Cai nghiện bằng… thiền (!?)

06:48 | 06/08/2013

1,351 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước sự bộn bề với nhiều áp lực nặng nề từ cuộc sống, thiền đang là một giải pháp hữu hiệu mà con người tìm đến nhằm tìm lại chính mình và giúp cho nhịp sống chậm lại, thanh tĩnh hơn. Cũng chính với hiệu quả như vậy, thiền đang được tiến hành thử nghiệm để hỗ trợ cai nghiện cho những người nghiện ma túy.

Nghe có vẻ mơ hồ, thiếu thực tế nhưng thực sự thiền đang là một “đích đến” mà các bác sĩ tâm thần có xu hướng đề cao bên cạnh các phương pháp điều trị khác. Về bản chất, thiền giúp con người tĩnh tâm, loại bỏ những ám ảnh xấu và phát triển những suy nghĩ tích cực trong tư tưởng. Nó giống như một môn thể thao để rèn luyện tâm - trí - lực cho con người. Nhận định như GS Akihisa Kondo, nhà trị liệu nổi tiếng ở Đông Kinh, Nhật Bản về thiền: “Tất cả chúng ta đều bị điều kiện hóa bởi bối cảnh gia đình, xã hội, văn hóa đất nước cùng với kinh nghiệm cá nhân… Và những điều kiện ấy đã làm lu mờ bản chất thật của chúng ta. Vậy thiền, trong hoàn cảnh yên tĩnh, tập trung sẽ giúp chúng ta tẩy sạch những vướng mắc, tìm lại bản ngã chân thật nhất và nhân cách sâu thẳm của ta. Nói cách khác, thiền là quá trình đi tìm lại chính mình, đối diện với chính mình và khám phá ra bản chất chân thật của chính mình”.

Thiền để cai nghiện tại Trung tâm Cai nghiện Hải Phòng

Có 2 loại thiền: Thiền có đề mục và thiền không đề mục, trong đó thiền có đề mục là có đối tượng cụ thể như vật thể, ý tưởng, một phần của cơ thể hay toàn bộ cơ thể của mình (quán nội quan) rồi suy ngẫm, chiêm nghiệm về nó. Còn thiền không đề mục tức là không có đối tượng, suy nghĩ trong đầu nhưng phải suy nghĩ về trạng thái trống không đó chứ không phải “rỗng” hoàn toàn. Tuy nhiên, làm thế nào để tập trung thiền được như vậy? Về cơ bản là dùng phương pháp hít vào thở ra để điều chỉnh, vận khí trong người nhằm tác động đến não bộ để rồi những bộ phận ở não bộ đó (tùy theo nhu cầu, “tâm bệnh” của nhiều người để xem tác động tới những bộ phận nào) kích thích sinh ra những chất có lợi cho sức khỏe và tinh thần.

Đối với thiền để hỗ trợ cai nghiện, cả hai loại thiền trên đều có thể áp dụng. Nhưng dẫu theo loại nào, điều quan trọng nhất vẫn phải là phải tạo ra những suy nghĩ tích cực cụ thể như sự bình an, quyết đoán mà trong thiền gọi là “Raja - Yoga”. Thiền theo phương pháp “Raja - Yoga” các nhà khoa học đã chứng minh sẽ làm lành mạnh và sáng suốt trí tuệ để thông qua đó phân loại  một cách hiệu quả những suy nghĩ tiêu cực và tích cực. Sau đó những suy nghĩ tiêu cực sẽ được loại bỏ để thay thế bằng những suy nghĩ tích cực. Khi đã có suy nghĩ tích cực thì chắc chắn hành động, lời nói… cũng sẽ tích cực. Bởi hành động chính là hệ quả của suy nghĩ. Đối với những người nghiện ma túy, ký ức của họ bị ám ảnh rất sâu về ma túy. Dường như trong đầu họ từ lúc ăn đến lúc ngủ hay trong mọi sinh hoạt, lúc nào cũng chỉ nghĩ duy nhất về chất kích thích này. Vì vậy, dù không muốn, nhưng tiềm thức của người nghiện buộc họ phải tiếp tục thói quen hút hoặc hít ma túy.

Các bác sĩ thuộc Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Thanh Đa, TP Hồ Chí Minh đã xác lập và đưa ra chu kỳ của người nghiện mà ở đó cho thấy rõ tâm thức của người nghiện bị ám ảnh sâu sắc bởi ma túy như thế nào. Trước hết là sự ám ảnh tồn tại ở dạng suy nghĩ. Sau đó đến sự thôi thúc bức bách tồn tại ở dạng hành động và kết quả là sự phá sản về mặt tinh thần. Khi ở trạng thái “phá sản về mặt tinh thần”, người nghiện thường có tâm lý biện minh cho hành động nghiện của mình rằng: “Mình chỉ muốn dùng thêm một lần thôi…”; “Mình chỉ dùng 2 lần mỗi ngày. Trong khi nó (bạn nghiện) còn nghiện nặng hơn”; “Mình đã không sử dụng nếu như…” v.v... và v.v… Chính những biện minh này cùng với cảm xúc tiêu cực xuất hiện sau khi hút hoặc hít là mặc cảm, xấu hổ… một lần nữa lại là “duyên cớ” cho sự ám ảnh, thôi thúc bức bách sử dụng ma túy… Cứ như vậy, chu kỳ nghiện ngập được lặp đi lặp lại nhiều lần và làm cho người nghiện không thể cai được.

Vậy, phương pháp thiền “Raja - Yoga” sẽ chấm dứt trình trạng ám ảnh này của người nghiện như thế nào để giúp họ cai nghiện? Theo đúng bản chất, khi thiền, những suy nghĩ tích cực sẽ thay thế dần những những suy nghĩ tiêu cực, từ đó dẫn đến tiềm thức chỉ tồn tại những điều tích cực sâu sắc mang tính bản ngã. Tinh thần cũng vì vậy mà bình an, hưng phấn hơn, các phản ứng phòng vệ sẽ tan biến mất, sự tự trọng phát triển ngày một mạnh mẽ tạo nên niềm tin vào bản thân, nhìn nhận bản thân tốt đẹp hơn, làm cho sự thôi thúc, ám ảnh về ma túy giảm dần sau đó mất đi. Trong quá trình thiền, do cơ thể còn tiết ra chất endorphin nội sinh nên thần kinh của người nghiện cũng có cảm giác lâng lâng như khi hút, hít ma túy nên càng dễ giúp người nghiện cắt cơn.

Duy chỉ có điều, người nghiện khó tập thiền hơn so với người bình thường vì ma túy đã làm cho họ rối loạn tâm sinh lý, não bộ bị tổn thương… dẫn đến việc tiếp nhận những kỹ năng thiền không dễ dàng. Cho nên để thiền được, người nghiện phải kiên trì, nhẫn nại.

Hiện nay, một số trung tâm cai nghiện đã đưa thiền vào hỗ trợ cai nghiện theo phương thức: trước hết phải ngồi thoải mái trên một chiếc gối hoặc chiếc ghế theo thế tự nhiên. Thời kỳ đầu làm quen, người nghiện cần có một máy phát nhạc để bên cạnh với giai điệu nhẹ nhàng, dễ tạo cảm giác thư thái. Khi nhận thấy cảm giác ấy, người nghiện bắt đầu thiền theo cách suy nghĩ về thực trạng của bản thân đồng thời để suy nghĩ ấy đi đúng hướng một cách  tự nhiên, không cần phải bận tâm nó phát triển như thế nào. Trong trường hợp nó đi chệch hướng, có thể điều chỉnh nhẹ nhàng bằng cách tập trung suy nghĩ về tích cực của bản thân.

Bên cạnh đó, cũng có thể thiền theo cách hãy quán tưởng không có gì tồn tại trong căn phòng, chỉ có ta và ta thoải mái khám phá chính bản thân với suy nghĩ tập trung vào trung tâm của vầng trán cho đến khi cảm thấy tách biệt khỏi thế giới bên ngoài, vạn vật xung quanh… Lúc đó, cảm giác bình an bắt đầu xuất hiện và tập trung vào đó thật sâu lắng. Cùng lúc đó có thể nhủ thầm: “Tôi có một tinh thần hạnh phúc, bình an. Tôi là điểm năng lượng sáng ngay trung tâm vầng trán của tôi”.

Khi mới tập, người nghiện chỉ nên tập khoảng 10 phút vào sáng sớm. Sau đó tăng dần lên 20 phút, thậm chí nửa tiếng và nên thiền 2 lần mỗi ngày, vào sáng sớm khi thức dậy và trước khi đi ngủ.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc