Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân

15:17 | 05/04/2013

851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền đã có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Nhiều vấn đề "nóng" như: tai nạn lao động, nợ đọng bảo hiểm xã hội cũng như nhiều vấn đề khác đã được Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời cụ thể và thẳng thắn.

Năm 2012 cả nước để xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Số lượng cán bộ làm công tác thanh tra so với đối tượng cần thanh tra thì quá mỏng. Chính vì vậy, tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) nên dẫn đến tai nạn lao động.

Những việc chúng tôi cần phải làm trong thời gian tới là tăng cường hơn nữa công trác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ, tăng cường hơn nữa công tác quản lý thông qua việc thanh tra và xử nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tới đây, chúng tôi được Chính phủ giao trình Quốc hội Dự luật về ATVSLĐ trong năm 2014. Những vấn đề bất cập trong công tác thanh tra ATVSLĐ sẽ được đề cập với hướng rất tích cực, đó là xây dựng đội ngũ những người làm công tác thanh tra lao động mạnh hơn, các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ được tiến hành thanh tra công tác ATVSLĐ này. Như vậy sẽ góp phần sớm phát hiện và xử lý những trường hợp sử dụng lao động không chấp hành luật về ATVSLĐ.

Trước thông tin "năm 2012 cả nước để xảy ra 6.777 vụ tai nạn lao động làm 606 người chết, 6.361 người bị thương. Có những trường hợp chết và bị thương do cháy nổ như sang chiết ga, hàn xì gây cháy…", Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền bày tỏ sự đồng tình với ý kiến về tình trạng mất an toàn lao động, gây thiệt hại tính mạng, tài sản cho người lao động, đây là điều đáng tiếc.

Nói về khuôn khổ pháp lý, các văn bản của Nhà nước, từ Bộ Luật Lao động, cũng như Pháp lệnh về thanh tra ATVSLĐ đã quy định rõ. Tuy vậy ý thức chấp hành của một bộ phận chủ sử dụng lao động chưa được nghiêm.

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền.

Trong công tác tuyên truyền chúng ta cũng đã có làm nhưng một số không nhỏ những người lao động và người chủ sử dụng lao động chưa nắm thật đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong thực hiện vấn đề này.

Chưa kể một bộ phận chủ lao động dù có biết, nhưng có hiện tượng vì lợi nhuận, vì lơ là trách nhiệm đối với tính mạng của người lao động nên không thực hiện nghiêm vấn đề này.

Như vậy, nói để hổng công tác tuyên truyền thì không hẳn, nhưng làm để mọi người hiểu và nâng cao trách nhiệm của mình thì có lẽ chưa đạt được như chúng ta mong muốn.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận: Công tác an toàn lao động hiện là một vấn đề nhức nhối cho cả xã hội. Tất cả người dân khi đi làm đều mong được đảm bảo an toàn, mong muốn sau mỗi làm việc trở về nhà bình yên, mong không phải đón nhận tin xấu về người thân liên quan tới tai nạn lao động.

Thế nhưng thời gian qua, chúng ta có triển khai công tác tuyên truyền nhưng chưa được như mong muốn. Một vấn đề quan trọng là giáo dục ý thức đảm bảo an toàn của người lao động, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động.

Tới đây, chúng tôi sẽ tăng cường các lớp bồi dưỡng kiến thức về ý thức an toàn lao động, thực hiện pháp luật về an toàn lao động. Tuyên truyền về ý thức an toàn lao động sẽ được đưa tới các trường học. Giáo dục ý thức an toàn phải thực hiện từ khi họ bắt đầu trưởng thành. Biện pháp nữa là tăng cường kiểm tra các chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về an toàn lao động. Đây là một trong những biện pháp được đẩy mạnh trong thời gian tới đây.

Trước thông tin phản ánh tình trạng trẻ em 12-13 tuổi phải lao động cực nhọc trong mỏ khai thác đá ở Nghệ An, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định: Đây là việc làm vi phạm quy định Luật Lao động và Pháp lệnh Bảo vệ trẻ em, cấm trẻ em chưa đủ tuổi tham gia lao động nặng nhọc. Hành vi sử dụng lao động trẻ em như bạn Kiên nêu cần phải được xử lý nghiêm minh, đối với những vi phạm nặng thì phải xử lý hình sự, để răn đe những người vì quyền lợi, lợi ích kinh tế của mình mà bóc lột sức lao động của trẻ em.

Sẽ xử lý hình sự các doanh nghiệp cố tình nợ đọng BHXH

Về tình trạng nợ đọng BHXH, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Truyền thừa nhận, tỉ lệ nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%, doanh nghiệp FDI là 14%, tình trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, thậm chí có những doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì phía BHXH lại nói là doanh nghiệp chưa nộp.

Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đã có văn bản kiểm tra các doanh nghiệp có nợ đọng đồng thời yêu cầu địa phương đôn đốc tích cực để yêu cầu chủ  doanh nghiệp đóng. Chính vì vậy nợ đọng BHXH giảm 13,7% so với năm 2011.

Một trong những nguyên nhân chủ sử dụng lao động nợ đọng bảo hiểm là từ chính sách, do mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10% nhưng nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm, vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng. Cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp này. Chúng tôi đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng doanh nghiệp chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự.

Với các giải pháp đồng bộ, tích cực thì số nợ BHXH sẽ giảm hẳn, nhưng đối với những doanh nghiệp quá khó khăn thì cũng cần phải xem xét, có sự chia sẻ từ phía nhà nước cũng như người lao động.

Xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2013 sẽ khởi sắc

Về tình hình XKLĐ năm 2013, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Thời gian qua, một số thị trường nhận lao động Việt Nam có cũng khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động hạn chế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài ra, một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập ví dụ như Malaysia, thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng. Nguyên nhân thứ ba ảnh hưởng đến chỉ tiêu là tình trạng lao động ở lại Hàn Quốc. Năm 2011, chúng ta đưa 15.000 lao động sang thị trường này nhưng năm 2012 chúng ta chỉ đưa được 9.000 người. Những nguyên nhân trên đã tác động đến tổng thể mục tiêu đưa lao động ra ngoài nước của năm 2013.

Về chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013, nếu thời điểm hiện tại thì chúng ta thấy khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu tích cực nhất định như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức, hay một số thị trường Trung Đông nếu tình hình ổn định trở lại thì chúng ta có thể tiếp tục đưa lao động sang được.

Đối với đẩy mạnh thực hiện chính sách đưa các đối tượng đi XKLĐ thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu và quan trọng là nếu thị trường Hàn Quốc thực hiện thỏa ước lao động với chúng ta với việc tiếp nhận 15.000 lao động trong năm 2013 thì mục tiêu trên không phải là khó.

Trước thông tin về nhiều trường hợp ở tỉnh Nghệ An bị lừa XKLĐ đi Angola, người đi được thì phải về nước sau 4 tháng với chằng chịt những vết sẹo do chủ lao động đánh đập, người chưa đi được thì mất trắng hàng chục triệu đồng tiền phí môi giới, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ, đến thời điểm này chúng ta chưa có thỏa thuận lao động với Angola. Vì vậy, để hạn chế tình trạng bị lừa đảo thì phải tìm hiểu kỹ thị trường đã hợp tác hay chưa, tổ chức đưa người lao động đi có hợp pháp hay không. Các bạn nên liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) kể cả về thị trường và phương thức đưa lao động. Bởi nếu bạn ra nước ngoài lao động mà không qua tổ chức hợp pháp thì sẽ gặp khó khăn trong việc được bảo vệ quyền lợi hợp pháp tại nước sở tại.

Đối với những người lao động ở vùng sâu, vùng xa, không có điều kiện liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước, thì có thể đến phòng LĐTBXH để hỏi thông tin và nơi này có trách nhiệm liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước để tìm hiểu thông tin, trả lời cho người lao động.

Trước câu hỏi, hiện nay những đối tượng nào được vay vốn ngân hàng sử dụng trong mục đích đi XKLĐ, thủ tục như thế nào? Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Nhà nước đã có nhiều chính sách. Thứ nhất là vay vốn,  mức vay cho một khóa đào tạo ngoại ngữ và bổ trợ nghề là không quá 3 triệu đồng. Còn các đối tượng con thương binh liệt sỹ và người có công có thể vay ở mức ưu đãi hơn.

Như vậy, ngoài đối tượng con thương binh, liệt sỹ thì những hộ nghèo ở 62 huyện nghèo cũng có thể vay ở mức ưu đãi. Mọi lao động quan tâm vấn đề này có thể liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc liên hệ trực tiếp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn ưu đãi trực tiếp, cụ thể.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết thêm, nếu lao động bình thường có thể vay các ngân hàng thương mại, còn các bạn thuộc diện chính sách nêu trên có thể vay tại các ngân hàng chính sách.

Về tình trạng các doanh nghiệp XKLĐ thu phí cao hơn mức quy định, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Trước hết tôi phải thông tin để mọi người được biết về quy định về các loại phí khi đi lao động ra nước ngoài, cụ thể mức phí đi từng nước. Khoản phí này là để giúp chuẩn bị cho người lao động như học ngoại ngữ, kiến thức cần thiết khi sang nước ngoài làm việc, vé máy bay, bảo hiểm xã hội trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Nếu doanh nghiệp thực hiện trong khung phí quy định thì không vi phạm. Vừa qua, ở chỗ này, chỗ kia, có hiện tượng doanh nghiệp thu phí vượt khung, chúng tôi đã cho kiểm tra.

Liên quan đến câu hỏi này, ông Lê Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước giải đáp thêm:Trong các văn bản quy định về phí môi giới XKLĐ hiện nay có quy định mức phí tối đa. Ví dụ như đi Đài Loan tối đa là 4.000 USD. Nếu doanh nghiệp nào thu vượt mức này sẽ bị xử phạt, thậm chí bị đình chỉ giấy phép. Người lao động có thể thông báo cho Cục Lao động ngoài nước để xử lý các trường hợp thu vượt khung quy định.

Vừa rồi, Cục Lao động ngoài nước đã kiểm tra, thanh tra và phát hiện một số trường hợp vi phạm. Cục đã xử lý và rút giấy phép một số trường hợp.

Văn Dũng (lược ghi)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc