Bolivia đứng trước nguy cơ nội chiến

15:04 | 15/11/2019

452 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mặc dù đã có lãnh đạo lâm thời nhưng trên đường phố Bolivia vẫn xảy ra bạo loạn trong những ngày qua. Từ Mexico, ông Morales cáo buộc các thế lực bên ngoài liên quan tới "kế hoạch đảo chính" tại Bolivia, đồng thời khẳng định sẽ về nước đấu tranh giành lại chính quyền.
bolivia dung truoc nguy co noi chien
Ông Evo Morales họp báo tại Mexico City ngày 13/11

Sau khi thông báo từ chức tổng thống Bolivia, ngày 12/11, ông Evo Morales đã bay sang nước láng giềng Mexico tị nạn sau một chuyến đi đầy “bão táp” vì một số nước Mỹ Latinh từ chối cho ông bay qua không phận của họ. Theo báo El Deber, ông Morales đã chấp nhận lời đề nghị cho tị nạn chính trị của Mexico.

Từ Mexico, trong cuộc họp báo đầu tiên ở thủ đô Mexico City ngày 13/11, ông Morales nói: “Tôi quyết định từ chức để máu của người dân Bolivia không chảy vô ích. Chừng nào tôi còn sống, tôi sẽ tiếp tục hoạt động chính trị... Cuộc đấu tranh vẫn tiếp tục". Ông cũng lên tiếng chỉ trích những kết luận của Tổ chức các Quốc gia châu Mỹ (OAS) về cuộc bầu cử ngày 20/10 tại Bolivia. OAS trước đó cáo buộc các quan chức bầu cử tại Bolivia đã có hành động can thiệp, làm sai lệch kết quả theo hướng có lợi cho ông Morales, người đã cầm quyền tại quốc gia Nam Mỹ trong 14 năm. Thực tế, kết luận của OAS đã thổi bùng căng thẳng ở Bolivia trong vài tuần vừa qua và đỉnh điểm là khiến ông Morales phải tuyên bố từ chức, sang Mexico tị nạn trong bối cảnh quân đội và cảnh sát đã không còn ủng hộ ông.

Ông Morales nói rằng, OAS đã đưa ra một quyết định mang tính chính trị. Ông cũng cáo buộc OAS, có trụ sở ở Washington là tổ chức phục vụ cho Mỹ. Cựu Tổng thống Bolivia nhận định, động thái của OAS là nhằm ủng hộ phe cánh hữu đối lập với ông. Ông Morales nói rằng, đó là một cuộc đảo chính và trên thực tế, ngay cả khi ông đã rời khỏi đất nước, tình hình ở Bolivia vẫn đang bất ổn. Ông Morales cũng chỉ trích hành động tự xưng làm Tổng thống lâm thời Bolivia của Phó chủ tịch Thượng viện Jeanine Anez. Ông kêu gọi đối thoại để chấm dứt tình trạng bất ổn tại Bolivia. Do Phó tổng thống, Chủ tịch và Phó chủ tịch Thượng viện cũng như Chủ tịch Hạ viện Bolivia đều từ chức, nên Phó chủ tịch thứ hai, thuộc phe đối lập, của Thượng viện, Jeanine Anez, tuyên bố tự đứng ra đảm nhận chức tổng thống. Cuối buổi họp báo, ông Morales tự tin khẳng định rằng "chúng tôi sẽ quay trở về Bolivia chẳng sớm thì muộn". "Nếu nhân dân yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng trở về để làm dịu tình hình" - cựu Tổng thống Bolivia tuyên bố.

bolivia dung truoc nguy co noi chien
Bạo lực vẫn xảy ra ngay trên đường phố Bolivia cả sau khi ông Morales từ chức

Trong lúc này tình hình tại Bolivia tiếp tục rối loạn. Trên đường phố, bạo động vẫn tiếp diễn, đồn bốt cảnh sát ở nhiều thành phố bị phóng hỏa, đập phá. Quân đội thông báo phối hợp với cảnh sát để ổn định lại trật tự. Tại thành phố El Alto, gần thủ đô La Paz, ngày 11/11 có nhiều nhóm được trang bị vũ khí, sẵn sàng đánh nhau với những người ủng hộ phe đối lập. Họ hét vang: “Bây giờ thì đã có nội chiến rồi đấy!”. Dân chúng hoảng sợ, ngồi trong nhà cả ngày, mắt dán vào màn hình theo dõi các trang mạng xã hội, nơi lan truyền rất nhiều tin giả, chẳng hạn như lệnh giới nghiêm được ban bố hay các nhóm chiến binh đã được triển khai trong thành phố. Những tin giả kiểu này khiến tình hình càng thêm căng thẳng. Nhưng điều mà tất cả mọi người chờ đợi là thông báo của Tướng Kaliman, Tư lệnh các lực lượng vũ trang. Vị chỉ huy này phát biểu: Lực lượng cảnh sát đã quá tải. Theo nghĩa vụ được quy định trong Hiến pháp, quân đội chấp thuận hợp tác với cảnh sát để tham gia giữ gìn trật tự. Vì thế, các binh sĩ phối hợp với lực lượng cảnh sát để tái lập trật tự tại thủ đô. Nếu sự can thiệp của quân đội là đòi hỏi của nhiều người dân, thì quyết định này cũng gợi lại những thời khắc đen tối trong lịch sử Bolivia. Tuy nhiên, Tướng Kaliman đã lưu ý trấn an người dân Bolivia: Không bao giờ quân đội nổ súng vào người dân. Ngày 13/11, tại thủ đô La Paz, nhiều người biểu tình từ các nơi đã đổ về, diễu hành qua các đường phố lớn yêu cầu khôi phục chức vụ cho ông Morales.

Tờ Libération của Pháp ngày 14/11 ca ngợi thành quả của ông Morales trong bài: “Evo Morales bị quét đi, nhưng thành quả điều hành của ông vẫn bám rễ”. Theo tờ báo, người thổ dân đầu tiên được bầu làm tổng thống Bolivia đã phải từ chức sau 14 năm cầm quyền, và sau 3 tuần biểu tình phản đối dữ dội, bị quân đội bỏ rơi. Thế nhưng, khi đương chức, ông đã tiến hành được một chính sách đầy cao vọng và hữu hiệu trong việc giảm bất công. Đối với Libération, ở phương Tây, cánh tả ít nhắc đến kinh nghiệm cải cách xã hội của Bolivia, mà luôn nêu cao các trường hợp như Lula ở Brazil hay Hugo Chavez ở Venezuela, hoặc Rafael Correa ở Ecuador hay José “Pepe” Mujica ở Uruguay. Thế nhưng dù không có mấy sức thu hút quần chúng, Evo Morales lại là người đã thực hiện được công trình to lớn là cải thiện tình trạng Bolivia, giảm bất công có hiệu quả. Tuy nhiên, theo một nhà xã hội học Bolivia được AFP dẫn lời, thái độ đáng chê trách của cựu Tổng thống Morales là trong suốt 14 năm lãnh đạo, không chuẩn bị cho phe tả có một nhân vật thay thế.

Trong lễ nhận chức tổng thống tạm quyền, bà Jeanine Anez tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử sớm nhất có thể đồng thời kêu gọi một quá trình chuyển giao dân chủ và hòa bình. Bà Anez tuyên bố trở thành Tổng thống tạm quyền, lấp đầy khoảng trống chính trị sau quyết định từ chức của ông Morales nhưng giới quan sát nhận định bà Anez sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc ổn định tình hình tại một quốc gia đang bị phân cực sâu sắc hiện nay.

bolivia dung truoc nguy co noi chienHành trình đầy vất vả đến với Mexico của ông Evo Morales
bolivia dung truoc nguy co noi chienToàn cảnh cuộc khủng hoảng Bolivia và những dự báo
bolivia dung truoc nguy co noi chienMorales, tổng thống tại nhiệm lâu nhất Bolivia

H.Phan

AFP

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc