GS Nguyễn Minh Thuyết:

"Bỏ thi tốt nghiệp sẽ làm suy giảm nhanh chóng chất lượng nhân lực của xã hội"

07:00 | 13/08/2013

780 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước vấn đề nên hay không bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) khẳng định việc bỏ thi tốt nghiệp THPT sẽ làm cho chất lượng giáo dục bị thả nổi.

>> Thi tốt nghiệp THPT: Nên bỏ hay nên giữ?

>> “Nếu không thi tốt nghiệp THPT, chất lượng dạy và học sẽ đi xuống”

>> GS Trần Xuân Nhĩ: Cần thay đổi tư duy trong cách dạy và học

Bỏ thi tốt nghiệp không phải giải pháp triệt để

PV: Theo quan điểm của GS, liệu Bộ GD-ĐT có nên duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thật ra vấn đề bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được đặt ra vài ba năm nay chứ không mới. Theo tôi hiểu, nhiều người đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì một số lý do sau:

Thứ nhất, kỳ thi này không đánh giá đúng thực chất chất lượng học sinh hiện nay, năm nào cũng có 95-97% đỗ tốt nghiệp.

Thứ hai, kỳ thi này khá cồng kềnh, gây tốn kém, căng thẳng cho học sinh. Hơn nữa, nó lại tổ chức sát kỳ thi ĐH, khiến cho sự căng thẳng càng cao.

Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, việc giữ hay bỏ kỳ thi là một chính sách, muốn thực hiện thì trước hết phải làm công việc phân tích chính sách đã, tức là phải phân tích được thực trạng, đánh giá được nguyên nhân, đưa ra được giải pháp và phải lường trước được những tác động của giải pháp ấy đối với xã hội.

Về thực trạng, nói rằng kỳ thi không đánh giá đúng thực chất chắc là đúng. Nhớ lại năm học 2006-2007 là năm học đầu tiên thực hiện “Hai Không”, kết quả thi tốt nghiệp của tất cả các tỉnh đều thấp. Có đến 11 tỉnh kết quả thi tốt nghiệp dưới 50%, 7 tỉnh dưới 40%, 5 tỉnh dưới 30%, tỉnh thấp nhất chỉ đạt 14,1%; trong khi chỉ năm trước đó, tỉnh nào cũng đạt trên dưới 90%. Có những trường không có học sinh nào đỗ. Nhưng ngay năm sau, khi “thuốc Hai Không” đã nhạt thì tỷ lệ lại cao vọt lên cho đến tận bây giờ. Nguyên nhân của tình trạng này là bệnh thành tích, bệnh gian dối đã trở nên khá nặng nề.

Năm nay, Bộ GD-ĐT mạnh dạn cho phép thí sinh mang thiết bị có khả năng ghi âm, ghi hình vào phòng thi để tố cáo tiêu cực. Điều này đã phần nào phát huy tác dụng hạn chế tiêu cực, nhưng cũng chỉ giảm từ “Đồi Ngô” xuống “Quang Trung” thôi. Mà nếu chúng ta lơ là một chút thì tiêu cực lại bùng lên.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Về nhận xét kỳ thi này cồng kềnh, căng thẳng, tốn kém thì điều đó cũng đúng. Cồng kềnh vì tổ chức thi trên phạm vi toàn quốc, trong 3 ngày liền, với 6 môn thi. Còn căng thẳng vì đó là kỳ thi tổng kết 12 năm học; chưa kể năm nay Bộ GD-ĐT còn đồng ý cho học sinh mang camera vào phòng thi, điều này cũng gây căng thẳng nhất định. Tuy ngành GD-ĐT không chi tiêu lãng phí, nhưng với lượng thí sinh lớn như thế, lượng giáo viên coi thi, chấm thi lớn như thế, tốn kém chắc chắn là có.

Trước thực trạng như vậy, có hai giải pháp. Thứ nhất là bỏ thi, nhưng giải pháp này không giải quyết được nguyên nhân hay thực trạng. Khi tổ chức thi, kể cả kỳ thi chưa đánh giá được đúng thực chất thì nó vẫn buộc học sinh phải học, các trường phải tổ chức ôn tập cho học sinh. Nếu bỏ thi thì ngay lập tức, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ bị thả nổi. Toàn bộ bậc học phổ thông chỉ có 3 lần thi, chúng ta đã bỏ 2 kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS rồi, nếu dỡ nốt “cái sàng” cuối cùng mà mở toang cửa trường ĐH nữa thì chất lượng nguồn nhân lực chắc chắn sẽ rơi xuống đáy. Nói một cách hình ảnh, bỏ thi tốt nghiệp THPT cũng giống như có bệnh mà không chịu đi khám chỉ vì sợ tốn kém mà không tìm ra được bệnh. Đó không phải là giải pháp chữa bệnh mà là giải pháp “đắp chiếu để đấy”, cho bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn.

Giải pháp thứ hai là thay đổi cách tổ chức thi sao cho nó nhẹ nhàng mà phản ánh đúng thực trạng hơn. Tôi ủng hộ giải pháp này.

PV: Vậy theo GS, nên thay đổi cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thế nào để đảm bảo chất lượng kỳ thi?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Thực ra ở nước mình, chuyện tiêu cực lan tràn quá nên cứ đưa biện pháp gì ra thì “người ta” cũng tìm được cách đối phó. GS Hoàng Tụy đưa ra một phương án mà tôi thấy rất hay, đó là cứ học xong môn nào thì tổ chức thi, kiểm tra luôn môn đó. Thầy chấm xong thì coi như có một chứng chỉ. Nhưng xem ra biện pháp này khó có thể áp dụng ở Việt Nam, bởi không thể loại trừ trường hợp giáo viên nương nhẹ cho học trò vì thành tích của mình hay vì thương học trò… Chứng chỉ hết môn cũng có thể trở thành công cụ để một số giáo viên thoái hóa gây áp lực lên học trò nhằm mục đích xấu. Bài học nhãn tiền là chuyện Sầm Đức Xương ở tỉnh Hà Giang.

Tôi cho rằng Bộ GD-ĐT nên cải tiến cách đánh giá tốt nghiệp và cách tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

Về cách đánh giá tốt nghiệp, để đảm bảo phản ánh được nỗ lực của học sinh trong quá trình học tập và giảm bớt căng thẳng cho học sinh, ngoài kết quả các bài thi, phải tính cả điểm tổng kết các môn học với “trọng số” nhất định. Kết hợp cả điểm thi lẫn điểm quá trình sẽ làm giảm xác suất “học tài thi phận” và giảm tiêu cực ở từng khâu.

Về cách tổ chức thi tốt nghiệp, theo tôi, Bộ GD-ĐT không nên đứng ra tổ chức kỳ thi này, mà nên giao hẳn cho địa phương, cụ thể là giao cho Sở GD-ĐT.

Cùng với việc cải tiến thi tốt nghiệp THPT, cần cải tiến cả công tác tuyển sinh ĐH. Đã đến lúc Bộ GD-ĐT nên tổng kết phương thức thi “Ba Chung” và chuyển sang cách thức mới là giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Có nghĩa là để các trường được toàn quyền quyết định phương thức tuyển sinh của mình, có thể tổ chức thi hoặc xét tuyển dựa trên kết quả tốt nghiệp THPT, kết quả thi của trường khác. Cải tiến công tác tuyển sinh ĐH sẽ giải quyết được vấn đề hai kỳ thi căng thẳng gần nhau và không tạo áp lực cho học sinh. Ai không chịu được áp lực thì vào những trường chỉ xét tuyển, còn ai không ngại thử thách, muốn được vào các trường top trên thì tham gia thi tuyển.

Nhiều người cho rằng trường ĐH ở nước ngoài không tổ chức thi tuyển, chỉ xét tuyển. Thông tin này không đúng. Ví dụ ở Pháp, hệ thống giáo dục ĐH của nước này chia làm 2 loại hình, gồm các trường ĐH tổng hợp (les universites) và ĐH nghề (les grandes ecoles). ĐH tổng hợp là loại hình đào tạo không thi đầu vào, chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học phổ thông nhưng trong quá trình đào tạo có sự sàng lọc sinh viên rất nghiêm khắc; còn ĐH nghề là hệ thống các trường như ĐH Y, ĐH Bách khoa, ĐH Sư phạm… thường tổ chức thi tuyển rất khó.

Cần giao quyền chủ động cho địa phương

PV: Vậy theo GS, “giao chủ động cho địa phương” thì phải làm thế nào? Liệu giao chủ động nhiều hơn thì tiêu cực có nhiều hơn không?

GS Nguyễn Minh Thuyết:  Khi giao cho Sở GD-ĐT tổ chức, kỳ thi tốt nghiệp sẽ đỡ cồng kềnh. Tôi tin là khi chịu hoàn toàn trách nhiệm, cơ sở sẽ nỗ lực hơn là khi có Bộ đứng ra “chịu trận”. Mấu chốt ở đây là phải nâng cao kỷ luật. Bộ GD-ĐT đã “lùi” ra ngoài, không đứng ra tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nữa thì cần kiểm tra, thanh tra thường xuyên hơn. Chỉ cần xử lý 1-2 trường hợp thật nghiêm để mang tính răn đe, thì tức khắc các địa phương sẽ lấy đó làm gương, và tiêu cực có thể hạn chế.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đang quá tải về số môn và khối lượng kiến thức.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, chương trình THPT đang bị quá tải về số môn và khối lượng kiến thức, định hướng nghề nghiệp cho học sinh mờ nhạt khiến cho chương trình không sát với nhu cầu thiết thực của học sinh, chuyện học đối phó và thi đối phó không thể giải quyết ngay được. Theo GS, việc đổi mới thi cử có thể làm ngay không hay phải chờ đổi mới mang tính tổng thể về giáo dục?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Có những việc có thể làm ngay được. Ví dụ việc giao kỳ thi cho địa phương tổ chức. Với chương trình hiện nay, có thể kỳ thi sẽ có ba môn chính là ba môn công cụ Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; các môn thi còn lại học sinh sẽ được lựa chọn trong số những môn học quy định. Như thế học sinh không phải thắc thỏm chờ ngày 31/3 hằng năm Bộ công bố môn thi mà có thể xác định môn thi ngay từ trước.  Khi chương trình được điều chỉnh theo hướng  dạy học tự chọn, có định hướng nghề nghiệp rõ hơn thì có thể  môn thi tốt nghiệp sẽ bao gồm các môn bắt buộc và môn tự chọn của học sinh. Dĩ nhiên kết quả tốt nghiệp vẫn phải xét trên kết quả thi và kết quả kiểm tra trong quá trình học. Khi kỳ thi đã giao cho địa phương thì mỗi địa phương có thể có phương án thi khác nhau, với cách chọn môn thi khác nhau.

PV: Có ý kiến cho rằng, giáo dục phổ thông hiện nay chỉ nên kéo dài 11 năm, sau đó phân luồng học sinh theo 2 hướng: ĐH chuyên nghiệp và học nghề để đảm bảo chất lượng thi cử và tránh tốn kém cho xã hội. GS đánh giá như thế nào về ý kiến này?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Đây là ý kiến rất hay và chính tôi cũng có ý kiến như thế. Nền giáo dục cơ bản chỉ cần đến lớp 9 là đủ. Học xong lớp 9, học sinh đã có đủ kiến thức để đi học nghề hoặc vào đời, sống như một công dân bình thường. 9 năm ấy là giáo dục cơ bản, phổ cập.

Sau giáo dục phổ cập là “tiền giáo dục chuyên nghiệp”, giai đoạn này chỉ cần 2 năm. Lúc này, tùy sở nguyện, sở trường mà học sinh tự chọn môn học phục vụ chuyên ngành tương lai của mình.

Xin cảm ơn ông!

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.