Các dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo

14:50 | 02/04/2012

403 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 3 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu gạo của nước ta giảm đến 42,5% về lượng và về trị giá. Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, có nhiều dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo trong những tháng tiếp theo.

Tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao để nâng cao năng lực xuất khẩu gạo

Giải thích về việc xuất khẩu gạo giảm mạnh trong quý 1/2012, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng: Đây là xu hướng chung của thế giới như: Thái Lan xuất khẩu gạo cũng giảm 68%, Mỹ giảm 30%…

Sau khủng hoảng lương thực năm 2008, các nước đều có ý thức sản xuất lương thực đủ cho nhu cầu trong nước. Thêm vào đó, 2 năm trở lại đây sản xuất trên thế giới được mùa nên sản lượng tăng, tồn kho tăng, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước cũng giảm xuống.

Đơn cử: Sau khủng hoảng lương thực 2008, Ấn độ đã cấm xuất khẩu gạo cho đến tháng 10/2011. Hiện, Ấn Độ có lượng gạo tồn kho lớn nhất thế giới (hơn 33 triệu tấn), gấp 3 lần so với mức dự trữ cần thiết. Lượng tồn kho quá lớn dẫn đến Ấn Độ phải xuất khẩu bớt lượng gạo tồn. Vào tháng 10/2011 Ấn Độ tuyên bố sẽ xuất khẩu 2 triệu tấn gạo nhưng sau đó tăng lượng xuất khẩu lên 2,5 triệu tấn và đến nay đã xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn.

Năm 2012, lượng gạo tồn kho của nước ta tăng 3% so với năm ngoái nhưng sức buôn bán giảm khoảng 6%. Năm 2011, Indonesia chỉ nhập khẩu gạo của nước ta, nhưng năm nay ngoài nhập của nước ta còn nhập thêm gạo của Thái Lan và Ấn Độ. Philippines năm 2011 nhập của nước ta khoảng 1,7 triệu tấn gạo nhưng đến nay mới chỉ nhập khẩu khoảng 200.000 tấn.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo trong những tháng tiếp theo có nhiều dấu hiệu khả quan như: Lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đến nay đã gần 400.000 tấn. Ngoài ra, ta đã ký xuất khẩu khoảng 700.000 tấn gạo cho Trung Quốc bằng con đường chính ngạch. Bên cạnh đó, đến nay, lượng hợp đồng xuất khẩu gạo ta ký với các nước đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu trong những tháng tiếp theo và có thể tạm yên tâm với tình hình xuất khẩu gạo trong năm nay.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sau gần hai tuần thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm đẩy giá lúa gạo lên, giá lúa gạo thu mua cho nông dân đã dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, hiện giá lúa gạo thu mua tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa cải thiện đáng kể mặc dù giá lúa đã tăng 200 đồng/kg, giá gạo tăng 100 – 150 đồng/kg so với thời điểm trước tạm trữ (15/3).

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam bác bỏ thông tin trên một số phương tiện truyền thông cho rằng “gạo được mùa mất giá”. Vì hiện nay tại các tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang… giá lúa tươi thương lái đang mua cho nông dân ở mức 4.200 đồng/kg, lúa sấy khô đến kho giá từ 5.400 – 5.500 đồng/kg, không có chuyện được mùa mất giá và không có tình trạng lúa gạo vụ Đông Xuân khó tiêu thụ như một số phương tiện truyền thông đã đưa tin.

Sau hơn 2 tuần thu mua gạo tạm trữ lúa gạo, 89 doanh nghiệp được phân bổ thu mua đã mua được khoảng 350.000 tấn gạo, nhiều nơi đã hoàn thành chỉ tiêu được giao. Các doanh nghiệp dự kiến đến ngày 15/4 sẽ hoàn tất việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo.

Ông Trương Thanh Phong cho rằng, chính sách lương thực trong và ngoài nước và tình hình thời tiết thế giới sẽ có nhiều tác động đến giá cả lúa gạo trong thời gian tới. Tuy nhiên, một điều quan trọng là nông dân có đáp ứng được nhu cầu thị trường xuất khẩu gạo hiện nay hay không? Chất lượng gạo của Việt Nam so với các nước không hơn bao nhiêu, nếu không nói là kém hơn ở một số chủng loại. Trong khi đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường cao hơn các nước. Vì vậy, để giữ giá gạo xuất khẩu, không còn cách nào khác, Việt Nam phải tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao, hạn chế gạo cấp thấp. Giá gạo cấp thấp của Ấn Độ, Pakistan và Myanmar luôn rẻ hơn gạo cấp thấp của nước ta. Các nước này đang cạnh tranh mạnh mẽ với nước ta trong việc xuất khẩu gạo. Nếu nông dân nước ta còn chủ yếu sản xuất gạo cấp thấp thì phải chấp nhận tồn kho.

Hiện nay, gạo thơm vẫn có nhiều hợp đồng xuất khẩu với giá thành cao. Tuy nhiên, diện tích trồng gạo thơm của nước ta trong vụ Đông Xuân năm nay đã giảm 50% so với năm ngoái, do đó, mặc dù giá gạo cấp cao ở mức từ 6.500 – 7.000 đồng/kg nhưng nông dân không có gạo để bán. Trước diễn biến mới của thị trường, nông dân cần tăng diện tích gạo chất lượng cao, nếu không muốn phải tiếp tục giảm giá gạo cấp thấp để cạnh tranh với Ấn Độ, Pakistan và Myanmar.

Mai Phương