TP Hồ Chí Minh được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù

Bứt phá vượt qua chính mình

23:41 | 13/01/2018

318 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với những điều kiện sẵn có về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao… việc TP HCM được bắt đầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù từ năm 2018 đang tạo những niềm tin mạnh mẽ về sự chuyển mình bứt phá  tích cực của một “thành phố đáng sống” trong tương lai gần. Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn TS Đinh Thế Hiển xung quanh vấn đề này.

Cần đầu tư vào trọng điểm

PV: Tiến sĩ có nhận xét gì về việc TP HCM được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển?

but pha vuot qua chinh minh

TS Đinh Thế Hiển: Không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới đều luôn có cơ chế cho những nơi gọi là năng động, sáng tạo, là đầu tàu, là trọng điểm phát triển của quốc gia. Đó là điều tất yếu, bởi với những nơi mang tính đặc thù, nếu chính sách, cơ chế cũng áp dụng theo kiểu “cào bằng” với các nơi khác thì không phát huy được thế mạnh, phát triển không hiệu quả.

TP HCM là thành phố đặc biệt, được gọi là đầu tàu từ 20 năm qua rồi. Nhưng cơ chế cho đầu tàu vẫn như các nơi khác, đó là một điều bất cập. Vì vậy, từ năm 2018, Trung ương cho phép thành phố áp dụng cơ chế đặc thù để phát triển là một quyết sách đúng đắn, rất cần thiết. TP HCM đã đến lúc cần có những cơ chế riêng, những quyết sách tốt hơn để bật lên mạnh mẽ.

PV: Có một số ý kiến cho rằng, cơ chế, chính sách đặc thù rất dễ trở thành “con dao hai lưỡi”, ông nghĩ sao?

TS Đinh Thế Hiển: Sẽ trở thành “con dao hai lưỡi” khi Trung ương giao quyền cho chính quyền địa phương mà nhân lực mỏng, nhân tài ít, cơ chế phân quyền và kinh tế thị trường không mạnh. Cụ thể hơn là giao quyền cho những người không có tâm thì dễ dẫn đến lạm quyền. Kế đến, nếu lãnh đạo thành phố không vì cái chung về lâu dài của cả thành phố mà chỉ vì cái nhìn ngắn hạn cục bộ thì có được giao cơ chế đặc thù đến mấy cũng không hiệu quả. Vấn đề “con dao hai lưỡi” chính là điểm này.

Còn nỗi băn khoăn về thuế, thuế là công cụ điều tiết sản xuất, tiêu dùng, nên nếu tăng thiếu cân nhắc, tăng cao sẽ dẫn đến hậu quả là kìm hãm sản xuất.

Đặc biệt, về quản lý, nếu không kiểm soát được tình trạng đội vốn các dự án như đã và đang xảy ra và không khống chế được sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích... thì cơ chế đặc thù không phát huy được tác dụng cao.

Tuy nhiên, tất cả những vấn đề đó không có hoặc rất ít tồn tại ở TP HCM nên không phải là nỗi lo lớn. Và chuyện thành phố được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù là cần thiết, cấp bách và điều đó sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

but pha vuot qua chinh minh
Năm 2018, TP HCM bắt đầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển

PV: Khi TP HCM bắt đầu áp dụng cơ chế đặc thù, ngân sách thành phố sẽ tăng lên do được quyết định ngân sách riêng của thành phố. Vậy theo ông, ngân sách tăng lên, đầu tư vào lĩnh vực nào hiệu quả nhất?

TS Đinh Thế Hiển: TP HCM có ưu thế hơn các nơi khác là nhân tài khắp nơi kéo về vì môi trường làm việc tốt; nước ngoài cũng chọn TP HCM đặt cơ quan đầu não; doanh nghiệp ở TP HCM luôn tạo ra các giá trị gia tăng cao... Cho nên, việc phát triển thành phố sẽ thu hút được rất nhiều nhân tài và nguồn lực tham gia. Thành phố nên tập trung vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng để đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu đầu tư phát triển.

TP HCM muốn tăng thuế, tăng phí thì phải cho người dân thấy rõ ràng là sau đó là bệnh viện thông thoáng, trường học nhiều hơn, giao thông thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn…, tức là những lợi ích, những thay đổi tích cực sau đó.

Tuy nhiên, như chúng ta biết, nguồn lực TP HCM không phải là vô tận. Vì vậy, phải chọn đầu tư trọng điểm, cụ thể là phải hướng vào xây dựng giao thông kết nối, phục vụ sản xuất là chính. Chứ nếu chỉ tập trung mở đường dân sinh thì không đạt yêu cầu. Ngân sách tăng lên phải đưa vào cái chung cho mọi người cùng hưởng.

Tôi muốn nói đến con đường mà xe container đi từ xa lộ Hà Nội đến cảng Cát Lái, lâu nay chỉ có làm được một cây cầu vượt ngay ngã ba Cát Lái thôi là không đủ. Thực tế là tình trạng ùn tắc diễn ra trên đoạn đường này biết bao nhiêu năm nay rồi. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể làm đường vành đai 3 nối từ phía ngoài cầu Đồng Nai đi vào cảng Cát Lái với chi phí không lớn. Nếu có con đường này cho xe container thì giao thông thuận lợi, thông thoáng hơn, sẽ không còn cảnh hàng trăm xe phải nối đuôi nhau chờ chực kéo dài.

Những con đường như thế cần phải ưu tiên đầu tư trước chứ không phải là làm những con đường thật đẹp trong trung tâm. Bởi điều này không chỉ phát huy thế mạnh phát triển cho riêng TP HCM mà còn tạo điều kiện cho các tỉnh lân cận phát triển theo. Đó cũng là nhiệm vụ chính của thành phố đầu tàu.

PV: Thưa ông, khi áp dụng cơ chế đặc thù, TP HCM sẽ tăng một số loại thuế, thêm một số loại phí. Đó cũng là một nỗi lo đang hiện hữu của cư dân, nhất là những doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Ông nghĩ gì về điều này?

TS Đinh Thế Hiển: Tôi muốn nói đến nguyên lý “bánh ít đi, bánh quy lại”, tức là có cái này thì mới có cái kia, là sự trao đổi biện chứng. Cụ thể ở đây là TP HCM muốn tăng thuế, tăng phí thì phải cho người dân nhìn thấy rõ ràng là sau đó là bệnh viện thông thoáng, trường học nhiều hơn, giao thông thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn…, tức là những lợi ích, những thay đổi tích cực sau đó.

Rồi muốn tăng thuế, phí một cách hiệu quả, bền vững thì thành phố cần phải cơ cấu lại lực lượng lao động. TP HCM phải tập trung ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, lao động chất xám; những khu công nghiệp phải là những khu công nghiệp công nghệ cao. Làm được như thế chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề lao động, thuế, phí. Bởi khi giá trị lao động cao thì việc tăng thuế, phí mới hiệu quả, bền vững. Còn nếu thành phố cứ tăng lực lượng lao động thu nhập thấp, sử dụng hạ tầng quá nhiều trong khi cần thu ngân sách tăng thì không ổn.

PV:Ông có dự báo gì về sự chuyển mình rõ rệt của TP HCM sau 1 năm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù?

TS Đinh Thế Hiển: Tôi tin là thành phố sẽ chuyển mình mạnh mẽ và khi có cơ chế mạnh phát triển hạ tầng trước thì thị trường bất động sản hưởng lợi trước. Nếu hạ tầng đó hướng về việc tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh thì sau đó sản xuất kinh doanh sẽ phát triển mạnh.

Dĩ nhiên, trong quá trình thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, có thể sẽ gặp trục trặc ban đầu nhưng cái chính là thời kỳ này không còn như trước, không có nhóm lợi ích, không chạy chọt xin dự án để hưởng lợi, nên cơ chế, chính sách sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ đưa thành phố phát triển, không cần phải lo lắng về mặt xấu của nó.

PV: Cảm ơn tiến sĩ!

TS Trần Đình Lâm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á:

but pha vuot qua chinh minh

TP HCM có nhiều thuận lợi khi áp dụng cơ chế đặc thù nên sẽ phát huy tác dụng mạnh mẽ nếu chính quyền thành phố đủ tâm huyết, có tầm nhìn. Bản thân nền kinh tế TP HCM từ trước đến nay luôn rất năng động, sáng tạo. Thành phố là trung tâm thu hút tất cả cả các nguồn lực của cả nước và nước ngoài; hạ tầng cơ sở, thông tin liên lạc, ngân hàng… đều có cả và đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao mà không nơi nào trong nước có được.

Khi TP HCM áp dụng cơ chế đặc thù, chính sách về nguồn nhân lực phải cởi mở, cán bộ quản lý phải hỗ trợ doanh nghiệp tốt, thành phố phải huy động hết lực lượng để bảo vệ cho doanh nghiệp phát triển. Có như vậy thì doanh nghiệp mới có động lực đầu tư và đóng góp ngược lại cho thành phố qua thuế, phí.

Đáng quan tâm, khi áp dụng cơ chế đặc thù, TP HCM phải làm sao kéo kinh tế vùng ven phát triển mạnh hơn, có sức lan tỏa tới các tỉnh lân cận.

TS Trương Văn Vỹ - Chuyên gia Xã hội học tội phạm:

but pha vuot qua chinh minh

Cơ chế đặc thù là cơ hội rất lớn mà TP HCM cần tận dụng triệt để để bứt phá. Song, bên cạnh phát triển kinh tế, thành phố cần chú trọng đến vấn đề đấu tranh chống tội phạm trong giai đoạn mới. Bởi ở bất kỳ xã hội nào, song song với sự phát triển kinh tế - xã hội thì tội phạm cũng tăng lên, nhiều tội phạm mới xuất hiện. Nơi nào phát triển càng nhanh, mạnh và vội vàng thì tội phạm cũng phát triển theo hướng đó.

Khi thành phố phát triển, hạ tầng cơ sở, điều kiện kinh tế, đời sống phát triển thì đó cũng là vùng đất lành để người dân khắp nơi về đây làm ăn, sinh sống. Điều này cũng làm gia tăng nguy cơ mất an toàn, trật tự xã hội.

Trong năm 2017, theo đánh giá chung, mặc dù TP HCM cố gắng kéo giảm tội phạm nhưng tội phạm vẫn tăng, hình thức phạm tội tinh vi và phức tạp hơn. Đó thực sự là một thử thách đối với chính quyền, công an, nhất là trong giai đoạn phát triển mới.

Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018. Chính phủ sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết và báo cáo tại kỳ họp cuối năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm.

Nghị quyết có nêu rõ:

Việc thí điểm thực hiện chính sách thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố phải bảo đảm có lộ trình phù hợp với trình độ và yêu cầu phát triển; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.

Ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách thu để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.

Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố.

Ngân sách thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước do UBND thành phố quản lý và phần thu được từ thoái vốn Nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND thành phố làm đại diện chủ sở hữu.

Thành phố sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập của thành phố; ngân sách Trung ương không bổ sung cho thành phố 10.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc