Cần cắt bỏ "ung nhọt" Hào Dương

14:59 | 04/11/2013

1,720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện xả chất thải độc hại nhiều lần ra sông Đồng Điền (huyện Nhà Bè, TP HCM) của Công ty CP Thuộc da Hào Dương (trụ sở tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè) đã gây bức xúc dư luận trong những ngày qua. Điều mà người dân quan tâm là tại sao doanh nghiệp này tái phạm nhiều lần, phải chăng pháp luật thiếu nghiêm minh? Cần có bài học thích đáng nào cho Hào Dương và những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường?

Trong 9 lần Công ty Hào Dương bị cơ quan chức năng TP HCM xử phạt hành chính vì xả chất thải độc hại độc hại ra sông Đồng Điền từ năm 2008 đến nay thì lần xử phạt gần nhất là vào đầu tháng 10/2013 với mức phạt 75 triệu đồng và lần xử phạt nặng nhất là 340 triệu đồng kèm theo quyết định đình chỉ hoạt động vào tháng 9/2012.

Từng bị xử phạt nhiều lần về các lỗi “bức tử” môi trường, xảy ra tai nạn lao động chết người… nhưng Công ty Hào Dương vẫn ngang nhiên tái phạm và tái phạm có hệ thống, tinh vi. Nguồn nước thải độc hại từ doanh nghiệp này đang biến sông Đồng Điền thành một dòng sông “chết”.

Hào Dương tồn tại như một "ung nhọt" trên "cơ thể" TP HCM.

Là một công ty thuộc da có quy mô lớn tại TP HCM với hàng nghìn tấn da thuộc mỗi tháng và lượng nước sử dụng mỗi ngày hơn 3.500m3, nhiều ý kiến cho rằng những lần đóng tiền phạt chẳng thấm tháp là bao so với chi phí họ bỏ ra để xử lý môi trường trong quá trình sản xuất. Phải chăng doanh nghiệp này sẵn sàng vi phạm rồi nộp phạt? Vì thế mới có chuyện Công ty Hào Dương dù nhiều lần bị xử phạt vì những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhưng vẫn phớt lờ cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng và dư luận.

Cảnh sát môi trường kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của Công ty Hào Dương

Nên biết rằng, lẽ ra mỗi tháng Công ty Hào Dương phải chi từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng để vận hành hệ thống nước thải. Nếu như vậy, chỉ cần vài tháng xả nước thải trực tiếp ra môi trường là họ có đủ tiền để nộp phạt. Điều đó cho thấy, với khối lượng nước thải xả trái phép ra sông Đồng Điền trong nhiều năm nay, nếu cơ quan chức năng truy thu Công ty Hào Dương từ vài chục tỷ đồng thì cũng xác đáng bởi nhiều người bảo rằng doanh nghiệp này sản xuất có lãi lắm! Hoặc như thế này, nếu Hào Dương là thủ phạm chính “bức tử” dòng sông Đồng Điền thì tại sao không “khai tử” nó? Nên chăng luật bảo vệ môi trường chưa quy định thì cần sớm bổ sung hình phạt mạnh tay nhất dành cho những doanh nghiệp vi phạm nhiều lần.

Có thực tế cần phải nhìn nhận, Hào Dương chỉ là một trong những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nằm "danh sách đen" từ năm 2008 đến nay của thành phố. Trên địa bàn TP HCM hiện có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phân tán ở các quận ven và trong các khu công nghiệp tập trung. Có những doanh nghiệp trong quá trình sản xuất sử dụng nhiều hoá chất nên tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao mà Hào Dương chỉ là một điển hình.

Không riêng gì TP HCM, theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp đang diễn ra nghiêm trọng, trên diện rộng, trong hầu hết các loại hình sản xuất. Khoảng 60% lượng nước thải hằng ngày từ các khu, cụm công nghiệp được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận không qua xử lý đã gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt tại các lưu vực sông Đồng Nai, sông Cầu và sông Nhuệ - Đáy… Mặt khác, khoảng 70% các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp không có hệ thống bảo vệ môi trường, xử lý nước thải hoàn hảo. 30% có hệ thống hoàn hảo nhưng có thực hiện hay không thì cũng... chưa biết thế nào?

Còn theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số 179 khu công nghiệp trong cả nước hoạt động thì chỉ có 143 khu công nghiệp đang vận hành hoặc đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Ước tính số lượng nước thải phát sinh từ 179 khu công nghiệp này là 622.773m3/ngày/đêm, trong đó các hệ thống xử lý nước thải tập trung chỉ xử lý được khoảng 362.450m3/ngày/ đêm, đạt khoảng 58% tổng lượng nước thải. Như vậy, trung bình mỗi ngày có tới 240.000m3 nước thải từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, đặc biệt là tại các khu vực gần khu công nghiệp.

Thống kê cho thấy mỗi ngày có tới 240.000m3 nước thải từ các khu công nghiệp được xả thẳng ra môi trường chưa qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng

Theo quy định, các doanh nghiệp phải đăng ký với Ban Quản lý khu công nghiệp để đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp lại tiến hành xả thải riêng mà không đấu nối vào hệ thống chung của toàn khu. Bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, những cơ sở sản xuất bên ngoài khu công nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường không thể lường hết.

Nhìn từ vụ việc Hào Dương, có thể thấy rằng nhiều nơi xảy ra tình trạng ô nhiễm kênh rạch, sông ngòi ảnh hưởng trực tiếp đến người dân suốt bao năm tháng mà vẫn tồn tại và tiếp diễn. Nguyên nhân thì rất rõ vì một người dân bình thường, bằng mắt thường cũng biết là do nước thải từ các khu công nghiệp lân cận. Thế nhưng, khi được hỏi tại sao ô nhiễm đến mức báo động như vậy vẫn ngang nhiên tồn tại trong một thời gian dài, dư luận thật sự ngỡ ngàng khi nhận được câu trả lời từ những người có thẩm quyền rằng “phải có bằng chứng thì mới xử lý được”.

Cứ thế, tình trạng ô nhiễm ngày càng thêm trầm trọng! Càng đáng trách hơn khi vào tháng 6/2013, UBND TP HCM đã đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa Công ty Hào Dương ra khỏi danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần xử lý triệt để trong giai đoạn từ nay đến 2020. Lý do mà UBND thành phố đưa ra là vì từ năm 2010 đến nay Công ty Hào Dương đã tích cực trong xử lý nước thải. Tại sao không thử hỏi những người dân sinh sống trên dòng sông Đồng Điền đã “vật lộn” với nước thải độc hại của Hào Dương như thế nào? Phải chăng đã có sự quan liêu, lơ là hay đáng trách hơn là bao che cho hành vi gây ô nhiễm môi trường?

Dư luận mong muốn có một bài học thích đáng cho Công ty Hào Dương

Dư luận đặt vấn đề tại sao đến giờ vẫn cơ quan công an vẫn chưa khởi tố hành vi gây ô nhiễm của Công ty Hào Dương? Theo Đại tá Phan Hữu Vinh - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Cục C49 – Bộ Công an) dù đã xem xét đến khả năng khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi xả thải của Công ty này nhưng rất khó thực hiện. Để khởi tố, phải làm rõ dấu hiệu tội phạm và chứng minh được hậu quả từ việc gây ô nhiễm môi trường của công ty là nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thế nào. Sông Đồng Điền rộng lớn, thủy triều lại lên xuống liên tục. Do vậy, để giám định, đo đếm được là rất khó khăn, tốn kém.

Đại tá Vinh cho rằng vụ Công ty Vedan gây hậu quả rõ ràng hơn mà còn chưa khởi tố được. Với Công ty Hào Dương, khi đủ cơ sở, Cục C49 sẽ đề nghị rút giấy phép và đình chỉ hoạt động vì quá trình vi phạm ở đây kéo dài, không khắc phục.

Rõ ràng là để ngăn chặn các hoạt động gây ô nhiễm môi trường từ phía doanh nghiệp thì nhất thiết cần có một chế tài thật nặng, thật phù hợp. Thế nhưng việc xử lý hành vi nguy hại về môi trường đến nay vẫn còn khá “dễ chịu” vì không dễ gì xử lý hình sự như lãnh đạo của Cục C49 đã nói. Cách xử lý theo kiểu “gãi ngứa” như Hào Dương trong thời gian qua chỉ khiến công ty này “coi trời bằng vung”. Điều đó càng làm cho các nạn nhân ô nhiễm thêm thất vọng, mất niềm tin. Cách xử lý như vậy liệu có còn sức răn đe nào hay không? Và khi pháp luật đã mất hết tính răn đe, vi phạm pháp luật về môi trường sẽ ngày càng tràn lan. Nếu như vậy thì chẳng khác nào một bi kịch!

Vì vậy, vụ việc của Công ty Hào Dương đáng được xem là một bài học về trách nhiệm, về quản lý môi trường.

Đến bao giờ, những "ung nhọt" như Hào Dương mới thực sự chấm dứt?

Thế Vinh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc