mộ phi tần triều Nguyễn ở Huế

Cần có bản đồ quy hoạch khảo cổ

14:50 | 07/07/2017

887 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa tháng 6, người dân sống gần khu vực Lăng vua Tự Đức báo lên chính quyền địa phương về việc đơn vị thi công tiến hành san ủi lấy mặt bằng xây dựng bãi đỗ xe tại khu vực phường Thủy Xuân, TP Huế đã xâm phạm vào nơi an nghỉ của một bà phi triều Nguyễn.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng nhận được thông tin từ một số người dân và đặc biệt là từ Chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước Tộc khẳng định, địa điểm đang giải phóng mặt bằng để làm bãi đỗ xe cho khách tham quan là nơi an nghỉ của một phi tần triều Nguyễn.

Chiều 24-6, sau 3 ngày tìm kiếm, một tấm bia đá tảng nguyên khối đã được tìm thấy, nằm cách nền móng khu lăng mộ bị đào xới khoảng 50m, dưới lớp đất sâu 1,5m. Bia có chiều cao 67cm, rộng 32cm, dày 10cm. Trên bia khắc dòng chữ Hán: “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận chi mộ”. Bước đầu, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế xác nhận, chắc chắn đây là bia mộ của một phi tần nhà Nguyễn. Tuy nhiên, vợ vua nào thì chưa thể xác định được.

can co ban do quy hoach khao co
Nơi phát hiện di tích

Ngay sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cho tạm dừng thi công và khoanh vùng bảo vệ. Sự việc cũng được giải quyết theo hướng tích cực, khi đại diện chủ đầu tư và đơn vị thi công thừa nhận thiếu sót và gửi lời xin lỗi đến dòng họ Nguyễn Phước, đồng thời hứa sẽ dựng lại khu lăng mộ.

Trao đổi với báo chí sáng 26-6, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Huế cho biết, đơn vị chưa bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Chuỗi Giá Trị - chủ đầu tư dự án bãi đậu xe khách tham quan Lăng Tự Đức - Đồng Khánh với lý do công ty này chưa hỗ trợ kinh phí cho 3 hộ dân có diện tích thu hồi lớn và đang được điều chỉnh bổ sung giá trị bồi thường.

Cần lắm một bản đồ quy hoạch khảo cổ

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học cho biết, vài chục năm nay, các nhà khảo cổ học đã không ít lần đề xuất, yêu cầu có một bản đồ quy hoạch khảo cổ học đô thị. Thế nhưng, cho đến bây giờ vẫn chưa thấy thông tin về bản đồ này. Trong khi đó, ngày càng nhiều trường hợp công trình xây dựng vô tình phá hỏng di sản.

can co ban do quy hoach khao co
Bia mộ phi tần triều Nguyễn được phát hiện tại Huế

Điển hình là vụ việc một đoạn Hoàng thành thời Lê ở Hà Nội đã bị đào xới và xúc bỏ trong quá trình làm đường, hồi năm 2010. Nếu khi đó có bản đồ quy hoạch khảo cổ học thì có thể dễ dàng nhận thấy vị trí này dựa trên bản đồ Hồng Đức thì có khả năng là Hoàng thành. Hay trước đó nữa, năm 2006, khi thi công làm đường Xã Đàn (đường Kim Liên mới) đơn vị thi công bất ngờ khi dự án đụng phải đúng đàn Xã Tắc. Chính bởi vậy mà việc thi công đã phải tạm dừng trong một thời gian rất dài để các nhà khảo cổ vào cuộc, các bước khai quật khảo cổ khẩn trương được tiến hành. Rồi sau đó các cơ quan chức năng, các chuyên gia mới tính được phương án ứng phó, xử lý sao cho ổn thỏa nhất.

TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành cũng khẳng định sự cần thiết của bản đồ quy hoạch khảo cổ. Theo ông, muốn bảo tồn song hành cùng phát triển thì phải có quy hoạch và để quy hoạch được thì đương nhiên phải nghiên cứu, như thế mới đảm bảo tính bài bản và khoa học. Tuy nhiên, bài toán ở đây là làm sao phải có nền tảng để làm ra bản đồ, nghiên cứu xác định, phạm vi đầu tư như thế nào, đánh giá giá trị từng di tích khảo cổ, tính dự báo ra sao.

Còn PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội Di sản thì cho rằng: Bản đồ khảo cổ học không phải là để khoanh vùng khu vực bất khả xâm phạm, mà là để cảnh báo khả năng có di sản. Vì thế, không phải e ngại rằng, sẽ có cá nhân hay tổ chức nào nhân danh bảo tồn mà cản trở phát triển.

Dư luận nhận định đây là sự cố đáng tiếc và câu hỏi đặt ra là, nếu xảy ra trường hợp các dự án xây dựng vô tình xâm hại di tích nằm ẩn sâu dưới lòng đất, trách nhiệm thuộc về ai?

Ngô Minh