Cận cảnh làng bánh chưng Tranh Khúc

16:00 | 23/01/2014

2,027 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến hẹn lại lên, từ khoảng 20 tháng Chạp, người dân làng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) lại tất bật rửa lá dong, đãi đỗ, thái thịt, chuẩn bị gói bánh chưng để kịp giao hàng cho dịp Tết Nguyên đán.

Làng Tranh Khúc từ lâu đã nổi tiếng với nghề gói bánh chưng truyền thống, chủ yếu cung cấp cho Hà Nội và các khu vực lân cận. Cả làng có gần 300 hộ dân thì có hơn 200 nhà gói bánh chưng quanh năm. Cao điểm vào đợt cuối năm, làng Tranh Khúc xuất hàng vạn chiếc bánh chưng to, nhỏ đủ loại mỗi ngày để phục vụ người dân ăn Tết.

Một vài nhà trong làng còn làm ruộng, nhưng chủ yếu lại sống dựa vào việc gói bánh chưng. Mỗi ngày, trung bình một nhà gói được vài trăm chiếc bánh cho các siêu thị, cửa hàng hay các nhà hàng ở trên phố, phục vụ khách du lịch nước ngoài có nhu cầu thưởng thức bánh chưng truyền thống Việt Nam.

Bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng do chất lượng độc đáo. Mỗi nhà có một công thức riêng, chỉ truyền cho con cháu để những chiếc bánh chưng có hương vị riêng. Bà Phạm Thị Cao ở đội 1, thôn Tranh Khúc cho biết: “Để có một chiếc bánh ngon, quan trọng nhất là phần chọn lựa nguyên liệu và kỹ thuật gói bánh. Chỉ cần như lá không sạch, gói không chặt tay hoặc làm nhân thiếu gia vị, pha nước không đúng giờ cũng ảnh hưởng ngay”.

Người Tranh Khúc có thể gói bánh chưng vừa nhanh, vừa chắc chắn, vừa đẹp mà không cần khuôn như ở nhiều nơi khác. Vào mùa gói bánh, nhiều người có thể gói được 100 chiếc bánh trong vòng một tiếng đồng hồ. Nhiều khi các đơn đặt hàng quá nhiều, các gia đình phải thuê thêm người để làm các công việc chuẩn bị.

Khác với mọi năm, năm nay số lượng người tới đặt mua bánh chưng ít hơn. Ông Nguyễn Văn Na, Bí thư chi bộ thôn Tranh Khúc chia sẻ: “Như mọi năm cứ đến rằm là người ta đã đến đặt bánh, nhưng rải rác chỉ vài trăm chiếc để ăn hoặc đem biếu. Đến gần đến ngày cúng ông Công, ông Táo thì các nơi đổ về mua bánh nhiều hơn. Năm nay số lượng đặt mua bánh cũng ít đi, do nhiều nhà chọn cách tự gói bánh ăn thay vì xuống đây mua. Chủ yếu bánh đặt là do các mối quen từ lâu. Nhiều nhà đã phải giảm lượng gói vì nhận được ít đơn đặt hàng”.

Do giá cả của các loại gạo, đỗ xanh, thịt lợn đều tăng lên so với năm ngoái, nhiều gia đình đã phải cân nhắc việc mua nguyên liệu và tổ chức gói muộn hơn so với mọi năm, tránh tình trạng bánh “ế”. Dù năm nay thị trường bánh chưng không được sôi động so với năm ngoái, nhưng người dân Tranh Khúc vẫn cảm thấy vui và tự hào với việc giữ nghề truyền thống. Nhiều gia đình còn cảm thấy tự hào khi những chiếc bánh chưng Tranh Khúc theo chân những Việt kiều ra nước ngoài, mang cái Tết cổ truyền dân tộc giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Hình ảnh về các công đoạn sản xuất những chiếc bánh chưng Tranh Khúc nổi tiếng:

 Lá dong dùng để gói bánh được mua từ rừng vùng Hà Giang, Tuyên Quang...

Gấp lá trước khi gói bánh

Làm nhân bánh bằng đỗ xanh nấu nhuyễn, thịt ba chỉ thái ướp với hạt tiêu và muối

Ông Đặng Văn Đàn (62 tuổi) một trong những người làm bánh lâu đời ở Tranh Khúc

Chuẩn bị luộc bánh

Nhiều nhà trong làng vẫn còn sử dụng luộc bánh chưng bằng bếp truyền thống

Những chiếc bánh sau khi luộc, chuẩn bị được giao tới tay người dân.

Hiền Anh