Bức tranh toàn cảnh về lãi suất ngân hàng

14:48 | 15/04/2012

614 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước hiện đạt khoảng 60.000 tỉ đồng, cao hơn mức dự trữ bắt buộc là 15.000 20.000 tỉ đồng và khẳng định thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào.

Việc giảm trần lãi suất lần này có thể phần nào giúp đỡ các doanh nghiệp về mặt tín dụng, tuy nhiên sẽ không tác động nhiều lên nhu cầu nội địa.

Ngân hàng dồn dập công bố hạ lãi suất cho vay

Đến thời điểm này hầu hết tất cả các ngân hàng thương mại đã đồng loạt đưa lãi suất huy động về 12%/năm như BIDV, VietinBank, Agribank, Techcombank, TienphongBank, ABBank… Thậm chí có một số ngân hàng còn giảm xuống dưới 12%/năm, điều này cho thấy lãi suất vẫn còn có chiều hướng giảm thêm.

Một điều bất ngờ là khác với những lần điều chỉnh lãi suất huy động trước là phải có một độ trễ nhất định thì các ngân hàng mới tuyên bố giảm lãi suất cho vay nhưng lần này nhiều ngân hàng đã lên tiếng áp dụng luôn mức giảm tương ứng so với giảm trần lãi suất huy động.

Đi tiên phong là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ngay chiều ngày 11/4 đã công bố mức giảm lãi suất cho vay với mức hạ từ 1% – 2,5%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường giảm sâu 2,5% so với trước, còn 14,5%/năm. Điều đáng chú ý là BIDV áp dụng cho vay bất động sản cũng chỉ như cho vay thông thường vào khoảng 14,5% đến 16%/năm.

Giảm mạnh nhất, xuống 13% – 14%/năm, rơi vào các nhóm đối tượng ưu tiên đặc biệt, như cho vay nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, vay sản xuất, hỗ trợ xuất, vay khắc phục hậu quả bão lũ…

Ông Phạm Quang Tùng – phó Tổng giám đốc BIDV cho biết, lãi suất cho vay bất động sản với chỉ đạo cũ năm 2011 thì các ngân hàng thường cho vay cao hơn 5-10% so với các lĩnh vực khác. Nhưng hiện nay theo chỉ đạo chung khi loại trừ một số đối tượng vay bất động sản ra khỏi diện "không khuyến khích”, thì Ngân hàng cũng mạnh dạn đưa ra mức lãi suất vay hợp lý hơn nhằm hỗ trợ khách hàng trong lĩnh vực này.

Sau BIDV, một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khác là Techcombank cũng đã tuyên bố dành 4.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi từ 15% cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, hàng tiêu dùng thiết yếu… tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp có quy mô đủ lớn và tình hình tài chính tốt, đáp ứng các qui định và điều kiện của Techcombank.

Cũng bắt đầu từ 11/4, Eximbank cho biết sẽ dành 6.000 tỉ đồng với lãi suất 16,5%/năm để cho vay các đối tượng là các doanh nghiệp xuất khẩu; các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ vốn mua nhà đối với người có thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Việt Anh – phó Tổng giám đốc TienPhong Bank cho biết, sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ trần lãi suất huy động còn 13% hồi tháng 3/2012, nhiều khách hàng đã chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài do ngại lãi suất sẽ tiếp tục giảm, vì vậy ngân hàng cũng dễ cân đối nguồn, chủ động hơn trong hoạt động cho vay.

Ông Việt Anh cũng cho biết thêm ngân hàng vừa có chính sách tín dụng mới với hệ thống sản phẩm cho vay đa dạng hơn trên toàn hệ thống trong đó mở rộng đối tượng cho vay, ưu tiên các gói vay mua nhà, mua ôtô…

TienPhong Bank tiếp tục triển khai chương trình dành 1.500 tỉ đồng cho vay lãi suất ưu đãi cho lĩnh vực công nghệ cao, kinh doanh xuất khẩu…, một số dự án tốt còn được hưởng mức lãi suất thấp nhất là 14%.

Từ ngày 11/4/2012, TienPhong Bank đã ban hành biểu lãi suất huy động mới tối đa là 12% cho các kỳ hạn gửi từ 1 tháng trở lên.

ABBANK dành nguồn vốn 2.000 tỉ đồng dành cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường. Đối tượng được cho vay với lãi suất ưu đãi bao gồm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu những mặt hàng xuất nhập khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Nhìn nhận về xu hướng hạ lãi suất tiếp theo trong năm 2012, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng năm nay có thể sẽ có 3-4 lần hạ lãi suất. Định hướng của Ngân hàng Nhà nước là mỗi quý có thể hạ 1% lãi suất, riêng trong 1 tháng qua đã hạ được 2%, nhưng giảm thế nào, mức độ ra sao thì còn phụ thuộc phần lớn vào tín hiệu thị trường.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cao Sỹ Kiêm cho rằng mong muốn của nền kinh tế, doanh nghiệp là lãi suất huy động có thể giảm về mức 10%/năm, cùng với đó lãi vay sẽ giảm tương ứng để đảm bảo lợi ích tiền gửi và tiền vay của khách hàng. Tuy nhiên, rất khó đoán định vì còn phụ thuộc vào tình hình "sức khỏe” kinh tế trong từng khoảng thời gian nhất định.

Trên thực tế, đã có 1 số ngân hàng giảm lãi suất cho vay về mức 12% -13% nhưng chưa nhiều và cũng chưa nắm rõ được cơ cấu của số vay này chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong tổng dư nợ.

Cũng chung nhận định này, bản tin nội bộ của HSBC cho rằng việc giảm trần lãi suất lần này có thể phần nào giúp đỡ các doanh nghiệp về mặt tín dụng, tuy nhiên sẽ không tác động nhiều lên nhu cầu nội địa.

HSBC cũng dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong các quý sau, kỳ vọng đến cuối năm nay, lãi suất trên thị trường mở (OMO) sẽ về ngưỡng 10%/năm.

Sau khi có công bố hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, đồng loạt các ngân hàng thương mại đã thông báo hạ lãi suất. Đáng chú ý, không chỉ hạ lãi suất huy động mà nhiều ngân hàng đã hạ luôn cả lãi suất cho vay.

Thị trường sẽ khởi sắc hơn, cánh cửa sẽ mở rộng hơn cho các chủ đầu tư bất động sản đang khan vốn.

Giải vây bất động sản

Theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, tuy vẫn giữ nguyên 3 lĩnh vực không khuyến khích cho vay này, nhưng lại mở room đối với từng loại đối tượng. Cụ thể, với cho vay tiêu dùng, chỉ hạn chế cho vay chi tiêu ở nước ngoài (thẻ tín dụng, cho vay du học, đi chữa bệnh ở nước ngoài…). Còn cho vay mua sắm trong nước (mua sắm đồ dùng gia đình…) thì không bị hạn chế.

Dự án đang hoàn thành mừng vì hạ lãi suất.

Hạ lãi suất là tín hiệu đáng mừng cho DN và các nhà đầu tư có những dự án đang hoàn thành từ 80-90%. Cơ hội đặc biệt hơn đến với các nhà đầu tư quan tâm đến thị trường bất động sản.

Đơn cử, hiện dự án Văn Phú giá nhà hiện nay giao dịch 45 triệu đồng/m2 bao gồm cả tiền xây thô trong khi thời kỳ thị trường sôi động giá bán đã trên dưới 70 triệu đồng/m2. Đây là mức giá quá rẻ nhất là đối với dự án đã hoàn thiện xong 90%.

Thị trường sẽ khởi sắc hơn, cánh cửa sẽ mở rộng hơn cho các chủ đầu tư đang khan vốn. Việc hạ lãi suất xuống 12% và tăng thêm thời hạn tiếp tục vay vốn thì chủ đầu tư có nhiều cơ hội tránh được nguy cơ phá sản.

Đơn cử, hiện dự án Văn Phú giá nhà hiện nay giao dịch 45 triệu đồng/m2 bao gồm cả tiền xây thô trong khi thời kỳ thị trường sôi động giá bán đã trên dưới 70 triệu đồng/m2. Đây là mức giá quá rẻ nhất là đối với dự án đã hoàn thiện xong 90%.

Thị trường sẽ khởi sắc hơn, cánh cửa sẽ mở rộng hơn cho các chủ đầu tư đang khan vốn. Việc hạ lãi suất xuống 12% và tăng thêm thời hạn tiếp tục vay vốn thì chủ đầu tư có nhiều cơ hội tránh được nguy cơ phá sản.

"Về cho vay bất động sản, thì từ cuối năm 2011, đầu năm 2012 các ngân hàng đã từng bước mở dần đối tượng cho vay này. Đến nay, trừ một số nội dung chúng tôi đã liệt kê, còn lại đã mở ra rất nhiều. Ví dụ trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, tức chỉ cho đối tượng mua nhà để ở vay, hiện nay đã cho vay mua nhà để đầu tư, đầu cơ, bán, cho thuê. Tương tự, cho vay để xây dựng nhà để ở, bán, thuê… đã mở ra,” Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay.

Lý giải cho những băn khoăn về việc mở room tín dụng trong cho vay bất động sản, Thống đốc Bình khẳng định quyết định này đã được cân nhắc rất kỹ. Thực tế, dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng trực tiếp cho vay bất động sản không cao, khoảng trên dưới 10% và ổn định trong nhiều năm qua. Thế nhưng, dư nợ tín dụng có tài sản đảm bảo là bất động sản lại rất lớn, chiếm khoảng 60%.

Trong thời gian qua, để mục tiêu kiềm chế lạm phát hiệu quả, chúng ta thu hẹp tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa, đã đưa toàn bộ bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất, không khuyến khích cho vay. Đến nay, điều kiện kiềm chế lạm phát, thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện. Nói cách khác mục tiêu cơ bản đã đạt được, mới tính đến chuyện tháo dần các lĩnh vực đó ra,” Thống đốc lý giải.

Cũng theo Thống đốc Bình, do dư nợ tín dụng ngân hàng liên quan đến bất động sản rất lớn, nên việc từng bước tháo gỡ lĩnh vực này, nhất là trong xây dựng nhà sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến hàng tồn kho (như xi măng, sắt thép), tạo chu chuyển hợp lý trong nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm đồng thời cũng cải thiện nợ xấu cho lĩnh vực ngân hàng.

Liên quan đến những ý kiến cho rằng dù hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn vay, Thống đốc Bình khẳng định: Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, chỉ quyết định cho vay khi xét thấy các điều kiện của doanh nghiệp được đáp ứng.

"Tôi ghi nhận các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, và ngân hàng đã có nhiều tháo gỡ, ví dụ trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, có một câu ngạn ngữ áp dụng với mọi ngân hàng là: “Chỉ cho vay tiền với những người không cần vay tiền bằng mọi giá”. Vì vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện, ngân hàng không thể cho vay bằng mọi giá. Nếu tôi phát hiện giám đốc ngân hàng nào cho vay những doanh nghiệp này, tôi sẽ cách chức ngay,” Thống đốc kiên quyết.

Thống đốc Bình đã thông tin về con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện đang ở mức 3,6% (đầu năm là 3,2%). Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận con số này ở từng tổ chức tín dụng là cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện quyết liệt các biện pháp để từng bước cơ cấu lại nợ xấu, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng lành mạnh hóa.

Giảm 1% các mức lãi suất từ 11/4

Chiều 10/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định về việc giảm lãi suất. Theo quyết định này, kể từ 11/4, một loạt các lãi suất chủ chốt sẽ được hạ 1% so với qui định cũ trước đây.

+ Lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 14%/năm xuống 13%/năm.

+ Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm từ 15%/năm xuống 14%/năm.

+ Lãi suất tái chiết khấu từ 12%/năm xuống 11%/năm.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng sẽ giảm 1 điểm phần trăm so với trước đây.

+ Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 5%/năm xuống 4%/năm.

+ Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13%/năm xuống 12%/năm.

+ Riêng Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 13,5%/năm xuống 12,5%/năm.


Linh Nguyễn