Bộ trưởng LĐ-TB và XH: “LĐ có thể làm thêm 360giờ/năm nếu có nhu cầu!”

22:05 | 19/12/2011

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều nay (19/12), tại trụ sở Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời trực tuyến người dân xung quanh công tác an sinh xã hội và lao động việc làm.

Trong 2 giờ đồng hồ làm việc khẩn trương và nghiêm túc, phần trả lời đáng chú ý nhất của Bộ trưởng Hải Chuyền là phần liên quan đến Bộ luật Lao động sửa đổi, với cơ hội tăng thêm thu nhập cho chính người lao động và cả chủ sở hữu lao động. Cụ thể, nếu Quốc hội thông qua Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) ở kỳ họp tới, người lao động có thể làm thêm tối đa là 360 giờ/năm, tăng 60 giờ với hiện tại.

Bộ trưởng LĐ-TB và XH lí giải, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lao động phổ thông nhất, nhưng thường xuyên phải đối mặt với áp lực về doanh số, tiến độ và thời gian giao-trả hàng. Bên cạnh đó, yếu tố năng suất không cao của lao động nội địa cũng là một phần lí do để Bộ quyết định đề xuất mức áp dụng làm thêm ngoài giờ có thể lên tới 360 giờ/năm. “Tất nhiên, đó là trong trường hợp chủ sở hữu lao động nhận được sự đồng ý với người lao động, trên tinh thần đôi bên cùng có lợi và không vi phạm luật pháp”. Nữ Bộ trưởng cho hay, Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) cũng quy định mức thù lao làm ngoài giờ mới tăng thêm 20% so với hiện tại, để tránh tình trạng vắt kiệt sức lao động hoặc lạm dụng hợp đồng lao động “ma”.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trong buổi đối thoại chiều nay.

Liên quan tới vấn đề lao động, nhiều độc giả đã chất vấn Bộ trưởng về thực tế thị trường xuất khẩu lao động đang bị thu hẹp sau hàng loạt lùm xùm xung quanh tình trạng định cư bất hợp pháp, vi phạm phát luật nước sở tại… Lãnh đạo Bộ LĐ-TB và XH cho biết, thời gian gần đây Chính phủ và lãnh đạo Bộ đã thực hiện nhiều chuyến công du đến các quốc gia tiềm năng như Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc để tái khẳng định tính cầu thị của lao động Việt Nam. “Mọi người có thể yên tâm vì các quốc gia bạn đã hiểu, những trường hợp nhỏ lẻ trên chỉ là điển hình. Không chỉ chăm chỉ, có tay nghề cao, lao động Việt Namcòn hết sức nghiêm túc trong việc chấp hành luật pháp nước sở tại.” Về tình trạng “cò” lừa đảo người dân, nữ Bộ trưởng cũng tuyên bố bà đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra, Sở LĐ, TB và XH các tỉnh cùng Cục quản lý lao động ngoài nước quyết liệt hơn trong nỗ lực dẹp số Công ty lừa trên. “Người lao động muốn được lao động, kiếm tiền, đó là mong muốn hết sức chính đáng. Tuy nhiên, kẻ xấu đã lợi dụng để trục lợi cá nhân, gây tâm lý hoang mang trong bộ phận lao động nông thôn. Không thể tình trạng đó xảy ra thêm nữa,” Bộ trưởng Hải Chuyền khẳng định.

Trong khi đó, trả lời chất vất của người dân về tình trạng lao động nước ngoài đang “ùn ùn” kèo vào thị trường Việt Nam làm việc chui, lãnh đạo Cục Việc làm cho biết, sau khi dư luận phát hiện và phản ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, hầu hết các nhà thầu quốc tế đã chủ động đến Sở LĐ, TB và XH các tỉnh để làm thủ tục.

Xung quanh Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lãnh đạo Bộ LĐ, TB và XH đều thống nhất, đây là một đề án không hề dễ, bởi mục tiêu tạo ra 70% việc làm cho 1 triệu lao động được đào tạo mỗi năm là hết sức khó khăn. Phó Tổng cục trưởng Dạy nghề Nghiêm Trọng Quí thông báo, trước thực trạng trên Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo Bộ LĐ, TB và XH không chạy theo số lượng, đảm bảo mục tiêu có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống bà con là ưu tiên trước hết vì đào tạo lao động nông thôn chủ yếu là đào tạo nghề, dưới 3 tháng. Mục tiêu trang bị cho bà con kiến thức kỹ năng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trên từng diện tích. Về đào tạo ngành nghề, muốn đảm bảo hiệu quả, đề án xác định rất rõ các bước muốn làm có hiệu quả, phải xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất… và khi tổ chức lớp học xong người đó sẽ làm ở đâu, thu nhập thế nào, chính sách thế nào.

Liên quan đến việc hỗ trợ người có thu nhập thấp và công tác an sinh xã hội, Bộ trưởng Hải Chuyền đưa ra những con số thống kệ cụ thể cho năm 2011. Theo đó, tổng số vốn ngân sách trung ương đã bố trí để hỗ trợ thực hiện chương trình theo Nghị quyết 30a kể từ năm 2008 là 8.535 tỷ đồng, trong đó cho đầu tư là 6.493 tỷ đồng còn lại là vốn sự nghiệp, giúp các huyện nghèo chủ động giải quyết các khó khăn trên địa bàn. Bên cạnh vốn ngân sách, Chính phủ dành ưu tiên trong phân bổ vốn trái phiếu, vốn ODA cho các huyện nghèo. Với tổng số kinh phí 22.000 tỷ đồng trong 3 năm, bình quân mỗi huyện được bố trí 118 tỷ đồng một năm. Năm 2011, trong điều kiện rất khó khăn, các doanh nghiệp đã hỗ trợ các huyện nghèo 350 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, phát triển cơ sở sản xuất.

Ngoài ra, các phong trào huy động cộng đồng, dân cư, dòng tộc tham gia hỗ trợ giảm nghèo cũng đang được triển khai. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung, đối tượng thu nhập thấp bao giờ cũng gặp khó khăn hơn, đặc biệt là năm nay khó khăn đó rất lớn. Trước tình hình trên, Chính phủ đã giao Bộ LĐTBXH nghiên cứu, xem xét đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn này. Thực hiện Nghị quyết 11, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Tài chính và một số bộ khác ban hành chính sách cụ thể như hỗ trợ tiền điện hàng tháng là 30 nghìn đồng kể từ tháng 3/2011 đối với các hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, hỗ trợ 250 nghìn đồng cho những người có mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội dưới 2,5 triệu đồng/tháng, hỗ trợ 60 nghìn tấn gạo cứu đói cho 811 nghìn hộ với 2 triệu khẩu. Chính vì vậy, mục tiêu giảm nghèo của giai đoạn này là giảm 4% một năm nhưng theo kết quả tại cuộc sơ kết, tỷ lệ giảm nghèo đã đạt 5% một năm.

Hữu Tùng