Bộ Tài chính: Giá xăng giảm ít nhất 301 đồng/lít vào chiều nay

16:25 | 26/04/2013

561 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Đây là thông tin được Bộ Tài chính cho biết chiều ngày 26/4.

Xăng dầu lần thứ 3 giảm từ đầu năm.

Theo đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Giá xăng dầu thế giới tiếp tục biến động theo xu hướng giảm. Giá xăng dầu thế giới bình quân 30 ngày tính đến ngày 26/4/2013 như sau: giá xăng RON 92: 111,29 USD/thùng; dầu điêzen 0,05S: 117,12 USD/thùng; dầu hỏa: 116,55 USD/thùng, dầu madut 180 cst: 616,60 USD.

Nhằm tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP, đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, trên cơ sở giá xăng dầu thành phẩm thế giới tiếp tục có xu hướng giảm. Nhà nước khôi phục một bước thuế suất thuế nhập khẩu xăng, dầu thêm 2%: xăng (16%); dầu điêzen (12%); dầu hỏa (14%); dầu madut (14%)

Đồng thời, sau khi xem xét, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước điều chỉnh giảm giá bán lẻ tối thiểu các mặt hàng xăng, dầu, cụ thể: xăng giảm tối thiểu 301 đồng/lít; dầu điêzen tối thiểu 90 đồng/lít; dầu hỏa tối thiểu 81 đồng/lít. Riêng mặt hàng dầu ma dút, do mức chênh lệch giữa giá bán hiện hành và giá cơ sở không lớn nên yêu cầu giữ ổn định.

Thời điểm điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu trong nước do doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tự quyết định vào thời điểm thích hợp nhưng không được muộn hơn 16 giờ 30 ngày  26 tháng 4 năm 2013.

Trước đó, chia sẻ với báo chí xung quanh câu chuyện tăng nhanh giảm chậm của mặt hàng xăng dầu, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng: Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải xác định nhiều hơn nữa trách nhiệm xã hội của mình, để thực hiện cải tổ quản lý sao cho giảm chi phí, giảm thiểu nhân tố ảnh hưởng đến giá xăng dầu.

Ông cho rằng: Có hai yếu tố liên quan đến giá xăng dầu cần minh bạch. Thứ nhất, doanh nghiệp mua vào theo giá thế giới là giá nào và giá đó là giá đấu thầu hay chưa? Thứ hai, doanh nghiệp xăng dầu đưa ra chi phí ở mức 600 đồng/lít mới đủ, vậy người dân cần các doanh nghiệp nêu rõ cụ thể từng chi phí và có kiểm toán vào cuộc.

Từ đó, vị chuyên gia này phân tích: Có hai bất cập trong cơ chế điều hành xăng dầu hiện nay mà doanh nghiệp muốn thay đổi cũng không được. Một là, Nhà nước đang "dồn ép" doanh nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ cả kinh doanh thương mại và dự trữ an ninh năng lượng quốc gia. Cơ chế tính giá 30 ngày sẽ là một vòng "kim cô" của doanh nghiệp và cũng có thể là cơ hội để doanh nghiệp nhập nhèm giữa lúc lỗ và lúc lãi. Thứ hai, nghị định 84 chỉ quy định doanh nghiệp được đề xuất tăng giá mà không tạo ra chế tài để buộc doanh nghiệp phải hạ giá.

Thanh Ngọc