Các lệnh trừng phạt tác động như thế nào đối với ngành dầu khí Nga?

14:45 | 13/05/2021

|
Hơn 8 năm về trước, vào ngày 12/04/2013, một giai đoạn trừng phạt chính trị mới bắt đầu đối với nước Nga.
Các lệnh trừng phạt tác động như thế nào đối với ngành dầu khí Nga?

Tại thời điểm đó, phía Mỹ đã công bố “Danh sách Magnitsky” trừng phạt hàng loạt các quan chức Nga với cáo buộc vi phạm nghiêm trọng nhân quyền tại nước này. Sau đó, hàng loạt các hạn chế, trừng phạt gia tăng từ năm này sang năm khác. Tổ hợp năng lượng và nhiên liệu của Nga là một trong những ngành công nghiệp đầu tiên chịu tác động bởi lệnh trừng phạt này. Theo nhận định của các chính trị gia châu Âu, các cuộc “tấn công” nhằm vào các dự án năng lượng của Nga sẽ còn tiếp diễn. Đánh giá về các lệnh trừng phạt có tác động đáng kể nhất đối với ngành công nghiệp dầu khí Nga, hầu hết các nhà khoa học chính trị và chuyên gia dầu khí Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt cá nhân không ảnh hưởng đến ngành dầu khí nước này. Những tác động đáng kể hơn cả là những hạn chế tài chính hoặc công nghệ, và nhất là hạn chế việc tiếp cận các khoản vay.

Chuyên gia phân tích tại Đại học tài chính trực thuộc Chính phủ LB Nga Igor Yushkov cho biết, vấn đề khó khăn nhất đối với ngành dầu khí Nga là lệnh cấm cho vay. Các công ty Nga đã phải tìm kiếm các thị trường vốn thay thế ngoài EU và Mỹ (những thị trường có tính thanh khoản cao nhất với lãi suất thấp hơn). Trở lại năm 2014, khi Chủ tịch tập đoàn dầu khí Lukoil Vagit Alekperov tuyên bố, các khoản vay của Trung Quốc là đắt nhất trên thế giới và công ty sẽ không bao giờ tiếp cận khoản vay đó. Sau khi Mỹ/phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, Trung Quốc ngay lập tức quyết định “kiếm tiền” từ thị trường Nga. Đối với các công ty Nga, điều này là một vấn đề lớn. Mặc dù đã có những sự điều chỉnh, nhiều công ty Nga đã bị thiệt hại bởi khủng hoảng giá dầu trong giai đoạn 2014 - 2016. Những vấn đề về tín dụng tiếp tục kéo dài đến nay. Ví dụ như Novatek đang gặp khó khăn trong huy động tín dụng cho dự án Arctic LNG-2. Trước đó, dự án Yamal LNG đã phải tiếp cận đến nguồn tài chính từ Quỹ phúc lợi quốc gia.

Một số chuyên gia khác của Nga đánh giá, các lệnh trừng phạt tài chính khiến các công ty dầu khí gặp khó khăn trong tái cấp vốn đối với các khoản nợ bằng ngoại tệ. Việc các công ty phương tây từ bỏ các dự án ở Nga phần lớn xuất phát từ lo ngại các lệnh trừng phạt tài chính. Chính các biện pháp trừng phạt tài chính đã giáng đòn mạnh vào ngành dầu khí Nga hơn là những hạn chế về công nghệ. Bên cạnh đó, sự sụt giảm giá dầu cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dầu khí trong nước.

Áp lực trừng phạt đối với Nga trong giai đoạn 2014-2020 đã tác động trực tiếp đến quan hệ kinh tế của các công ty Nga và nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, dẫn đến việc đóng băng các dự án khai thác dầu khó thu hồi ở Nga, giảm đầu tư của các công ty châu Âu và Mỹ vào ngành dầu khí. Mặc khác, điều này đã thu hút các nhà đầu tư châu Á tham gia vào các hoạt động dầu khí tại LB Nga, nhất là các nhà đầu tư Trung Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng, khó khăn tài chính không ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dầu khí tại Nga. Ở khía cạnh khác, điều này còn có lợi. Giám đốc năng lượng tại Viện năng lượng và tài chính Aleksei Gromov đánh giá, một số công ty Nga đã vượt qua những biện pháp cấm vận tài chính, thậm chí họ còn quản lý tốt để tái cơ cấu nợ doanh nghiệp của mình. Hơn nữa, một số công ty đã tiếp cận được nguồn tài chính nước ngoài tại thị trường Nga. Điều này giúp hệ thống ngân hàng của Nga được củng cố. Xét ở góc độ này thì các biện pháp cấm vận tài chính đã có tác dụng “chữa lành” phần nào đối với nền kinh tế Nga. Ngành công nghiệp dầu khí Nga đã quá tải với các khoản nợ nước ngoài và các doanh nghiệp đã học cách thu hút dòng tiền với lãi suất chấp nhận được từ thị trường trong nước. Chuyên gia phân tích cao cấp của Rystad Energy Daria Melnik đánh giá, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ Nga, các biện pháp cấm vận tài chính gần như không ảnh hưởng đến hoạt động của một số công ty. Ví dụ nổi bật về điều này là trường hợp của tập đoàn Novatek. Nhà nước Nga đã cấp kinh phí cho Novatek xây dựng cảng LNG Sabetta để xuất khẩu khí đốt từ nhà máy Yamal LNG, đồng thời dự kiến sẽ hỗ trợ Novatek xây dựng cảng LNG cho dự án Arctic LNG-2.

Đánh giá về những tác động của các biện pháp hạn chế tiếp cận công nghệ đến ngành dầu khí Nga, một số chuyên gia Nga cho rằng, các biện pháp trừng phạt công nghệ đã tác động đáng kể đến ngành dầu khí, làm chậm và phức tạp hóa quá trình triển khai các dự án, bao gồm các dự án khó thu hồi cũng như các dự án trên thềm lục địa. Trước đây, việc hợp tác với các đối tác nước ngoài phát triển các mỏ khó thu hồi và các mỏ ở thềm lục địa giúp giảm chi phí và đẩy nhanh tiến độ triển khai nhờ áp dụng các công nghệ tiên tiến. Giờ đây, các nhà sản xuất dầu khí Nga buộc phải tự làm mọi thứ, đẩy chi phí tăng và kéo dài thời gian triển khai.

Chuyên gia Daria Melnik lưu ý rằng, trong năm 2014, Mỹ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu thiết bị khai thác nước sâu và dầu đá phiến vào Nga. Kết quả là một số liên doanh với đối tác nước ngoài bị sụp đổ. Ví dụ, 10 công ty liên doanh giữa ExxonMobil và Rosneft đều bị đóng cửa do lệnh trừng phạt, các hoạt động dầu khí chung giữa hai bên trên biển Kara bị đình chỉ. Hợp tác giữa Rosneft với các đối tác nước ngoài khác như Eni và Equinor cũng bị đình trệ mặc dù đã nằm trong kế hoạch. Các lệnh trừng phạt đã ngăn cản Rosneft phát triển các mỏ ở khu vực Bắc Cực, bao gồm cả các mỏ Đông Prinovozemelskoe - 1, 2, 3. Hãng phải mất 5 năm để bắt đầu tự phát triển các mỏ này.

Trong lĩnh vực dầu đá phiến, các chuyên gia cho rằng, khó đánh giá hậu quả của lệnh cấm xuất khẩu công nghệ đá phiến vào Nga vì triển vọng sử dụng công nghệ của Mỹ trong điều kiện thực tế tại Nga là không rõ ràng. Cấu tạo địa chất của hệ tầng Bazhenov khác với địa chất của đá phiến Mỹ, có nghĩa là không thể sử dụng các công nghệ đá phiến Mỹ nếu chúng không tương thích với các điều kiện tại Nga. Tuy nhiên, việc áp đặt các lệnh trừng phạt đã khiến một số liên doanh với nước ngoài (Rosneft và Equinor, Rosneft và BP, Gazprom Neft và Shell, Lukoil và Total) bị đóng cửa.

Đối với các dự án ngoài khơi trên thềm lục địa của Nga, chuyên gia Igor Yushkov cho rằng, việc cấm các công ty phương tây tham gia vào các dự án ngoài khơi tại Nga liên quan đến vấn đề chi phí. Ngay cả khi không có các biện pháp cấm xuất khẩu công nghệ và thiết bị nước sâu sang Nga, việc phát triển các dự án trên thềm lục địa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí khai thác cao. Ví dụ, khi giá dầu ở mức 60-70 USD/thùng, các công ty dầu khí sẽ không có lãi khi khai thác dầu tại Biển Kara.

Động thái của các công ty Nga

Các chuyên gia Nga cho rằng, nhằm đối phó với các biện pháp trừng phạt công nghệ, Nga đã tăng cường sản xuất nội địa để thay thế nhập khẩu. Mặc dù chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt, các dự án dầu khí mới, phức tạp về công nghệ tại khu vực Bắc Cực và Đông Siberia vẫn đang được triển khai. Các công ty Nga cũng tiếp tục hoạt động tại hệ tầng Bazhenovskoe dưới sự hỗ trợ của các công ty dịch vụ dầu khí trong và ngoài nước. Phía Nga đang nỗ lực thay thế nguồn thiết bị nhập khẩu. Theo các chuyên gia Nga, vấn đề của việc khai thác các mỏ khó thu hồi hiện nay là giá dầu, không phải công nghệ.

Tóm lại, các biện pháp trừng phạt nói chung trong giai đoạn 2014-2021 cũng có những mặt tích cực đối với ngành dầu khí Nga. Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 trên thế giới, áp lực trừng phạt hầu như không ảnh hưởng đến sản lượng khai thác dầu khí và hoạt động tinh chế dầu, mà còn cho phép các công ty Nga tăng đáng kể sản lượng sản xuất dầu khí. Trong giai đoạn 2015 - 2019, sản xuất dầu đã tăng 5%, khai thác khí đốt đã tăng 16%, sản lượng tinh chế dầu thô đã tăng 2%. Chương trình nhà nước về nội địa hóa đã đạt một số kết quả tích cực trong việc triển khai các dự án sản xuất thiết bị dầu khí nội địa, thay thế hàng nhập khẩu.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ/phương tây sẽ tăng cường theo hướng nào?

Sự chú ý của dư luận thời gian gần đây tập trung nhiều vào những luận điệu gay gắt từ phía Mỹ cũng như những chính sách của EU đối với dự án đường ống khí đốt North Stream 2. Về vấn đề này, hầu hết các chuyên gia Nga đánh giá, các biện pháp trừng phạt trong tương lai của Mỹ/phương Tây có thể liên quan trực tiếp đến North Stream 2 và gia tăng áp lực tài chính đối với Nga. Việc áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt đối với hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga là khó xảy ra. Chuyên gia Igor Yushkov cho rằng, ít có khả năng Mỹ/phương Tây áp đặt lệnh cấm trực tiếp nhập khẩu dầu khí của Nga vì Nga hiện là nhà cung cấp hàng đầu thế giới. Một bước đi như vậy sẽ ngay lập tức gây ra thâm hụt lớn trên thị trường toàn cầu.

Các biện pháp trừng phạt đối với các công nghệ sản xuất LNG có lẽ sẽ tác động mạnh nhất đến Nga vì Nga hiện chưa sở hữu những công nghệ tiên tiến trong phân khúc này. Các dự án LNG sẽ dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc nhiều vào công nghệ nhập khẩu. Công nghệ LNG hiếm hoi của Nga là “Arctic Cascade”, thuộc sở hữu của Novatek đã không chứng minh được triển vọng tại dự án Obsk-LNG. Quyết định đầu tư cuối cùng và thời điểm khởi công dự án đã bị trì hoãn nhiều lần. Trong tháng 03/2021, Novatek thông báo đang xem xét từ bỏ sử dụng công nghệ Arctic Cascade trong dự án này và thay thế bằng công nghệ của Linge AG (Đức). Mới đây, chương trình phát triển dài hạn sản xuất LNG ở Nga đã được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt đối với việc xuất khẩu công nghệ LNG sang Nga có thể ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch giành thị phần của Nga trong lĩnh vực này.

Viễn Đông - Theo OilCapital.