Bộ Tài chính: Kiên trì thực hiện nguyên tắc giá thị trường

08:43 | 25/12/2011

547 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách 2012 ngày 24/12/2011, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Năm 2012 dự báo tình hình trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn. Bởi thế, việc thắt chặt các chính sách nhằm kiềm chế lạm phát vẫn vô cùng cần thiết. Trong đó, nếu không quản lý giá tốt, tình hình giá cả tiềm ẩn nhiều dấu hiệu dễ dẫn đến bùng phát trở lại.

Bộ trưởng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính thì năm 2011, trước tác động của các yếu tố đến từ kinh tế thế giới và yếu tố từ nội tại nền kinh tế trong nước, giá cả hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước có xu hướng tăng. Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo liên quan, nên sau khi tăng liên tục trong 4 tháng đầu năm, đạt mức cao nhất vào tháng 4 (3,32%), đến tháng 5 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm mạnh tốc độ tăng chỉ còn 2,21% (bằng khoảng 67% mức tăng của tháng 4), đến tháng 6 tiếp tục giảm tốc độ tăng xuống còn 1,09% (bằng khoảng 49% mức tăng của tháng 5).

Đáng chú ý, trong 4 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11, CPI chỉ tăng ở mức dưới 1%; trong đó, tháng 10/2011 tăng 0,36%, là mức tăng thấp nhất trong 11 tháng đầu năm 2011, tháng 11 tăng 0,39%, tháng 12 tăng 0,53% vẫn thấp hơn nhiều so các tháng đầu năm và thấp hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2005-2010 (trừ năm 2008). Tính chung cả năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng tăng 18,12%, cơ bản đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra.

Đặc biệt, với việc sử dụng linh hoạt công cụ thuế và quỹ bình ổn giá, giá xăng dầu trong nước được điều hành 2 lần tăng ở mức có kiềm chế, 2 lần giảm; còn lại là giữ bình ổn giá đã góp phần giữ Chỉ số giá nhóm giao thông không tiếp tục tăng cao: tháng 3 và tháng 4 chỉ số giá nhóm giao thông tăng 6,69% và 6,04% so với tháng trước tương ứng; nhưng sang tháng 5, tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2011 nhóm này đã giảm mạnh tốc độ tăng (chỉ tăng 2,67%; 0,39%, 0,26% và 0,21% tương ứng); từ tháng 9 đến nay, chỉ số giá nhóm giao thông đã liên tục giảm: tháng 9 giảm 0,24%, tháng 10 giảm 0,13%, tháng 11 tiếp tục giảm 0,01%; qua đó đã góp phần quan trọng bình ổn mặt bằng giá thị trường năm 2011.

Điều hành giá xăng, dầu, điện và than là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong năm 2012.

Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo điều hành và triển khai của các Bộ ngành, trong đó có Bộ Tài chính theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 đã đi đúng hướng và đã mang lại hiệu quả bước đầu tích cực. Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 và coi nhiệm vụ kiềm chế lạm phát là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Do vậy, Bộ trưởng Huệ khẳng định cần kiên trì thực hiện nguyên tắc giá thị trường nhất là với một số lĩnh vực như điện, than, xăng dầu và dịch vụ công. Cụ thể:

Trong năm tới, việc điều chỉnh tăng giá điện sẽ ở mức kiềm chế theo hướng tạm thời phân bổ một phần các chi phí còn treo lại chưa tính đủ vào cơ cấu giá điện. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ với hộ nghèo, hộ trung bình sẽ được tính đến khi điều chỉnh.

Ngoài ra, phía cơ quan chức năng cũng sẽ đòi hỏi EVN tiết giảm chi phí, thoái vốn khỏi ngành bên ngoài để tập trung phát triển ngành điện mà trước mắt là lưới điện để đồng bộ các khâu thông suốt, đảm bảo giá cả và nhu cầu người dân.

Điều chỉnh tăng giá than cho sản xuất điện cùng với thời điểm điều chỉnh giá điện bằng khoảng 72% – 80% giá thành tiêu thụ than năm 2010 và chưa thực hiện ngay theo nguyên tắc giá bán than cho các đối tượng tiêu thụ than tối đa bằng khoảng 90% giá than xuất khẩu cùng loại.

Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên do giá xăng dầu hiện nay chưa tính đủ các yếu tố cấu thành giá cơ sở (thuế nhập khẩu xăng, madut hiện ở mức: 0%, diedel, dầu hỏa ở mức 5% chưa đủ so với quy định của khung thuế hiện hành và vẫn đang phải sử dụng Quỹ BOG đối với các loại dầu); Vì vậy, trước mắt tạm thời chưa để các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tự quy định giá như quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; khi giá thế giới giảm, cần khôi phục lại giá cơ sở theo quy định và khi đó sẽ giao doanh nghiệp tự quy định giá trong biên độ cho phép theo Nghị định 84.

Và để thực hiện được những nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Huệ nhấn mạnh: Cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phân tích, dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để áp dụng các biện pháp điều tiết cung-cầu và bình ổn thị trường.

Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cũng cho rằng, cần tiếp tục xoá bỏ sự bảo hộ, bao cấp, bù chéo bất hợp lý về giá, chống độc quyền về giá. Và để làm được điều này, theo Thứ trưởng, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá nhằm kiểm soát chặt chẽ, chống cạnh tranh không lành mạnh và chuyển giá nội bộ.

Thanh Ngọc