Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố "danh sách đen" bị cấm giao dịch, đầu tư

06:20 | 21/09/2020

241 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Thương mại Trung Quốc vừa công bố chi tiết danh sách đen “các thực thể không đáng tin cậy” sẽ bị cấm giao dịch, đầu tư vào Trung Quốc.

Theo một tuyên bố của Bộ Thương mại đưa ra hôm thứ Bảy vừa rồi, các công ty và cá nhân trong danh sách đen sẽ bị hạn chế hoặc cấm hoàn toàn giao dịch - cả nhập khẩu và xuất khẩu - với Trung Quốc và cũng không được đầu tư vào nước này.

Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố danh sách đen bị cấm giao dịch, đầu tư - 1
Vào tháng 5 năm 2019, Bắc Kinh cho biết họ sẽ đưa vào danh sách đen các công ty hoặc cá nhân nước ngoài vi phạm các quy tắc thị trường hoặc nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện các biện pháp làm tổn hại đến quyền của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng như đe dọa lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về cách các quy tắc có thể được thực hiện trong môi trường kinh doanh được chính trị hóa cao do sự bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington.

Joerg Wuttke, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, cho biết sự mơ hồ của ngôn ngữ mà Bộ Thương mại Trung Quốc sử dụng đã để lại “nhiều lỗ hổng cho các hành động trừng phạt”

Lu Xiang, một nhà nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết việc ban hành các quy tắc là phản ứng của Trung Quốc đối với nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế các công ty công nghệ Trung Quốc và sẽ cho phép Bắc Kinh đưa ra các biện pháp đối phó với Washington trong tương lai.

Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các nhà chức trách sẽ “có những hành động tương ứng” đối với các công ty, tổ chức và cá nhân nước ngoài nếu doanh nghiệp của họ có các hành động liên quan “gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, vi phạm các quy tắc thị trường, tạm dừng các nghĩa vụ hợp đồng với các công ty hoặc cá nhân Trung Quốc, hoặc thực hiện các biện pháp phân biệt đối xử đối với các công ty cũng như cá nhân Trung Quốc để làm tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích hợp pháp của họ".

“Một văn phòng sẽ được thành lập để điều tra và đưa ra phán quyết về các trường hợp các tổ chức hoặc cá nhân bị nghi ngờ vi phạm các quy tắc mới”, Bộ Thương mại nói.

Bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào bị điều tra sẽ có cơ hội tự vệ và cũng được gia hạn thời gian để sửa chữa mọi hành vi không thể chấp nhận được, Bộ này cho biết.

Các công ty đã được thêm vào danh sách có thể bị xóa khỏi danh sách nếu họ đã khắc phục được hành vi của mình và có hành động kịp thời để loại bỏ hậu quả do hành động của họ gây ra.

Trong trường hợp một cá nhân vi phạm quy tắc được xác nhận, người đó sẽ bị tước giấy phép làm việc và cư trú, đồng thời có thể bị từ chối vào quốc gia. Trong một số trường hợp, họ cũng sẽ phải trả tiền phạt, tuyên bố cho biết, mà không nêu chi tiết.

Tuyên bố cho biết Trung Quốc phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương.

Những lời nói đó được đưa ra khi Mỹ đang gia tăng áp lực lên các công ty công nghệ Trung Quốc: cắt nguồn cung cấp cho Huawei và cấm người Mỹ sử dụng của các ứng dụng mạng xã hội TitTok và WeChat, cho rằng chúng là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.

Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố sẽ không né tránh sử dụng các biện pháp đối phó.

Matthew Margulies, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động của Trung Quốc tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, cho biết cộng đồng doanh nghiệp Mỹ từ lâu đã kêu gọi sự cân bằng hơn giữa an ninh quốc gia và lợi ích thương mại từ cả hai chính phủ.

“Sự cân bằng đó rất quan trọng để đảm bảo bảo vệ lợi ích quốc gia mà không kìm hãm sự đổi mới và thương mại. Việc coi trọng một trong hai vấn đề quá nặng sẽ dẫn đến những hậu quả không lường trước được,” ông nói.

“Sự giao thoa giữa công nghệ, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế hiện đang là mối quan tâm hàng đầu trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc”. Ông nói: “Khi con lắc ngày càng xoay chuyển về phía an ninh quốc gia, các công ty Mỹ sẽ lo lắng rằng việc tuân thủ các quy tắc của một chính phủ khiến họ vi phạm các quy tắc của chính phủ khác”.

Liao Shiping, một giáo sư luật tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết danh sách chỉ nhắm mục tiêu vào các hoạt động bất hợp pháp của các thực thể nước ngoài riêng lẻ và "không có nghĩa là sự thay đổi quan điểm của Trung Quốc trong việc chào đón và bảo vệ đầu tư nước ngoài".

“Các quy tắc không nhắm mục tiêu đến bất kỳ quốc gia cụ thể nào hoặc bất kỳ thực thể cụ thể nào,” ông nói trong một tuyên bố riêng của Bộ Thương mại.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc