Các nhà phân phối bán lẻ ngoại đưa hàng Việt ra thế giới

19:00 | 19/04/2019

190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Aeon ký cam kết với Bộ Công Thương đến năm 2020 xuất khẩu 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD giá trị hàng hóa của Việt Nam ra nước ngoài.

Hàng hóa sản xuất trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội để mở rộng thị trường ra nhiều nước trên thế giới. Bởi thế, giờ đây các doanh nghiệp trong nước không chỉ lo cạnh tranh với các thương hiệu ngoại tràn vào thị trường nội địa khi các Hiệp định thương mại tự do được ký kết có hiệu lực mà còn tìm kiếm các cơ hội để vươn ra các thị trường lớn trên thế giới.

Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, có khoảng 110 cơ sở bán lẻ vốn đầu tư nước ngoài có diện tích 500m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của rất nhiều thương hiệu nổi tiếng như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart…

cac nha phan phoi ban le ngoai dua hang viet ra the gioi
(Ảnh minh họa)

Và một điều đáng ghi nhận là, không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt trong hệ thống tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ ngoại còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối tại các thị trường nước ngoài.

Hai nhà phân phối bán lẻ lớn có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là Big C (do Tập đoàn Central Group sở hữu) và Aeon (do Tập đoàn Aeon sở hữu) đều cam kết với Bộ Công Thương hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, cũng như thu mua xuất khẩu ra nước ngoài.

Riêng Big C, từ năm 2017 đến nay, thường xuyên xuất khẩu 46 triệu USD/năm trở lên và đang đẩy con số này lên cao hơn vì còn nhiều dư địa đối với mặt hàng dệt may, nông sản.

Hiện, Aeon đã xuất khẩu 250 triệu USD/năm giá trị hàng hóa của Việt Nam gia công qua Aeon, thông qua thương hiệu Top Value (hàng độc quyền của Aeon). Đồng thời, ký cam kết với Bộ Công Thương đến năm 2020 nâng con số này lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD.

Hay MM Mega Mark (trước đây là Metro), sau khi được Tập đoàn TCC (Thái Lan) thu mua, đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam, mục tiêu xuất khẩu mỗi tuần 10 container...

Bên cạnh đó, hiện có nhiều siêu thị Việt Nam tại nước ngoài đang hoạt động hiệu quả, đã xây dựng thương hiệu riêng. Vì vậy, các nhà bán lẻ Việt Nam có thể phối hợp, kết nối qua kênh bán lẻ này để mở rộng hệ thống bán lẻ mang thương hiệu Việt Nam tới toàn cầu, qua đó xuất khẩu hàng Việt ra thế giới.

Điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) có mối liên kết chặt chẽ với hệ thống bán lẻ FairPrice (Singapore). Hệ thống này hỗ trợ trong việc cung cấp hàng hóa của Việt Nam sang hệ thống FairPrice tại Singapore. Đồng thời, Singapore hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực của hệ thống bán lẻ Saigon Co.op tại Singapore.

Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ Công Thương chủ trì triển khai. Hiện, Bộ Công Thương đang kêu gọi doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu chi tiết về các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam để giới thiệu cho các hãng phân phối nước ngoài. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới - là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ Việt Nam mở rộng kênh phân phối ra nước ngoài.

Minh Lê

cac nha phan phoi ban le ngoai dua hang viet ra the gioiNắm bắt xu thế bán lẻ để chiếm lĩnh thị trường
cac nha phan phoi ban le ngoai dua hang viet ra the gioiVẫn còn tình trạng ép giá trong cung ứng cho thị trường bán lẻ
cac nha phan phoi ban le ngoai dua hang viet ra the gioiThị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập