Ca nương Phạm Thị Huệ: Buồn khi dần vắng bóng các nghệ nhân

10:08 | 01/04/2013

1,227 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes)- Nghệ thuật truyền thống đang vắng bóng dáng dần các nghệ nhân “gạo cội”. Nói về vấn đề này ca nương Phạm Thị Huệ cho rằng: Chúng ta chưa biết thưởng thức, quí trọng những giá trị tinh thần trân quý ấy.

Nhiều người Việt chưa được biết đến ca trù

- Được biết CLB ca trù Thăng Long đang nỗ lực tự đem ca trù đến với khán giả bằng việc biểu diễn hàng tuần ở 87 Mã Mây. Tình hình thực tiễn có khả quan không, thưa chị?

- Hiện Giáo phường ca trù Thăng Long đang biểu diễn 3 buổi (thứ 3,5,7) hàng tuần ở nhà cổ 87 Mã Mây, thực trạng tôi thấy cũng rất khả quan. Chúng tôi được đến với khán giả một cách thiết thực nhất, cũng là để khán giả được thưởng thức bộ môn nghệ thuật này, cảm nhận và hiểu về nó. Tuy nhiên, cũng hơi chạnh lòng vì hiện tại ca trù thu hút khách du lịch nước ngoài là chủ yếu, người Việt rất ít, có thể họ chưa biết thông tin để tới nghe.

Ca nương Phạm Thị Huệ.

- Đó là một thực tế đáng buồn khi rõ ràng đây là một bộ môn nghệ thuật dân gian nhưng người Việt lại ít có thông tin về những hoạt động đang tồn tại này, thậm chí là không hay biết gì về ca trù?

-  Điều này cũng không thể trách công chúng hoàn toàn. Bởi một phần cũng do truyền thông chưa có một hệ thống quảng bá chuyên biệt, hơn nữa việc phổ biến kiến thức về nghệ thuật truyền thống theo tôi còn yếu. Nghệ nhân làm nghề thì không có điều kiện đến gần với khán giả của mình nên công chúng không được biết đến nhiều cũng là điều dễ hiểu.

Việc mở cửa phục vụ khán giả thường nhật ở Mã Mây là hành động thiết thực nhất mà chúng tôi có thể làm. Cái khó là chúng tôi không có kinh phí để đẩy thông tin tới người Việt. Là người làm nghề tôi thấy chạnh lòng bởi quảng bá chủ yếu bằng hình thức thủ công. Những du khách quốc tế họ đến Việt Nam, luôn tìm những gì thuộc về văn hóa đặc trưng bản địa để thưởng thức còn người Việt dường như không có điều này. Việc tiếp cận với ca trù qua những kênh thông tin nhanh nhạy là không có. Thế nên, hơn bao giờ hết tôi mong nhà nước sẽ sớm có một kênh phát sóng dành riêng cho nghệ thuật truyền thống. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cần đẩy nhanh thông tin, quảng bá rộng rãi để khán giả trong nước và quốc tế đều biết tới những món ăn tinh thần, đặc sản của người Việt.

Làm được việc này là điều rất tốt, bởi một mặt vừa góp phần tuyên truyền để người dân biết trân trọng giá trị văn hóa,  vừa quảng bá hình ảnh về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. 

Phạm Thị Huệ biểu diễn cùng hai nghệ nhân "gạo cuội" Nguyễn Phú Đẹ- Nguyễn Thị Chúc

- Vậy, với những người "lờ mờ" về ca trù, chị muốn nói với họ điều gì?

- Ca trù là bộ môn nghệ thuật dân gian độc đáo và thuần chất Việt. Ca trù đem đến một không gian âm nhạc tinh túy, đặc trưng của nền nhạc dân tộc. Nghe ca trù người ta cảm nhận được những triết lý sâu xa, những nhận thức ẩn sâu trong tâm khảm của mình. Sức cuốn hút của ca trù là bởi, chỉ cần hai người biểu diễn thì vẫn có thể thu hút khán giả thâu đêm, suốt sáng. Ca nương đóng vai trò quan trọng trong việc luyến láy ca từ, và càng phải thành thạo nhịp phách, họ như thể một người chỉ huy dàn nhạc vậy. Thông qua âm nhạc người ca nương đưa thính giả hướng tâm hồn mình tới cái đẹp, sự tinh tế, tĩnh tại và nhịp sống chậm lại, giải tỏa những bộn bề của cuộc sống xã hội. Đặc biệt, ca trù còn sở hữu một khí cụ độc đáo là cây đàn đáy (cần đàn dài nhất thế giới- PV). Chiếc cần đàn dài tạo nên những âm thanh kỳ bí, mà chỉ riêng có ở đàn đáy Việt Nam. Tưởng chừng chỉ có vậy thôi nhưng khi biểu diễn thì hòa quyện, cuốn hút, sâu lắng lạ kỳ. 

Tôi tin rằng, mỗi chúng ta đều có sẵn tình yêu dành cho âm nhạc truyền thống, khi được tiếp cận sẽ khơi gợi những cảm xúc về tình yêu âm nhạc trong mỗi người. 

- Ca trù vẫn đang khó khăn chồng chất khó khăn bởi những bộn bề vẫn còn đó?

- Cái khó ở đây là ca trù chưa có một ngôi nhà chung để các nghệ nhân có nơi biểu diễn và truyền dạy nghề. Hiện tại, chúng tôi vẫn hoạt động trên tâm thế tự phát, chứ chưa có một đơn vị nhà nước nào đứng ra bảo trợ cho ca trù.

Mặt khác, các nghệ nhân của ca trù đa phần tuổi đã cao, sức đã yếu nên việc truyền dạy cũng gặp nhiều khó khăn. Mà để phát lộ trong giới trẻ những tài năng ca trù cũng không phải chuyện dễ. Điều tôi thấy buồn là bởi không chỉ riêng ca trù mà các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác cũng đang gặp phải cảnh nghệ nhân “gạo cuội” cứ vắng bóng dần dần. Dường như chúng ta đang lãng phí và chưa biết trân trọng đúng những giá trị trân quý ấy.

Thứ nữa là hiện tại, nở rộ rất nhiều kênh truyền hình phát sóng nhưng cho âm nhạc truyền thống nói chung và ca trù nói riêng thì chưa có. 

Đưa ca trù vào đám cưới, tại sao không?

-  Mới thành lập được ít năm nhưng những nỗ lực Giáo phường Ca trù Thăng Long rất đáng ghi nhận, thưa chị?

- Giáo phường Ca trù Thăng Long được thành lập từ năm 2006, đến nay đã thu hút được rất nhiều người đam mê ca trù. Hiện nay, Giáo phường của chúng tôi đã quy tụ được 15 ca nương, kép đàn. Tất cả các em đều còn rất trẻ và phần nào thấy được tình yêu nghề. Chúng tôi đã phục dựng lại lối “Hát thờ cửa đình” với đầy đủ các thể thức như tấu nhạc và các làn điệu múa hát cổ cửa đình. Và đưa lối hát này vào thực tiễn ở các hội đình làng. Những canh hát hàng tuần tại ngôi nhà cổ 87 Mã Mây, chúng tôi giới thiệu hình thức hát chơi, đây là lối hát xưa kia chỉ dành phục vụ giới vua quan.

- Chị nghĩ sao với ý tưởng đưa ca trù vào đám cưới?

- Ca trù trong đám cưới xưa kia cũng dành cho các gia đình danh giá. Tôi cảm thấy rất tự hào khi người Việt hiểu và trân trọng những giá trị món ăn tinh thần này. Trong ngày đại hỷ chúng ta thưởng thức và được dẫn dắt bởi những câu hát tinh tế được cha ông sáng tạo và lưu truyền. Điều này vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính tâm linh giúp chúng ta xây dựng một gia đình với ý thức tự hào, đậm hồn dân tộc. Chúng ta đang tiếp tục dạy cho con cái chúng ta biết trân trọng và hãnh diện về những giá trị văn hóa truyền thống.    

Những gương mặt trẻ của giáo phường Ca trù Thăng Long

- Nhưng có khó khăn không khi để hiểu ca trù cũng không phải việc dễ, cần có một kiến thức nhất định?

- Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thưởng thức được nhạc nước ngoài thì tất nhiên sẽ thưởng thức được âm nhạc của dân tộc mình. Nếu từ nhỏ chúng ta luôn được nghe âm nhạc truyền thống thì đó chính là những kiến thức về âm nhạc đã được giáo dục một cách vô thức.

Bất cứ một bộ môn nghệ thuật nào qua thời gian suy thoái cũng cần có một giai đoạn để phục hồi. Cũng giống như một cơ thể bị ốm thì phải có thời gian dưỡng bệnh. Cần có sự đồng thuận và cộng hưởng từ nhiều phía. Từ khán giả, báo chí và truyền thông, sự hỗ trợ từ các ban ngành ...Vì thế nên dù đã trải qua những giai đoạn đầy khó khăn, tôi vẫn tin vào một tương lại sáng lạn hơn, không thể nhìn bằng con mắt bi quan.

- Chị có kỳ vọng gì tương lai của ca trù vào thế hệ trẻ, những người đang yêu và góp phần vào công cuộc gìn giữ nghệ thuật truyền thống này?

- Nếu bạn hỏi tôi câu này vài năm trước tôi không trả lời được, sẽ chỉ có những giọt nước mắt lăn dài bởi phía trước là một màn sương mà thôi. Nhưng hôm nay thì khác. Tôi đã có những trải nghiệm để tin rằng, ca trù sẽ ngày một khởi sắc hơn.

Hiện tại, chúng tôi cũng quy tụ được những gương mặt trẻ, có triển vọng và yêu nghề. Tôi kỳ vọng chính họ là những người giữ lửa để lại truyền cho thế hệ sau... Khó khăn chỉ là thách thức để đi đến thành công và không có thành công nào không có khó khăn. Tôi tin rằng họ sẽ luôn tìm được con đường đi cho mình. Dù hàng ngày họ vẫn phải đấu tranh với chính bản thân và phải thuyết phục người thân của mình để tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật chân chính. Nhưng đó là quá trình lao động, quá trình vượt qua thử thách và tôi luôn tin họ sẽ thành công vào ngày mai.

- Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Huy An (Thực hiện)