Bộ Xây dựng vào cuộc sau 5 lần vỡ đường ống nước sạch

08:13 | 04/04/2014

669 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều ngày 3/4, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho biết, để xác định nguyên nhân và đưa biện pháp khắc phục sự cố vỡ đường ống dẫn nước DN1500 từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, Cục sẽ kiểm tra toàn bộ đường ống.

>> Hà Nội: Vỡ đường ống nước, 70 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng

>> Hà Nội: 5 quận, huyện sẽ mất nước trong 3 ngày?

>> Người dân thủ đô lại tạm thời mất nguồn nước sạch

Sáng cùng ngày, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình đã cử đoàn công tác tới hiện trượng sự cố xảy ra vào ngày 1/4 để kiểm tra, tuy nhiên sự cố đã được khắc phục xong. Thời gian tới, Cục sẽ kiểm tra toàn bộ hoạt động của nhà máy, hồ sơ thiết kế và quá trình thi công đường ống để đánh giá một cách tổng thể.

Đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội được chôn sâu dưới lòng đất, có đoạn sâu hơn chục mét. Ống làm bằng vật liệu thủy tinh cứng (composite) dày hơn 1 cm, có ưu điểm là không bị hoen rỉ. Tuy nhiên vật liệu composite không chịu được lực tác động trực tiếp hoặc uốn cong, nên sẽ vỡ khi nền đất lún không đều.

Năm 2008, Đường ống dẫn nước DN1500 được hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng với công suất 300.000m3/ngày. Hệ thống dẫn nước bao gồm các hạng mục chính, gồm: kênh dẫn nước, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa điều hòa và các tuyến ống truyền tải dẫn nước sạch từ nhà máy về đến vành đai III Hà Nội. Hiện hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về đến xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội).

Hiện trường vỡ đường ống dẫn nước xảy ra vào ngày 21/11/2013.

Đây được coi là nguồn cung cấp nước sinh hoạt chính cho hơn 70.000 hộ dân thuộc các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và huyện Thanh Trì. Chính vì vậy, mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sinh hoạt sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.

Từ khi đi vào hoạt động, đường ống dẫn nước DN1500 đã xảy ra sự cố vỡ đường ống 5 lần. Lần đầu tiên xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước là ngày 4/2/2012, tại KM10+900 Đại lộ Thăng Long. Sự cố khiến hơn 40.000 khách hàng chịu ảnh hưởng.

Sau mỗi lần xảy ra sự cố, Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nước sạch Viwaco thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex (đơn vị quản lý đường ống dẫn nước DN1500) phải huy động hàng trăm công nhân cùng các phương tiện máy móc để khắc phục và mỗi lần như vậy đơn vị quản lý đường ống phải chi hàng tỉ đồng. Theo lý giải từ phía Viwaco, nguyên nhân có thể do nền đất yếu, cộng với việc gần đường cao tốc nên đường ống bị rung và dịch chuyển gây nên sự cố.

Tại văn bản báo cáo lên Bộ Xây dựng sau sự cố lần thứ 5, Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex cho biết, nguyên nhân dẫn tới vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội là do địa chất công trình và giai đoạn thi công. Đường ống nước sạch thi công cùng thời điểm với dự án đường Láng - Hòa Lạc nên có sự đan xen, chồng chéo về mặt bằng, dẫn đến việc xử lý nền đất yếu có thể ảnh hưởng đến tuyến ống. Đường cao tốc và đường ống dẫn nước được thi công vào thời điểm không cách xa nhau, khi độ lún của đường, đặc biệt là của các công trình cầu hầm, đang trong giai đoạn ổn định. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước trong thời gian qua. Ngoài ra còn có sự tác động của tải trọng đất khi tôn nền và tải trọng động của thiết bị thi công tại những khu đô thị mới.

Xung quanh việc Viwaco đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là tác nhân làm vỡ đường ống dẫn nước, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) đã từng khẳng định với Báo điện tử PetroTimes rằng: "Phía Viwaco đổ lỗi cho tuyến Đại lộ Thăng Long là không chính xác".

Kỹ sư Nguyễn Sỹ Trung cho biết, tuyến đường này có chiều dài gần 30km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau. Đặc biệt, có 5,4km chạy qua nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m, dài 20-200m. Khi làm đường, chúng tôi đã phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian bằng công nghệ cọc cát, giếng cát, thay đất… khi nền ổn định mới xây dựng công trình. Đến bây giờ có thể khẳng định, tuyến đường rất ổn định.

Đường ống nước sông Đà được đặt cách vai đường Láng - Hòa Lạc 12,5m, độ sâu từ 4-6m so với mặt đất tự nhiên, không nằm trong phạm vi xử lý nền đường. Tôi khẳng định đường ống không nằm trong nền đường cao tốc, do đó cũng không thể nói nền đường Đại lộ Thăng Long gây sụt lún ảnh hưởng vỡ đường ống. Hơn nữa, độ rung từ mặt đường cao tốc do ô tô đi lại gây ảnh hưởng đến đường ống về mặt định lượng gần như bằng không. Khi hai dự án cùng thực hiện (đường Láng - Hòa Lạc và đường ống nước sạch sông Đà), không dưới 5 lần tại các cuộc họp tôi đã cảnh báo khá gay gắt chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà về địa chất yếu. Tuy nhiên, họ không nghe mà vẫn tiến hành đặt đường ống mà không xử lý nền yếu".

“Các điểm xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước đều trùng khớp với các điểm có nền đất yếu mà chúng tôi từng cảnh báo chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, thi công dự án nước sạch sông Đà. Tôi khẳng định, đường ống dẫn nước này còn xảy ra sự cố và sẽ xảy ra ở 25 điểm khác nữa trong năm tới” – ông Nguyễn Sỹ Trung nói thêm.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến các sự cố của đường ống dẫn nước DN1500, ông Nguyễn Sỹ Trung cho rằng: “Nguyên nhân sâu xa là do người thiết kế và nhà thầu thi công chưa xử lý móng của tuyến ống, để nó chạy trên nền đất yếu. Vật liệu của ống lại là composite, là vật liệu mới được áp dụng gần như đầu tiên ở Việt Nam, không chịu được lực tác động trực tiếp là lực uốn và biến dạng. Bởi vậy khi móng của đường ống không đều, tuyến ống sẽ vỡ".

Liên tiếp các sự cố xảy ra khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính ổn định của đường ống dẫn nước sạch sông Đà, cũng như chất lượng đường ống. Với nền đất yếu không được xử lý, ai dám khẳng định sẽ không còn xảy ra sự cố.

T.Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc