Bức thư con gái bác sĩ động viên mẹ chống dịch

12:30 | 17/03/2020

490 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong phòng làm việc cuối hành lang, bác sĩ Kim Anh đang chăm chú đọc lá thư của con gái gửi đến, sực nhớ đã hơn 10 ngày chưa về nhà.

Nhận được lá thư sau cuộc họp giao ban, bác sĩ Trần Thị Kim Anh, 47 tuổi, Trưởng khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vừa mừng, vừa lo. Giấu cảm xúc, bác sĩ đi lên phòng làm việc, khẩu trang y tế không rời khỏi miệng, chậm rãi đọc từng lời con gái gửi gắm.

"...Mẹ ơi, mẹ cố gắng lên nha. Con biết mẹ là bác sĩ kiên cường, mẹ nhất định sẽ làm tốt và hoàn thành công việc. Dịch bệnh này như cuộc chiến và mẹ của con đang đứng trong hàng ngũ đầu, tiên phong để đấu tranh lại nó. Con mong mẹ luôn giữ gìn sức khỏe thật tốt và luôn bình an để trở về với gia đình mình. Cả nhà yêu mẹ nhiều. Con gái của mẹ...".

Con gái bác sĩ Kim Anh 22 tuổi, sinh viên năm thứ 5, Học viện Quân Y. Đây không phải lần đầu hai mẹ con viết thư cho nhau, mà như một thói quen trong gia đình.

"Cũng không biết lúc nào mẹ bận hay rảnh nên con gái không chủ động nhắn tin, gọi điện mà chỉ viết thư để có thời gian thì mẹ đọc. Đây cũng là cách tôi và các con yêu thương nhau mỗi ngày", bác sĩ Kim Anh nói.

Bức thư tiếp thêm nghị lực cho bác sĩ Kim Anh và mọi người đang làm việc tại khu cách ly. Nhờ đó, toàn bộ nhân viên y tế bỏ qua mọi lo lắng để "lên dây cót" sẵn sàng chống dịch. Họ cũng tiến hành "công tác tư tưởng" cho gia đình, nhờ chồng/vợ chăm sóc các con để yên tâm ở lại bệnh viện cách ly cùng mọi người.

"Hành trình phía trước dài và nhiều thách thức. Nhưng, thay vì lo lắng thì hãy đối mặt với nó bằng thái độ tích cực nhất. Tôi tin chúng ta sẽ chiến thắng cuộc chiến này", bác sĩ Kim Anh trải lòng.

Bức thư con gái bác sĩ động viên mẹ chống dịch
Bác sĩ Kim Anh đang hoàn tất thủ tục cho 15 người cách ly đầu tiên xuất viện, chiều 16/3. Ảnh: Thùy An

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là một trong 6 cơ sở y tế ở Hà Nội được giao nhiệm vụ cách ly điều trị bệnh nhân Covid-19, người nghi nhiễm, người tiếp xúc gần các bệnh nhân. Bệnh viện Hà Đông hiện chuyên tiếp nhận nhóm cách ly chính là F1, tức người tiếp xúc gần nhất với người bệnh, nên càng siết chặt khâu quản lý, sắp xếp người cách ly, tránh lây nhiễm chéo.

Bác sĩ Kim Anh cho biết, sáng 7/3 lãnh đạo bệnh viện triệu tập cuộc họp khẩn, khi Hà Nội phát hiện ca Covid-19 đầu tiên - "bệnh nhân 17" Nguyễn Hồng Nhung.

"Ngay trong ngày hôm ấy, người thuộc diện cách ly các diện tiếp xúc ca 17 đổ dồn về bệnh viện, tôi chỉ kịp gọi về cho con gái nhờ mang quần áo đến bệnh viện với tâm lý có thể phải cách ly chưa biết ngày về", bác sĩ Kim Anh nhớ lại.

Là trưởng khoa, bác sĩ Kim Anh chịu trách nhiệm chỉ đạo chung từ quy trình tiếp đón bệnh nhân, sàng lọc bệnh nhân đến xếp buồng thành khu khép kín... Ngoài việc chăm sóc điều trị bệnh nhân, bệnh viện phải đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ nhân viên y tế hoàn thành tốt công việc.

Với kinh nghiệm chống chọi hàng loạt dịch bệnh từ SARS, MERS, sởi đến H1N1, H5N1 và hiện tại là Covid-19, bác sĩ Kim Anh và đồng nghiệp bình tĩnh, tự tin chống dịch.

Bệnh viện sắp xếp buồng cách ly bệnh nhân nhiễm hay nghi nhiễm bệnh phải thông khí, đây là yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo điều trị khỏi bệnh. Người cách ly được chăm sóc chu đáo từ khẩu ăn uống, vệ sinh và tinh thần để luôn thoải mái.

Bức thư con gái bác sĩ động viên mẹ chống dịch
Phòng khám sàng lọc người nghi nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Quy trình sàng lọc người nghi nghiễm của bệnh viện chia làm 2 trường hợp. Nếu người nghi nghiễm thuộc nhóm F1 và âm tính nCoV thì tiếp tục theo dõi, cách ly tại bệnh viện đủ 14 ngày. Người nghi nhiễm thuộc nhóm F2, âm tính nCoV và tiếp xúc với người F1 âm tính, được chuyển về địa phương để cách ly, giám sát y tế.

"Chúng tôi thực hiện sàng lọc liên tục như vậy cho đến khi nào hết trường hợp nghi nhiễm", bác sĩ Kim Anh nói.

Tính đến sáng 16/3, bệnh viện cách ly 67 trường hợp, trong đó nhỏ tuổi nhất là em bé 13 tháng tuổi cách ly cùng bố mẹ. Hiện tại, bệnh viện chưa phát hiện ca dương tính nào.

Khoa Các bệnh Nhiệt đới có 14 y bác sĩ, nhân viên y tế, cùng tham gia chống dịch. Do giờ giấc không cố định, các bác sĩ thường hỗ trợ hoàn thành công việc chính rồi thay phiên nhau ăn uống.

13 năm làm bác sĩ truyền nhiễm, có những việc đã làm, có việc chưa, nhưng những ngày ở cách ly chung giúp bác sĩ Kim Anh hiểu thêm vai trò việc phòng dịch. Bác sĩ chia sẻ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn về công tác y tế dự phòng đến các hoạt động phối hợp liên viện, tư vấn truyền thông cho người cách ly, hậu cần cho người cách ly phải thoải mái về vật chất, tinh thần.

Bức thư con gái bác sĩ động viên mẹ chống dịch
Các y bác sĩ tranh thủ thời gian rảnh xuống sân hoạt động thể chất cùng với người cách ly, giúp mọi người yên tâm theo dõi sức khỏe. Ảnh: Thùy An

Bác sĩ Kim Anh nói điều khiến chị lo lắng nhất là không biết đến bao giờ cuộc chiến này mới dừng lại để mọi người trở về cuộc sống bình thường, nhất là nhân viên y tế. Người cách ly chỉ cần kết thúc thời gian 14 ngày là được về nhà, còn nhân viên y tế thì vẫn phải tiếp tục chăm sóc số người cách ly đang tăng lên từng ngày.

"Đặc biệt, ở đây không có người được cách ly nào thích bị gọi là bệnh nhân. Do đó, nhân viên y tế phải khéo léo khi chăm sóc", bác sĩ Kim Anh nói.

Cất bức thư của con gái, bác sĩ Kim Anh chỉnh lại trang phục rồi xuống khu cách ly để nói chuyện với mọi người. Thời gian rảnh, chị đánh cầu lông, chơi đá cầu cùng mọi người để thư giãn.

"Cách ly là chuyện không ai muốn nhưng rất có ích cho bản bản thân và cộng đồng. Nếu ai cũng tuân thủ cách ly nghiêm túc, cuộc chiến này xem như đã thắng một nửa rồi", bác sĩ Kim Anh chia sẻ.

Theo VNE