Cảm giác đợi mùa xuân

13:00 | 06/02/2019

146 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bây giờ đang là thời điểm lạnh nhất trong năm, không biết các bạn có được khỏe không? Nhưng chỉ còn chút nữa là cái lạnh sẽ bớt khắc nghiệt hơn và chúng ta sẽ có thể được nghe những tin tức của mùa xuân từ phương Nam...

Giữa thời khắc ấy, tôi ngồi ngắm sự giao mùa từ đông sang xuân và điều đó làm tôi có một cảm giác rõ rệt về sức mạnh lớn lao, không thể nhìn thấy bằng mắt thường của thiên nhiên.

cam giac doi mua xuan

Người ta thường nói, mùa xuân sang hoa anh đào sẽ bung nở, nhưng mùa đông thì không thể làm cho hoa anh đào nở được. Dù có mong mỏi thế nào, nhưng nếu không đợi đến khi đông qua, xuân đến thì hoa cũng không nở được.

Tôi nghĩ, những bông hoa anh đào không chỉ đơn giản là ở trên cành đợi mùa xuân, mà chúng cũng phải chịu đựng cái lạnh giá khắc nghiệt của mùa đông, không hề nghỉ một giây phút nào để chuyên cần vào việc tích trữ năng lượng. Nhờ đó, cùng với bước chân của mùa xuân, những bông hoa đẹp, tuyệt đẹp mới có thể bung nở đồng loạt. Đó chính là hình dáng, nguyên lý của tự nhiên, nhưng dù trong công việc hay cuộc đời, chúng ta cũng thường phải chịu đựng và chờ đợi thời cơ như hoa anh đào mùa đông vậy.

Khủng hoảng

Trong thời gian còn kinh doanh, tôi đã mấy lần suýt thất bại. Chuyện đã xảy ra khá lâu, từ cuộc khủng hoảng năm Showa thứ 4 (1929). Hồi đó, do chính sách giảm phát của nội các do Thủ tướng Hamaguchi Osachi (1870-1931 - ông lên làm thủ tướng thứ 17 của Nhật Bản vào năm 1929) đứng đầu, Nhật Bản đã rơi vào tình trạng khủng hoảng. Không chỉ vật giá tăng lên hàng loạt, mà lượng hàng hóa bán ra cũng giảm đột ngột. Ở đâu cũng thấy có công ty phá sản. Khắp nơi đều nghe thấy chuyện giảm lương, cắt giảm biên chế hay tranh cãi xung quanh vấn đề lao động... Doanh thu của Công ty điện gia dụng Matsushita (tiền thân của Panasonic) cũng giảm mạnh, chỉ bằng một nửa bình thường, tạo ra núi hàng tồn đọng trong nhà kho. Cuối năm đó, nhà kho đầy ắp, dù sắp xếp thế nào cũng không đưa thêm hàng vào được nữa. Khi đó tôi mới xây dựng nhà xưởng, tiền vốn đã cạn kiệt. Nếu cứ tiếp tục công việc trong tình trạng đó thì sẽ dẫn tới bế tắc.

Trong tình cảnh đó, rủi thay tôi lại ốm, phải nằm viện. Những cán bộ chủ chốt đã đem kế sách mà họ cho là tối ưu nhất đến trình bày với tôi. Họ bảo: “Để có thể vượt qua được cơn khủng hoảng này, chúng tôi nghĩ chỉ còn một cách là giảm một nửa số nhân viên công ty”. Nghe thấy vậy, một mặt tôi cũng nghĩ đó là kế sách tối ưu, nhưng tôi cũng thử lật ngược lại vấn đề và thử nghĩ lại xem cách làm đó có phải thực sự là đúng đắn không. Nếu giảm một nửa số lượng nhân viên thì Matsushita có khả năng vượt qua được cơn nguy khốn. Nhưng nghĩ lâu dài về sự phát triển của công ty trong tương lai, bây giờ cắt giảm những nhân công mà mình đã mất công tuyển lựa là điều không nên. Và, tôi đã đưa ra kết luận theo cách riêng của mình: Dù thế nào cũng phải cố gắng chịu đựng và vượt qua tình trạng khó khăn này.

cam giac doi mua xuan

Thời cơ

Sau khi suy nghĩ rất nhiều, tôi đã quyết định: Để lượng hàng tồn đọng không tăng thêm nữa, phải giảm một nửa sản lượng và nhà xưởng chỉ hoạt động nửa ngày, nhưng sẽ trả tiền lương cả ngày cho nhân viên. Có thể sẽ phải chịu lỗ, nhưng nếu nhìn xa trông rộng thì đó chỉ là vấn đề mang tính nhất thời, chứ không phải là sự nghiêm trọng lâu dài. Hơn nữa, cả núi hàng tồn đọng không bán được cũng không nên nao núng. Tất cả mọi người phải dồn hết sức không kể ngày đêm để nỗ lực làm sao bán cho được hàng tồn đọng, chịu đựng chờ thời cơ đến...

Thấy tôi quyết định như vậy, các cán bộ phụ trách rất mừng và bảo: “Nếu ông đã quyết định như vậy, chúng tôi sẽ y lệnh. Xin ông cứ yên tâm dưỡng bệnh!”. Các nhân viên của công ty khi nghe như vậy cũng rất vui mừng và hứa sẽ dồn hết sức vào khâu bán hàng.

Kết quả thu được làm chính tôi cũng phải vô cùng kinh ngạc. Vào tháng 2 năm sau, núi hàng tồn đọng đã biến mất như chuyện đùa vậy. Thậm chí, từ lúc đó công ty chuyển từ chế độ làm nửa ngày sang cả ngày mà vẫn không kịp với tốc độ hàng bán ra.

Tích lũy

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, những chuyện chịu đựng cho đến khi thời cơ đến mà có được những thành quả lớn lao không phải hiếm. Trong số các bạn, chắc cũng có người đã trải qua những lúc trăn trở khi khởi đầu một việc gì đó. Các bạn sẽ luôn cảm thấy khó khăn, mọi sự không được như ý. Khi đó các bạn sẽ nghĩ: “Thôi, ném quách cho xong!”, hoặc là: “Mình có làm gì xấu đâu mà lại khổ sở thế này nhỉ?”...

Những lúc như vậy, cũng như những bông hoa anh đào vừa tích lũy năng lượng vừa nén chịu cái lạnh của mùa đông, điều quan trọng là chúng ta cũng luôn phải nỗ lực, chịu đựng khó khăn, cay đắng để đợi thời cơ đến. Dĩ nhiên, trong cuộc đời có những điều thành và cũng có những sự bại. Nhưng, dù có cay đắng, khó khăn cũng không được chán nản, hãy lặng lẽ “nếm mật nằm gai” chờ cơ hội. Đó chính là điều quan trọng và đáng quý. Những người như vậy nhất định sẽ được ánh nắng ấm áp của mùa xuân soi rọi.

Mùa đông với cái lạnh khắc nghiệt vẫn sẽ còn kéo dài thêm chút nữa. Chúng ta sẽ phải giữ gìn làm sao để không bị cảm lạnh, nhưng đôi khi cũng nên cho cơ thể biết cái lạnh thấu da để những ý nghĩ của mình đến được với tâm trạng đợi mùa xuân như hoa anh đào.

Phạm Thu Giang (dịch)

(*) Nguồn: “Mạn đàm nhân sinh” - Matsushita Konosuke. Ảnh: Hoa đào Nhật Bản - Ảnh: Sơn Nam.

Matsushita Konosuke Nhà sáng lập Công ty Masushita (*)