Bộ Tài chính đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

21:34 | 07/01/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phát sinh nhiều yêu cầu về điều chỉnh chính sách tài khóa, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã chủ động nắm bắt diễn biến của tình hình để đẩy mạnh công tác xây dựng chính sách, pháp luật nhằm sớm đưa các giải pháp tài chính vào thực tiễn cuộc sống.

Là một Bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Tài chính luôn có số lượng văn bản trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền hàng năm rất lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, có tính phức tạp cao và có tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong năm 2021, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu trình Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 4 Nghị quyết và lấy ý kiến dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 4 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 29 Nghị định và đang xem xét thông qua 11 dự thảo Nghị định; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 Quyết định; Bộ Tài chính cũng ban hành theo thẩm quyền 122 Thông tư. Trong đó có nhiều văn bản về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid 19.

Bộ Tài chính đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh
Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài chính – NSNN được đánh giá cao tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính – NSNN năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2022 diễn ra ngày 06/1. Ảnh: Hữu Thọ, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Miễn, giảm nhiều loại thuế, phí, lệ phí

Trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã tham mưu kịp thời, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa để phòng, chống dịch, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19.

Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ gia đình và người dân, trong đó trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành và tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ như: tiếp tục giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong cả năm 2021(Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ); tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất từ quý I/2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 (Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ); tiếp tục miễn giảm trên 30 loại phí, lệ phí trong năm 2021 .

Trước tác động nghiêm trọng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề tới doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Trong đó quy định 04 giải pháp về miễn, giảm thuế gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác trong các quý III và IV/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; giảm thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ trong nhiều ngành nghề; miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ năm 2020.

Dự kiến thực hiện các giải pháp nêu trên sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn năm 2021 khoảng 144 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền gia hạn khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng; số tiền miễn, giảm khoảng 24,6 nghìn tỷ đồng.

Những nỗ lực không ngừng để hoàn thiện về cơ chế, chính sách tài chính góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đã được người dân và doanh nghiệp đánh giá cao.

Tạo thuận lợi hải quan

Trong tổ chức thực hiện các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2021, cơ quan Thuế, Hải quan đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng làm tốt công tác quản lý thu NSNN trên địa bàn, nhất là các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh. Đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ đọng thuế. Đồng thời, tập trung triển khai các giải pháp chính sách thu NSNN tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, với phương châm đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi.

Trong năm 2021, đã thực hiện miễn, giảm, giãn ước khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, gồm: 96,9 nghìn tỷ đồng gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo các Nghị định số 52/2021/NĐ-CP và số 104/2021/NĐ-CP của Chính phủ; 22,5 nghìn tỷ đồng miễn, giảm thuế, phí, lệ phí. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành trong năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 38 nghìn tỷ đồng, thì tổng số đã thực hiện miễn, giảm, giãn trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, như: chấp nhận cho phép doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa; tạm thời không kiểm tra việc bảo quản hàng hóa tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa; hỗ trợ thủ tục xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc; thông quan nhanh đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin và sinh phẩm y tế phục vụ phòng, chống dịch; kiến nghị sửa đổi về thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế và hàng hóa nhập khẩu tại kho ngoại quan trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19... nhờ đó, góp phần làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước khoảng 668,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD.

Đề xuất nhiều chế độ, chính sách chi cho phòng, chống dịch covid-19

Bên cạnh các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính còn quản lý, điều hành thu, chi NSNN chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; chủ động xây dựng và triển khai các phương án điều hành đảm bảo cân đối NSNN các cấp, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua vắc-xin tiêm phòng Covid-19 cho nhân dân theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 và hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, như: trình Chính phủ quy định trong Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021, trong đó yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng NSTW và NSĐP, tập trung kinh phí chi phòng, chống dịch Covid-19; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 482/QĐ-TTg ngày 29/3/2021 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP trong phòng, chống dịch Covid-19; trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; đồng thời, đã ban hành các văn bản hướng dẫn các bộ, địa phương về nguồn kinh phí và cơ chế mua sắm trong điều kiện dịch Covid-19.

Tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc-xin tiêm phòng Covid-19 cho người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ: bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2021; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi NSTW năm 2020; trình Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí phòng chống dịch của Bộ Y tế năm 2020 chưa sử dụng sang năm 2021 để mua vắc-xin. Bên cạnh đó, đến ngày 31/12/2021, Quỹ vắc-xin đã huy động được 8.803 tỷ đồng tài trợ, đóng góp của 582.511 lượt tổ chức, cá nhân.

Thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 393/NQ-UBTVQH15 ngày 30/9/2021 về bổ sung 14.620 tỷ đồng dự phòng NSTW từ nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi của NSTW năm 2021 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và 2022.

Xây dựng các chiến lược ngành

Ngoài ra, để có kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới, năm 2021, Bộ Tài chính đã xây dựng chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 và các chiến lược ngành bao gồm các lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc, Nợ công, Dự trữ, Chứng khoán, Bảo hiểm, Kế toán-kiểm toán. CLTC giai đoạn 2021-2030 và các chiến lược ngành đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm 2021-2025, hướng tới xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

Hiện nay, Chiến lược tài chính giai đoạn 2021-2030 và các chiến lược ngành đã được trình Thủ tướng Chính phủ và thực hiện chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đang rà soát, hoàn thiện Chiến lược tài chính và các chiến lược ngành để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn

Tuệ Anh

mof.gov.vn

vietinbank
ajinomoto