Bước ngoặt trong lịch sử quan hệ Nga-châu Phi

14:06 | 22/10/2019

623 lượt xem
|
(PetroTimes) - Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần đầu tiên tiên được tổ chức từ ngày 23 và 24/10 tại thành phố Sochi là mốc son trong lịch sử quan hệ giữa Nga và các nước châu Phi, chính thức đánh dấu sự trở lại của Nga với lục địa đen trong bối cảnh có sự cạnh tranh lớn với Trung Quốc và Mỹ.
buoc ngoat trong lich su quan he nga chau phi
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019

Trước hội nghị này, quan hệ Nga-châu Phi đã được cải thiện đáng kể, nhất là kể từ khi ông Putin lên làm tổng thống Nga vào năm 2000. Tốc độ phát triển quan hệ giữa hai bên được tăng tốc “nhờ” chính sách cấm vận Nga của phương Tây sau cuộc khủng hoảng Ukraine và sự sáp nhập của bán đảo Crimea vào Nga.

Cho đến nay, trong số những lĩnh vực hợp tác phát triển nhất trong quan hệ Nga-châu Phi phải kể đến kinh tế và quân sự. Về kinh tế, Nga đã đạt được nhiều thỏa thuận hợp tác về dầu và khí đốt với Algeria, Ai Cập, Ghana, Nigeria và Mozambique. Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Nga và châu Phi đạt 22 tỷ USD và con số này được dự báo có thể vượt 40 tỷ USD vào năm 2023. Về đầu tư, giai đoạn 2003 - 2017, tổng giá trị đầu tư tích lũy của Nga vào châu Phi đạt 17 tỷ USD. Hiện tại, Nga đang đề xuất các dự án xây dựng đường bộ và đường sắt xuyên châu Phi. Nga cũng tập trung vào lĩnh vực năng lượng, nắm giữ các khoản đầu tư quan trọng trong lĩnh vực dầu, khí đốt và hạt nhân. Về tài chính, Nga đã hợp tác với ngân hàng Afreximbank của châu Phi nhằm thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp hai bên.

Về quân sự, Nga bắt đầu các chương trình hỗ trợ về an ninh, quân sự nhằm giúp chính quyền của các nước đối tác ở châu Phi chống lại các nhóm cực đoan, khủng bố. Trong 4 năm qua, Nga đã ký 19 thỏa thuận hợp tác quân sự với các đối tác châu Phi và xu hướng đó đang gia tăng. Dựa trên quan hệ mua bán vũ khí được thiết lập dưới thời Liên Xô, một số lãnh đạo châu Phi ưu tiên mua sắm các thiết bị quân sự và vũ khí của Nga. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của châu Phi với 35% thị phần trên toàn châu lục. Sau nhiều thập kỷ, Nga đã đưa quân đội trở lại châu Phi và mở văn phòng đại diện quân sự tại châu lục này.

Trong phát biểu mới đây, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, chỉ riêng trong 5 năm qua, hơn 2,5 nghìn binh sĩ từ các nước châu Phi đã được đào tạo trong các tổ chức giáo dục quân sự của Bộ Quốc phòng Nga. Ông Putin lưu ý rằng các đối tác châu Phi đang tích cực tham gia các sự kiện do Nga tổ chức, như Diễn đàn kỹ thuật quân sự quốc tế và các cuộc họp của các đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề an ninh. Theo Tổng thống Nga, "cuối cùng, tất cả các chương trình này đều nhằm vào một điều - để giúp người châu Phi tự giải quyết các vấn đề an ninh hiện có, điều này sẽ củng cố chính các quốc gia châu Phi, chủ quyền và độc lập của họ". Điều đó có nghĩa là tình hình trên toàn thế giới sẽ trở nên ổn định và dễ đoán định hơn, ông Putin nói thêm.

Theo AFP, nguyên thủ của khoảng 35 nước châu Phi dự kiến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi - Nga. Hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để Tổng thống Nga vực dậy các mối quan hệ từ thời Liên Xô và xây dựng các liên minh mới, củng cố vị thế toàn cầu của Moscow. “Nga luôn có mặt ở châu Phi, đây là một lục địa rất quan trọng. Nga có nhiều đề nghị hợp tác cùng có lợi cho các nước châu Phi”, ông Dmitry Peskov – người phát ngôn của Tổng thống Putin tuyên bố trước Hội nghị Thượng đỉnh. Giới phân tích cho rằng, sự đầu tư và kêu gọi hợp tác giữa Nga và châu Phi là khôn ngoan khi nước Nga dễ dàng xây dựng niềm tin với các chính quyền sở tại.

Trong bài trả lời phỏng vấn hãng thông tấn TASS về chính sách của Nga đối với châu Phi ngày 21/10, ông Putin cho biết sẵn sàng cạnh tranh với sự hiện diện và đầu tư của Mỹ và Trung Quốc ở châu Phi, để bắt đầu một chương mới trong hợp tác giữa nước này với Lục địa đen. Theo lãnh đạo Nga, châu Phi đang ngày càng trở thành lục địa của các cơ hội và ngày càng thu hút nhiều quốc gia và sự cạnh tranh khi đầu tư ở đây là tất yếu, bên cạnh các quốc gia như Trung Quốc hay sự hiện diện quân sự của Mỹ. "Châu Phi sở hữu nguồn lực lớn và sức hấp dẫn kinh tế tiềm năng. Nhu cầu cơ sở hạ tầng của châu Phi đang tăng lên và dân số cũng đang tăng, đặt ra những nhu cầu bức thiết về phát triển. Tự bản thân châu Phi đòi hỏi một thị trường nội địa mở rộng và mức tiêu thụ lớn hơn. Nơi có triển vọng đầu tư và lợi nhuận đầy hứa hẹn thì luôn có sự cạnh tranh", ông Putin nhận định về khả năng chịu sự cạnh tranh khi Nga muốn gia tăng hợp tác với châu Phi.

Nguyên thủ Nga cảnh báo, ông đã chứng kiến một số quốc gia phương Tây dùng đến áp lực, đe dọa và tống tiền để chống lại chính phủ của các nước châu Phi có chủ quyền. Đây là biểu hiện của những nước muốn gây ảnh hưởng với các nước thuộc địa cũ của mình mà giờ đã trở thành một quốc gia độc lập. Từ áp lực đe dọa trong "vỏ bọc" là các đối tác, các nước phương Tây muốn tận thu khai thác tài nguyên ở châu Phi bất chấp các điều kiện tự nhiên và con người ở đó. Khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở châu Phi, Tổng thống Putin cam kết Nga không thực hiện những bước đi mà các nước phương Tây sử dụng. Chắc chắn, Nga sẽ bị các nước phương Tây coi là vật cản - một phần như đối thủ cạnh tranh, một phần là đối tượng có thể can thiệp vào kế hoạch khai thác châu Phi của họ. "Chúng tôi sẽ không tham gia vào sự cạnh tranh để phân chia lại của cải ở lục địa này. Thay vào đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia cạnh tranh hợp tác với châu Phi, với điều kiện cuộc đua này là văn minh và phát triển tuân thủ luật pháp. Chúng tôi có rất nhiều thứ để cung cấp cho các bạn bè châu Phi. Điều này sẽ được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh sắp tới", ông Putin nhấn mạnh.

Ông Putin cho rằng, châu Phi cũng sẽ muốn một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa những nhà đầu tư, bao gồm cả các cường quốc, chứ không hề muốn sự leo thang đối đầu giữa những đối tác. "Họ muốn các đối thủ nhường chỗ cho sự hợp tác để giải quyết các thách thức cấp bách cho châu Phi, như khủng bố, tội phạm, buôn bán ma túy, di cư không kiểm soát, nghèo đói, các bệnh truyền nhiễm... Tôi muốn nhắc lại rằng đây là loại công việc mà Nga sẵn sàng tham gia", Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Trên thực tế, sau gần 3 thập niên để phương Tây rồi Nhật Bản, Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại châu Phi, ngay từ nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Vladimir Putin, Nga đã quyết định quay trở lại châu lục này bởi Nga và châu Phi cùng chia sẻ nhiều quyền lợi chung. Mặc dù chưa từng là một cường quốc thực dân ở châu Phi, song Moscow đóng vai trò quan trọng không thể phủ nhận ở lục địa đen trong thời kỳ Liên Xô vì ủng hộ các phong trào độc lập tại nhiều nước châu Phi và giúp đào tạo một thế hệ các nhà lãnh đạo châu Phi nổi tiếng. Chuyên gia Arnaud Dubien thuộc Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược của Pháp cho rằng, Moscow luôn duy trì ảnh hưởng, dù đấy chỉ là một sự hiện diện khiêm tốn tại nhiều nước châu Phi, từ Algeria đến Libya, Ai Cập. Thượng đỉnh Sochi lần này là cơ hội để nước Nga đẩy mạnh hợp tác, bù đắp lại thời gian đã bỏ lỡ với châu Phi, lôi kéo châu lục này về phía mình để làm đối trọng với ảnh hưởng kinh tế đã quá lớn của Trung Quốc, đồng thời thu hẹp bớt ảnh hưởng chính trị, ngoại giao của phương Tây với châu Phi. "Diễn đàn này báo hiệu sự xoay trục của Nga về phía châu Phi", Yevgeny Korendyasov, cựu đại sứ Nga tại Burkina Faso và Mali nay là một chuyên gia tại Viện nghiên cứu châu Phi của Moscow bình luận.

Với các nước châu Phi, đây cũng là một cơ hội để họ đa phương hóa, dạng hóa quan hệ đối ngoại và giảm lệ thuộc vào các đối tác lớn, có thêm sức mạnh về quân sự, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng và đảm bảo an ninh trong bối cảnh xung đột bạo lực của các nhóm cực đoan, khủng bố đang diễn biến phức tạp trong những năm gần đây tại châu Phi, nhất là Đông Phi và Tây Phi.

Ngoài kinh tế, quân sự, từ lâu Nga cũng tham gia vào các chương trình cứu trợ nhân đạo cho các nước châu Phi. Dưới thời Tổng thống Putin, Nga đã quyên góp viện trợ khá lớn cho nhiều quốc gia châu Phi, trung bình khoảng 400 triệu đô la mỗi năm. Nga cũng quyên góp để hỗ trợ người dân châu Phi trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, môi trường và năng lượng.

Truyền thông phương Tây đang bôi xấu về thượng đỉnh Nga-châu Phi. Ngày 21-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow nhận thấy số lượng ấn phẩm tiêu cực nhiều chưa từng thấy trên các phương tiện truyền thông Mỹ liên quan đến hội nghị thượng đỉnh Nga-Phi. Bà Zakharova nói rằng những tin tức giả mạo như vậy sẽ không thể làm lung lay nền tảng vững chắc của sự tương tác Nga-Phi, hợp tác cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau và xây dựng nền tảng luật pháp quốc tế.

buoc ngoat trong lich su quan he nga chau phiHà Nội sẽ nhập khẩu thịt lợn từ Pháp, Indonesia trong trường hợp thiếu thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán
buoc ngoat trong lich su quan he nga chau phiCùng với Trung Quốc, giá thịt lợn ở Việt Nam sẽ còn “sốt” đến hết năm
buoc ngoat trong lich su quan he nga chau phiThủ tướng tiếp đoàn Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc