"Bùi thị hý bút” nghĩa là gì?

10:15 | 20/02/2016

|
Bạn đọc: Từ ngày 25-1 đến ngày 3-2-2016, Báo Tuổi trẻ đã đăng 10 kỳ tư liệu “Giải mã gốm Chu Đậu” của Thái Lộc - Trần Mai. Đặc biệt là kỳ 4 (28-1) đã cho người đọc biết hai luồng ý kiến đối nghịch về 4 chữ “Bùi thị hý bút” trên chiếc bình gốm Chu Đậu ở Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Căn cứ vào 4 chữ này (kết hợp với một số chứng cứ khác), ông Tăng Bá Hoành, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương là người đầu tiên lên tiếng chứng minh rằng, có một bà cụ tổ nghề gốm Chu Đậu tên là Bùi Thị Hý nhưng ý kiến đối nghịch thì cho rằng, “Bùi thị hý bút” chẳng qua là “họ Bùi vẽ chơi”. Còn chính hai tác giả của tư liệu thì kết luận: “Trong loạt bài viết này, chúng tôi đành phải hẹn với bạn đọc câu trả lời chữ “Hý” trên chiếc bình là tên riêng hay chơi/đùa trong một dịp khác. Bởi vì “một nửa sự thật không phải là sự thật” và những tư liệu hiện vật chúng tôi tiếp cận được còn có điểm đáng ngờ, chưa đủ khẳng định tính xác thực đến mức nào”. Xin ông An Chi cho biết ý kiến trong khi chờ đợi? Xin cảm ơn ông. Bùi Thế Nghi (Hải Dương)  

Học giả An Chi: Trước khi kết luận thì, trong bài của mình, Thái Lộc - Trần Mai cũng đã ghi lại lời của ông Nguyễn Đình Chiến, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam như sau:

"Những tư liệu (của ông Tăng Bá Hoành và những người có liên quan - AC) mang tính hư cấu, chúng tôi không tin. Tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là "họ Bùi vẽ chơi". Không thể ép lấy cái tượng trong tàu Cù Lao Chàm gán cho bà Bùi Thị Hý được!

bui thi hy but nghia la gi
Gốm Chu Đậu

"Tra kỹ tư liệu thu thập được, chúng tôi giật mình vì chữ "đại" trên cột trúc đài nét quá khác, mới và sắc so với nhiều chữ khác.

"Trong khi nhiều chữ viết khác bị phong hóa, mòn mờ theo thời gian thì nhiều chữ, gồm cả cụm "Bùi Thị Húy Hý" có nhiều nét khắc dựa trên sự lồi lõm của mặt đá đã bị phong hóa...". Cứ như trên thì những ý kiến mà ông Tăng Bá Hoành đại diện và là người chủ xướng thực sự không đáng tin chút nào nên chúng tôi cũng nghiêng về ý kiến của ông Nguyễn Đình Chiến. Nhưng nói như ông Chiến rằng "tự dạng đầy đủ được tra trong từ điển là «họ Bùi vẽ chơi»" thì cũng không xác đáng vì "hý bút" [戲筆] lại không có nghĩa là "vẽ chơi". "Vẽ chơi" thì hàm ý lạc quan còn "hý bút" có khi lại là để than thân trách phận, chẳng hạn trong bài thất ngôn của Dương Vạn Lý đời Tống mà tác giả đã dùng chính hai chữ "Hý bút" làm nhan đề (cho hai bài - đây là bài thứ nhất), nguyên văn như sau:

戲筆

野菊荒苔各鑄錢,

金黃銅綠兩爭妍。

天公支與窮詩客,

只買清愁不買田。

Phiên âm:

Hý bút

Dã cúc hoang đài các chú tiền

Kim Hoàng đồng lục lưỡng tranh nghiên

Thiên công chi dữ cùng thi khách

Chỉ mãi thanh sầu bất mãi điền

Tạm diễn nghĩa:

Cúc dại rêu hoang khéo đúc tiền

Vàng cúc xanh rêu khoe sắc chen

Ông trời cho khách thơ ngần ấy

Ruộng nào mua được chỉ mua phiền.

Trước cảnh túng quẫn của mình, nhìn những đóa cúc vàng và những đốm rêu xanh, Dương Vạn Lý liên tưởng đến hình dạng của những đồng tiền mà nghĩ rằng, ông trời ban cho mình (một khách thơ cùng túng) thứ tiền này thì chỉ gợi thêm sầu muộn (Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!) chứ nào giúp cho mình có được cuộc sống vật chất thoải mái.

Cứ như tâm sự của Dương Vạn Lý thì ta làm sao có thể giảng "hý bút" là "vẽ chơi" được. Huống chi, trong "vẽ chơi" thì "chơi" (nghĩa của chữ "hý") là trạng ngữ chỉ mục đích của động từ "vẽ" còn trong "hý bút" thì "hý" lại là động từ chính, là trung tâm. Ngữ đoạn vị từ "hý bút" nằm trên một trục đối vị (paradigmatic axis) với "các bút", "khai bút", "lộng bút", "phóng bút", v.v..., trong đó "các", "khai", "lộng", "phóng" đều là động từ chính. Vậy, "hý bút" không phải là "vẽ chơi" mà là "nghịch bút", "nghịch" với nghĩa trong "nghịch bùn", "nghịch đất", "nghịch lửa", nghịch nước", v.v...

Dĩ nhiên "nghịch bút" chỉ là nghĩa đen còn cái nghĩa "thuật ngữ" của nó là "dùng bút mà sáng tác thơ văn, tranh vẽ theo ngẫu hứng". Lại cứ như trên thì trong "Bùi thị hý bút", "Bùi thị" là đề còn "hý bút" là thuyết mà cũng cứ như thế thì "hý" dứt khoát không trực tiếp phụ thuộc vào "Bùi thị". "Hý bút" là một ngữ [đoạn] vị từ (verb phrase), một từ tổ độc lập, như còn có thể thấy trong nhiều ngữ cảnh khác nữa. Nó cũng thường được dùng làm tên của thi phẩm, họa phẩm, mà thí dụ đầu tiên là tên bài thơ của Dương Vạn Lý đã nêu ở trên. Cũng vào đời Tống, Trịnh Thanh Chi [鄭清之] có bài "Thụy khởi hý bút" [睡起戲筆]. Trần Hiến Chương [陳獻章] đời Minh có bài "Tân Sửu nguyên đán hý bút". Thời nay, Gia Tuấn [家俊] có một bài thất tuyệt nhan đề "Hý bút" [戏笔], sáng tác vào ngày

12-2-2015 tại tiệm trà Lão Ba [老爸] đường Dược Tiến [跃进], thành phố Tam Á. Trang "Tân Bạch thư phòng" [辛白书房] có "Gia phi ẩn hý bút" [咖啡瘾戏笔], nghĩa là "Nghịch bút về chứng nghiện cà phê". Trở lên là nói về thơ. Còn về hoạ thì gần đây, Từ Hoa Phong [徐华峰] có Từ Hoa Phong thiên mặc hý bút họa tập [徐华峰天墨戏笔画集] do Trung Quốc xã hội xuất bản xã ấn hành. Chu Linh [朱龄] có 10 bức "Thủy mặc hý bút" [水墨戏笔]. Lộng Mặc Đường chủ [弄墨堂主] có 3 bức "Thủy mặc hý bút [tam bức]". Tôn Minh [孙明] có bức "Hý bút hoa điểu tiểu phẩm" với ghi chú "Tôn Minh hý bút" [孙明戏笔].

Cấu trúc của "Tôn Minh hý bút" [孙明戏笔] cũng y chang như của "Bùi thị hý bút". Nếu thuận theo cách phân tích đầy chất sáng tạo của ông Tăng Bá Hoành thì ở đây ta sẽ có một họa gia tên là "Tôn Minh Hý". Và chúng tôi xin cung cấp thêm cho ông Hoành là ở Nam Sách còn có một bà nữa cũng tên "Hý" nhưng họ Trang, là Trang Thị Hý nữa. Số là, ngoài chiếc bình ở Bảo tàng Topkapi Saray (Thổ Nhĩ Kỳ), ta được biết là còn có một chiếc bình khác thuộc dòng gốm Chu Đậu cũng nổi tiếng không kém, được trưng bày tại cuộc triển lãm về nghệ thuật của Trung Quốc ở London (Anh) năm 1936. Chiếc bình này được nhắc đến tại mục "5. Việt Nam đào từ" [5. 越南陶瓷], trang 251 trong quyển "Trung ngoại đào từ bưu phiếu" [中外陶瓷邮票] của Nhâm Mẫn Cương - Ngụy Thanh Mai [任敏剛;魏清梅] do Thiểm Tây khoa học kỹ thuật xuất bản xã ấn hành năm 2002.

Trên chiếc bình này có 13 chữ liên quan đến vấn đề đang bàn là "Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Trang thị hý bút" [大和八年匠人南策州装氏戏笔], nghĩa là "người thợ họ Trang châu Nam Sách nghịch bút - năm Đại Hòa thứ 8". Chiếc bình Topkapi Saray cũng có đúng 13 chữ và đó là "Thái Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi thị hý bút", nghĩa là "người thợ họ Bùi châu Nam Sách nghịch bút - năm Thái Hòa thứ 8". Khác nhau ở họ của người thợ (Trang ≠ Bùi) và ở chữ đầu tiên của ngữ đoạn: Đại ≠ Thái. Chữ "đại" [大] trong "Trung ngoại đào từ bưu phiếu" chắc chắn là kết quả của một sự nhầm lẫn từ chữ "thái" [太] trong niên hiệu "Thái Hòa" (1443 - 1453) của Lê Nhân Tông. Ta có thể khẳng định điều này vì chính hai tác giả của nó đã xác định "Đại Hòa bát niên" (của Việt Nam) là "Cảnh Thái nguyên niên" nhà Minh, đều là năm 1450 dương lịch.

Thế là chỉ trong năm 1450, ta đã có hai chiếc bình gốm Chu Đậu đặc biệt: chiếc Topkapi Saray do "Bùi thị hý bút" và chiếc Luân Đôn do "Trang thị hý bút". Nếu theo cách hiểu của ông Tăng Bá Hoành thì ta còn phải tìm thêm bà Hý thứ hai là "Trang Thị Hý". Và chúng tôi mạo muội nghĩ rằng gốm Chu Đậu còn có rất nhiều nữ nghệ nhân tên "Hý" khác vì trong hàng trăm ngàn hiện vật Chu Đậu, chắc còn có những chiếc khác cũng mang trên mình nó cái công thức "[…] X thị hý bút" chứ lẽ nào lại tuyệt đối không có? Vậy xin kính đề nghị các vị chuyên gia cứ thử đảo tới đảo lui, đảo xuôi đảo ngược nhiều hiện vật Chu Đậu đặc biệt khác xem còn có những "bà Hý" nào nữa hay không.

Năng lượng Mới 498