Từ an ninh mạng tới chiến tranh mạng:

Các nước tăng cường an ninh mạng

09:46 | 23/08/2014

1,208 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 2/8, kênh Russia Today (Nga) cho biết, Cơ quan tình báo Anh (GCHQ) đã phê chuẩn cho 6 trường đại học nước này đào tạo điệp viên và chuyên gia mạng nhằm chống lại tội phạm mạng ngày càng gia tăng. Đây là một phần trong chiến lược an ninh mạng quốc gia với tổng kinh phí 1,5 tỉ USD của London.

>> Trung Quốc vô can trước cáo buộc tin tặc?

Và để phục vụ chương trình an ninh mạng quốc gia, trường Royal Holloway thuộc Đại học London và Đại học Oxford đã phát triển 2 trung tâm đào tạo các chuyên gia an ninh mạng có trình độ cao, với kinh phí 7,5 triệu bảng Anh. Trước đó (11/4/2013), Văn phòng Nội các Anh cho biết, tội phạm mạng đã khiến London thiệt hại 27 tỷ bảng (khoảng 43 tỷ USD) mỗi năm.

Từ châu Á

Nhật Bản từng tổ chức diễn tập đối phó với các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan chính phủ. Theo ông Ikuo Misumi, chuyên gia máy tính của Trung tâm an ninh thông tin quốc gia Nhật Bản, cuộc diễn tập có sự tham gia của khoảng 50 chuyên gia an ninh mạng tại trung tâm phản ứng nhanh ở Tokyo, cùng với hơn 100 chuyên gia bên ngoài, chống lại một cuộc tấn công giả định nhằm vào 21 trang mạng của các cơ quan, bộ ngành của Chính phủ Nhật Bản và 10 công ty, tập đoàn công nghiệp. Ông Ikuo Misumi cho biết, số hệ thống máy tính ở Nhật Bản bị tin tặc nước ngoài và trong nước tấn công đã tăng gấp đôi trong năm 2013.

Trước đó (tháng 2/2014), Bộ trưởng Công nghệ Thông tin Yamamoto đã triệu tập cuộc họp đầu tiên của các quan chức an ninh mạng từ các bộ ngành chính phủ và cơ quan cảnh sát, cùng với sự tham dự của các chuyên gia công nghệ thông tin, nhằm tìm kiếm cách tiếp cận thống nhất cho vấn đề an ninh mạng. Tokyo cũng đã tiến hành các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công nghệ hàng đầu của Nhật Bản trước các hoạt động tình báo công nghiệp. Được biết, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang xây dựng một đội ngũ khoảng 100 chuyên gia an ninh mạng nhằm đối phó với tội phạm công nghệ cao và đưa vấn đề an ninh mạng vào danh sách phòng vệ quốc gia cùng với việc bảo vệ lãnh hải, không phận và lãnh thổ.

Theo Thiếu tướng Yuri Kuznetsov, Tư lệnh quân đội Nga, Moskva có kế hoạch thành lập các đơn vị phòng thủ không gian mạng đặc biệt để đối phó với các cuộc tấn công mạng trong những năm tới. Việc thành lập các đơn vị phòng thủ không gian mạng được tiến hành theo từng giai đoạn và sẽ được hoàn thành vào năm 2017 với nhiệm vụ bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của các lực lượng vũ trang Nga và đối phó với các cuộc tấn công máy tính. Trong khi đó, ông Alexei Moshkov, người đứng đầu Cục kỹ thuật đặc biệt về tội phạm mạng Nga cho rằng, cơ quan này đã ngăn được nhiều vụ tấn công của tin tặc trong năm 2013 với số tiền khoảng 28 triệu USD. Theo ông Alexei Moshkov, mỗi giây có 12 người trên thế giới trở thành nạn nhân của tin tặc và phần lớn các cuộc tấn công nhằm vào lĩnh vực tài chính.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài phát thanh Echo Moskvy gần 1 năm trước (19/8/2013), ông Andrei Grigoryev, người đứng đầu Quỹ nghiên cứu quân sự mới được thành lập cho biết: Nga thành lập chi nhánh chống tội phạm mạng trong bối cảnh Internet sắp trở thành một chiến trường trong tương lai gần, và không gian mạng đang trở thành ưu tiên hàng đầu của cơ quan này. Theo tiết lộ của ông Andrei Grigoryev, Quỹ nghiên cứu quân sự đã được cấp 2,3 tỉ rub (70 triệu USD) trong năm 2013 để nghiên cứu 3 lĩnh vực chính: vũ khí tương lai, binh sỹ tương lai và chiến tranh mạng.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) của Hàn Quốc từng muốn tuyển nhân lực để thành lập trung tâm tác chiến mạng với sứ mệnh ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Theo JCS, khi đưa vào hoạt động (từ năm 2014), trung tâm này sẽ bảo vệ hệ thống mạng của JCS bằng cách chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan, trong đó có Bộ Tư lệnh tác chiến mạng và Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc.

Các nước tăng cường an ninh mạng

Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ Kapil Sibal.

Chính phủ Ấn Độ từng công bố “chính sách an ninh mạng quốc gia” nhằm bảo vệ thông tin và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng. Theo Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ thông tin Ấn Độ Kapil Sibal, những hạ tầng quan trọng như hệ thống quốc phòng, điện lực, thông tin viễn thông, nhà máy điện hạt nhân phải được bảo vệ, nếu không có thể gây bất ổn kinh tế.

Trước đó (10/6/2013), tờ the Hindu cho biết, trước những thông tin gây lo ngại cho những người sử dụng Internet tại Ấn Độ về việc các cơ quan gián điệp Mỹ có thể đột nhập tài khoản và dữ liệu trực tuyến của họ, Chính phủ Ấn Độ đã thành lập Trung tâm điều phối an ninh mạng quốc gia (NCCC), nhằm đánh giá thực tế những nguy cơ về an ninh mạng đối với nước này. Khi phát biểu tại Học viện Hải quân Ấn Độ ở Kannur (25/5/2013), Bộ trưởng Quốc phòng Antony cho biết, Ấn Độ sẽ sớm thành lập Bộ chỉ huy về an ninh mạng để xử lý những nguy cơ về hệ thống mạng đối với nước này.

Tờ New Straits Times dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Malaysia Zulkifeli Mohd Zin cho biết, nước này đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao kể từ khi xuất hiện thông tin về mối đe dọa từ hoạt động gián điệp ở nước ngoài. Các lực lượng vũ trang cũng cải thiện an ninh mạng ở mọi cấp độ và ngăn chặn rò rỉ thông tin.

Tới châu Âu

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, Paris sẽ triển khai kế hoạch đối phó với các cuộc chiến tranh mạng trị giá 1,5 tỉ euro (2 tỷ USD) và đây là ưu tiên chiến lược của ngân sách quân sự Pháp trong 5 năm tới. Theo đó, Bộ Quốc phòng sẽ tuyển dụng các chuyên gia công nghệ thông tin và lập trình để tăng cường khả năng bảo vệ, huấn luyện nhân viên hiện có, và sử dụng công nghệ mạng để hỗ trợ tốt hơn cho quân đội Pháp. Ông Jean-Yves Le Drian cho biết, trong năm 2013, Pháp đã ghi nhận tổng số 780 vụ tấn công máy tính lớn tại Bộ Quốc phòng, tăng gấp 4 lần so với 195 trường hợp của năm 2011.

Theo giới truyền thông, Bộ Quốc phòng Pháp đã tổ chức lại hoạt động “quốc phòng mạng” sau khi lập 2 đơn vị nghiên cứu chuyên về an ninh mạng tại Trường quân sự Saint-Cyr. Sách trắng quốc phòng Pháp từng đề cập vấn đề này. Tổng cục An ninh đối ngoại (DGSE) trực thuộc Bộ Quốc phòng Pháp, cũng có chương trình theo dõi toàn diện Internet và điện thoại tương tự Mỹ.  

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond từng gây chú ý khi tuyên bố, London có thể tuyển mộ tin tặc máy tính từng bị kết án tù vào một đơn vị quân đội mới thành lập để chống chiến tranh mạng. Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho biết, từ năm 2011 đến nay, cảnh sát đã xóa bỏ 5.700 trang web trực tuyến liên quan đến khủng bố. Song con số này chỉ là "muối bỏ bể" so với khoảng 50.000 trang web cực đoan trên thế giới.

Các nước tăng cường an ninh mạng

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Philip Hammond

Trước đó (10/7/2013), Ủy ban Tình báo và An ninh Anh cho biết, nhiều quốc gia đang thuê tin tặc để tấn công kẻ thù của họ, một xu hướng được cho là đặc biệt đáng quan ngại. Sự thừa nhận của Ủy ban Nội vụ thuộc Quốc hội Anh - London đang thất bại trong cuộc đối đầu với mối đe dọa đánh cắp dữ liệu mạng càng khiến cho vấn đề này thêm phức tạp. Cục Chiến lược an ninh quốc gia Anh xếp các mối đe dọa từ Internet ngang hàng với khủng bố. Giám đốc MI5 còn cảnh báo viễn cảnh các tổ chức khủng bố sẽ tấn công mạng trong tương lai và hậu quả của việc này ngày càng lớn hơn, do Internet đã gắn kết với gần như mọi khía cạnh của cuộc sống. An ninh mạng đã và đang là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của giới chức Anh sau khi London xây dựng Trung tâm An ninh mạng và năng lực toàn cầu để đảm bảo an ninh mạng và hỗ trợ các nước triển khai các kế hoạch toàn diện nhằm đối phó với những mối đe dọa qua Internet.

Tuần báo Tấm gương của Đức từng đưa tin, Cơ quan tình báo nước ngoài của Đức (BND) có kế hoạch mở rộng việc giám sát Internet bất chấp những rắc rối liên quan về tình báo mạng của Mỹ. Theo đó, BND đầu tư khoảng 130 triệu USD trong vòng 5 năm tới để mở rộng việc giám sát Internet thông qua việc thành lập "một đội trinh sát kỹ thuật" với đội ngũ nhân viên mới khoảng 100 nhân viên.

Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO đã nhất trí tăng cường khả năng phòng thủ mạng nhằm đối phó với các thách thức về an ninh mạng. Đây là lần đầu tiên vấn đề an ninh mạng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của NATO. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho biết, các cuộc tấn công mạng không dừng lại ở biên giới một quốc gia nào, mà trở thành vấn đề mang tính toàn cầu. Trong khi đó, Thủ tướng New Zealand John Key thông báo, Cơ quan An ninh Truyền thông (GCSB) chỉ được phép xâm nhập các hộp thư điện tử khi có lệnh của thủ tướng trong trường hợp điều tra nguy cơ an ninh. Dự luật An ninh Truyền thông của New Zealand không ngăn cản cơ quan tình báo đọc thư điện tử, nhưng Thủ tướng John Key cho rằng, hàng loạt biện pháp sẽ được đưa ra để ngưng hoạt động gây tranh cãi này.

Theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng thuộc Công ty Bkav, từ 8 đến 11/5 đã có khoảng 220 trang web của Việt Nam bị hacker tự nhận là "tin tặc Trung Quốc" tấn công, thậm chí hacker còn đề rõ dòng chữ “By China Hacked”. Ông Ngô Tuấn Anh cho rằng, chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng kể cả cho tình huống đụng độ lớn hơn ở trên mạng. Và đích ngắm của hacker Trung Quốc trong làn sóng tấn công sắp tới là các trang web của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức của Chính phủ.

Theo đánh giá của Bkav, Việt Nam có khả năng phối hợp để đáp trả các vụ tấn công an ninh mạng của Trung Quốc. Nhận định kể trên của ông Ngô Tuấn Anh được ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo An ninh mạng Athena thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ. Theo đó, nguy cơ một cuộc chiến an ninh mạng giữa hacker Việt Nam và Trung Quốc là hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới. Và nếu nguy cơ này trở thành hiện thực thì các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức sở hữu những trang mạng của Việt Nam sẽ bị thiệt hại nhiều nhất.

Hơn 3 năm trước (6/7/2011), khi phát biểu tại buổi tọa đàm về tăng cường đảm bảo an toàn cho trang/cổng thông tin điện tử tại Bộ TT&TT, ông Nguyễn Viết Thế, Cục trưởng Cục Công nghệ Tin học nghiệp vụ, Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Công an cho biết, Bộ Công an đang đề xuất Thủ tướng cho phép thành lập Bộ Tư lệnh An ninh thông tin, an ninh mạng nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Theo con số thống kê của hãng bảo mật Symantec, gần 2/3 người dùng web (65%) trên thế giới là nạn nhân của tội phạm mạng (bị lây nhiễm virus, mã độc và gian lận thẻ tín dụng). Và châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN là địa bàn hoạt động của tội phạm mạng. Có một thực tế, lực lượng hacker Trung Quốc rất hùng hậu và đây là một thách thức không nhỏ.

 

Tiên Du - Bắc Ninh