Các dòng sông khô cằn đe dọa việc sản xuất năng lượng sạch

14:03 | 24/08/2021

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Tình trạng thiếu mưa trầm trọng đang làm khô cạn các con sông và nguồn cung cấp nước cần thiết để sản xuất năng lượng sạch ở một số quốc gia. Trong một số trường hợp, chính phủ các nước đang phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn nhiên liệu có thể gây ô nhiễm môi trường.

Ở các quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Brazil, bắt đầu gặp vấn đề với việc sản xuất điện từ các đập thủy điện. Các nhà khoa học và chuyên gia năng lượng cho biết những vấn đề này có khả năng tiếp diễn do việc biến đổi khí hậu khiến thời tiết khó dự đoán hơn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng thủy điện là cách tốt nhất để sản xuất năng lượng sạch. Gần 16% điện năng trên thế giới sản xuất từ các đập thủy điện.

Các dòng sông khô cằn đe dọa đến việc sản xuất năng lượng sạch
Hình ảnh đáy sông khô cằn ở California.

Năm nay, hạn hán đã gây ra sự cố cho các nhà máy thủy điện ở miền Tây Hoa Kỳ và Brazil. Trung Quốc vẫn đang phục hồi sau những ảnh hưởng của hạn hán năm ngoái lên nhà máy thủy điện ở tỉnh Vân Nam.

Những tác động đó đã buộc các nhà cung cấp điện phải phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên hoặc than. Họ cũng đang yêu cầu các doanh nghiệp cắt giảm việc sử dụng điện để ngăn chặn tình trạng mất điện.

Đóng cửa nhà máy ở hồ Oroville

Gần đây, tại California, một dự án của bang đã buộc phải tạm ngưng do nhà máy thủy điện ở hồ Oroville chỉ có thể sản xuất 750 MW điện. Đây là lần đóng cửa đầu tiên kể từ khi con đập được hoàn thành vào năm 1967. Trong những năm thuận lợi, nhà máy có thể cung cấp năng lượng cho nửa triệu ngôi nhà.

Cary Fox, trưởng nhóm phụ trách các hoạt động của Cục Khai hoang Hoa Kỳ tại California, cho biết sản lượng điện tại hồ Shasta, một nhà máy khác của chính phủ liên bang ở California, đã sản xuất ít hơn bình thường khoảng 30% vào mùa hè này

Fox cho biết tại đập Hoover, trên sông Colorado ở biên giới Nevada và Arizona, sản lượng đã giảm 25% vào tháng trước.

Các dòng sông khô cằn đe dọa đến việc sản xuất năng lượng sạch
Hình ảnh nước cạn ở đập Hoover.

Thống đốc California, Gavin Newsom, đã giải đáp tình trạng thiếu điện ở bang của ông bằng cách tạm dừng một số quy định về môi trường. Ông đã cho phép các ngành công nghiệp sử dụng máy phát điện chạy bằng nhiên liệu diesel, loại nguyên liệu mà thải ra nhiều khí carbon gây ra việc ấm lên toàn cầu. Ông cũng cho phép các tàu tại cảng sử dụng máy phát điện thay vì sử dụng điện địa phương. Ông cũng dỡ bỏ các hạn chế về lượng nhiên liệu các nhà máy khí đốt tự nhiên có thể sử dụng để sản xuất điện.

Các nhà hoạt động môi trường đã chỉ trích những động thái đó. Họ nói rằng chúng sẽ gây ô nhiễm không khí ở California và làm nỗ lực chống biến đổi khí hậu của bang trở nên vô nghĩa.

Tim Welch, Giám đốc nghiên cứu thủy điện tại Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, cho biết bộ đang nghiên cứu các cách để các con đập tích trữ nước hiệu quả hơn trong mùa mưa để có thể sử dụng nó trong các đợt hạn hán.

Welch nói thêm rằng các nhà máy thủy điện ở Hoa Kỳ có thể cung cấp khoảng 7% tổng sản lượng năng lượng của cả nước.

Hạn hán ở Brazil

Ở Brazil, thủy điện là nguồn cung cấp điện hàng đầu. Bộ trưởng năng lượng của nước này cho biết, hạn hán gần đây đã làm lượng nước chảy vào các đập thủy điện xuống mức thấp nhất trong vòng 91 năm qua.

Để thay thế sản lượng điện suy giảm từ các nhà máy thủy điện, nước này đang tìm cách sử dụng khí đốt tự nhiên, điều này có nguy cơ làm tăng lượng khí carbon thải ra và ảnh hưởng đến khí hậu. Chi phí năng lượng đã tăng gần 100% đối với một số người dùng kể từ tháng 7.

Jose Marengo, một nhà khoa học khí hậu tại trung tâm quan sát thảm họa của Brazil, cho biết các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như hạn hán sẽ trở nên phổ biến hơn do việc biến đổi khí hậu. Ông nói thêm rằng người Brazil sẽ cần phải thay đổi suy nghĩ của họ về nước. Marengo nói: “Mọi người luôn nghĩ rằng nước là không giới hạn, nhưng thực sự thì không phải vậy".

Bento Albuquerque, Bộ trưởng Mỏ và Năng lượng của Brazil, nói rằng Bộ đang xây dựng các đường dây điện để đưa điện đến những nơi cần thiết. Ông cho biết thêm rằng việc chuyển từ năng lượng thủy điện sang năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ giúp đất nước đối phó với những tình huống như vậy và làm giảm nhu cầu sử dụng nước.

Tuy nhiên, Brazil sẽ vẫn sẽ phải phụ thuộc vào thủy điện trong nhiều năm. Đến năm 2030, Bộ Năng lượng dự đoán khoảng một nửa lượng điện sẽ đến từ các con đập. Nước này cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm nhiều đập thủy điện với các nước láng giềng.

Ảnh hưởng của những con đập

Hạn hán năm ngoái ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đã cắt giảm sản lượng điện thủy điện gần 1/3 trong năm tháng đầu năm 2020. Các quan chức cho biết lượng điện sản xuất tại đây ít hơn khoảng 10% trong năm nay.

Vân Nam thường sản xuất 25% tổng sản lượng thủy điện của Trung Quốc. Các ngành công nghiệp trong khu vực sử dụng nhiều điện năng. Một số đã phải tạm thời đóng cửa khi nguồn điện của họ bị cắt vào đầu năm nay.

Lê Ngọc Đức (theo VOA)

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

vietinbank
ajinomoto