Cải cách để tránh vỡ quỹ BHXH

07:16 | 07/12/2017

896 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) đang là một nỗi lo lớn của Chính phủ, Hội thảo quốc tế về cải cách chính sách BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp cùng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức mới đây nhằm tìm giải pháp cho vấn đề này.   

Đóng ít hưởng nhiều

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH chính là tình trạng nghỉ hưu sớm trong điều kiện dân số già hóa với tuổi thọ ngày càng tăng. Cùng với đó, cách điều chỉnh tăng lương hưu nhiều năm qua theo hình thức cào bằng dẫn tới sự chênh lệch lớn giữa lương hưu của nhiều đối tượng cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ông Giang lấy ví dụ, có 3 người hưởng lương hưu vào năm 2002 với các mức lần lượt là 200.000 đồng; 1 triệu đồng và 10 triệu đồng. Nhưng đến năm 2017, sự chênh lệch lương hưu của 3 người này là rất lớn, 3 người nhận lần lượt lương là 1,8 triệu đồng, 8,6 triệu đồng và 85 triệu đồng. Như vậy, có người hưởng lương chỉ 1,8 triệu, trong khi có người hưởng tới 85 triệu đồng. Đây là một bất cập không nhỏ của chính sách BHXH.

cai cach de tranh vo quy bhxh
Bàn chi trả BHXH cho người dân

Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 11,2 triệu người hưởng BHXH hằng tháng. Đến năm 2030, dự kiến có thêm 5,4 triệu người hưởng lương hưu từ quỹ. Đến năm 2050, tăng thêm 10 triệu người nữa. Trong khi độ tuổi nghỉ hưu trung bình hiện nay là 57 tuổi nhưng thực tế là 54 tuổi. Tuổi thọ trung bình của người dân lại khoảng 78 tuổi. Do đó, thời gian hưởng khoảng 25 năm, trong khi thời gian đóng BHXH chỉ khoảng 28 năm. Sự bất hợp lý trong việc đóng và hưởng, cộng với số người hưởng lương hưu ngày càng tăng, như vậy sẽ tạo ra nhiều nguy cơ cho quỹ BHXH, nhất là quỹ dành cho người hưu trí.

Đồng quan điểm ông Đặng Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhận định, trong quỹ BHXH của Việt Nam, nhóm quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ vỡ nhất. Còn những quỹ với các khoản bảo hiểm khác tương đối ổn định và có thể tích lũy trong tương lai. Nguyên nhân chính được xác định chính là sự mất cân đối giữa đóng và hưởng. “Không nước nào áp dụng mức đóng 22% nhưng lại hưởng đến 75%”, ông Long nhấn mạnh.

Đánh giá chung về chính sách chung của BHXH, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng nhận định: Hiện cả nước có trên 14,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng lao động trong độ tuổi và 27% lao động ngoài độ tuổi. Trên 10 triệu người tham gia bảo hiểm tự nguyện, chiếm 21% số lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm tự nguyện. Năm 2016 ước thu BHXH đạt 174,5 nghìn tỉ đồng, tăng 7 lần so với năm 2007 là năm đầu tiên thực hiện Luật BHXH... Đó là một thành quả lớn tuy nhiên, bên cạnh đó chính sách BHXH cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập mà một trong số đó là diện bao phủ BHXH còn thấp do mức độ tuân thủ chính sách và quy định về BHXH bắt buộc còn yếu trong khu vực chính thức. Ngoài ra tỷ lệ tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức... cũng thấp.

Phải tăng tuổi nghỉ hưu

Để giải quyết vấn đề này, ông Đặng Thanh Long cho rằng, cần thay đổi cách tính lương nhưng phải triển khai từng bước, phải xây dựng hệ thống bảo hiểm đa tầng, lấy mảng nọ bù mảng kia. Tăng tuổi hưu cũng là một trong những phương án được ông Long đề xuất. Ông Long phân tích, nếu tăng tuổi nghỉ hưu, không ngại mất cơ hội việc làm của thanh niên. Vì đây là hai 2 nhóm tuổi có ngành nghề, cơ cấu trong lao động… khác nhau.

Ông Nuno Meira Simoes da Cunha, chuyên gia an sinh xã hội, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thì đề xuất 4 phương án cải cách hệ thống BHXH Việt Nam và phương án nào theo ông cũng tăng tuổi nghỉ hưu. Một là, tăng tuổi nghỉ hưu lên 65 cho cả nam và nữ. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, phương án đó cần thực hiện từng bước, mỗi năm tăng một tuổi và bắt đầu từ năm 2018. Phương án hai là tăng tuổi nghỉ hưu, đồng thời giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ tích lũy hằng năm là 1,5% cho 1 năm đóng góp trong 40 năm chuyển đổi. Phương án thứ ba là tăng tuổi nghỉ hưu, giảm tỷ lệ hưởng với tỷ lệ mỗi năm đóng bảo hiểm được cộng thêm 1% lương bảo hiểm, cùng với đó là áp dụng hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu khu vực công cộng. Phương án thứ tư là tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng chế độ hưu trí có định mức đóng định danh (NDC) và hưu trí phổ cập với mức bằng 50% lương tối thiểu ở khu vực công.

Chỉ đạo vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng khẳng định: Là một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ trọng lao động phi chính thức lớn, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức khi xây dựng hệ thống BHXH. Bởi vậy, cải cách chính sách BHXH cần tuân thủ nguyên tắc tối cao đóng - hưởng nhưng vẫn trên cơ sở có sự chia sẻ. Sự chia sẻ của số đông với số ít, thế hệ này, thế hệ khác… Phó Thủ tướng cũng nói thêm, cải cách BHXH phải có tầm nhìn dài 20-30-40 năm, vì độ trễ chính sách rất dài. Nhưng phải hành động nhanh chóng, sớm để có nhiều dư địa cho việc cải cách.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Việc tăng độ tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, vì càng sớm càng có dư địa điều chỉnh. Ngoài ra cần có cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính để đơn giản hóa việc đóng BHXH, giảm thời gian đóng BHXH để thu hút người tham gia.

Nguyễn Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc