Bổ sung chính sách ưu đãi tạo lợi thế cạnh tranh cho hoạt động dầu khí

07:48 | 04/06/2022

5,813 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, việc bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực dầu khí của Việt Nam so với các nước khác.

Sẽ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí

Chiều 3/6, trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bổ sung chính sách ưu đãi tạo lợi thế cạnh tranh cho hoạt động dầu khí
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại phiên họp tổ Quốc hội chiều ngày 3/6

Báo cáo làm rõ thêm một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế để các đại biểu thảo luận, cho ý kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Về tên gọi của dự án Luật, để bảo đảm tính kế thừa, ổn định, liên tục của pháp luật về dầu khí, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động dầu khí, hợp đồng dầu khí đã ký kết (không gây hiểu nhầm đối với các nhà thầu hiện hữu), cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị được giữ nguyên tên gọi là “Luật Dầu khí” như pháp luật hiện hành, tương tự như nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang sử dụng tên gọi Luật Dầu khí để điều chỉnh các hoạt động thượng nguồn (điều tra cơ bản về dầu khí, tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí).

Tên gọi như vậy là phù hợp với thông lệ và không làm khó cho quá trình triển khai thực hiện những dự án hiện có- Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí (hoạt động thượng nguồn), không điều chỉnh hoạt động trung và hạ nguồn. Lý do của hoạt động này là vì: Tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành, xét thấy cần phải có sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

“Trong quá trình điều tra cơ bản, tìm kiếm thăm dò và khai thác cũng giống như “tìm kim ở đáy bể”, bỏ tiền và công sức để tìm kiếm thăm dò ngoài biển, chưa ai biết có hay không, nhưng nếu không có những quy định đặc thù của hoạt động này thì không ai dám bỏ tiền của ra để làm- Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn bằng chứng, mấy năm trước đây, PVN cũng có hoạt động đầu tư ở nước ngoài, bỏ chi phí một khoản rất lớn nhưng cuối cùng không dễ gì lấy được các dữ liệu… Điều này cho thấy, quy định về tính đặc thù của hoạt động thượng nguồn, trong Luật Dầu khí hiện hành có nhưng quy định không đủ rõ, không bảo đảm hệ số an toàn cho hoạt động thượng nguồn.

Các hoạt động trung và hạ nguồn gồm: Vận chuyển, xử lý, chế biến dầu khí hiện nay đang điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai… Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án trung và hạ nguồn cơ bản không gặp vướng mắc, do vậy không cần thiết phải đưa các hoạt động trung và hạ nguồn vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Đối với trường hợp triển khai dự án dầu khí theo chuỗi đồng bộ bao gồm phát triển khai thác, vận chuyển, xử lý dầu khí là những trường hợp rất đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích các nhà thầu bỏ vốn đầu tư lớn để thực hiện các dự án đầu tư thành phần liên quan mật thiết với nhau theo chuỗi (như Chuỗi dự án khí Cá Voi Xanh tại Lô 117-118-119), bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong trường hợp này, trình tự, thủ tục thực hiện dự án dầu khí được thực hiện theo quy định của Luật Dầu khí.

Về nguyên tắc, Luật Dầu khí (sửa đổi) không thể thay thế toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí. Theo đó, dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) được thiết kế theo hướng chỉ quy định các nội dung đặc thù, chuyên ngành đối với điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí; các nội dung khác (không có tính đặc thù) thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan- Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay.

Điều tra cơ bản về dầu khí là hoạt động rất quan trọng do Nhà nước thống nhất quản lý, làm căn cứ khoa học cho việc định hướng hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí. Trước đây, PVN được hình thành và sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí, do đó việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của nhà nước (bao gồm ngân sách nhà nước, nguồn lợi sau thuế theo dõi tại PVN) và nguồn vốn của các tổ chức cá nhân là cần thiết, đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Điều tra cơ bản về dầu khí được thực hiện theo cơ chế “giao nhiệm vụ” (tương tự cơ chế giao nhiệm vụ đề tài nghiên cứu khoa học) trên cơ sở danh mục đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, theo đó sẽ nghiên cứu, bổ sung những nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí (việc lập danh mục dự án; trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt đề án, báo cáo kết quả…).

Bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam đang đứng trước một thực tế là số lượng hợp đồng dầu khí mới được ký kết gần đây giảm mạnh (giai đoạn 2009-2014 khoảng 35 hợp đồng được ký, nhưng từ giai đoạn 2015-2019 mỗi năm chỉ có 01 hợp đồng được ký; năm 2020 và 2021 không có hợp đồng nào được ký).

Nguyên nhân khách quan là các phát hiện mới ở Việt Nam trong thời gian qua phần lớn có trữ lượng nhỏ, các diện tích mở còn lại đều được đánh giá có tiềm năng ở mức hạn chế, chủ yếu là khí, tập trung ở khu vực thuộc đối tượng của chính sách khuyến khích đầu tư theo quy định của Luật Dầu khí.

Các mỏ đang khai thác ở trong giai đoạn cuối đời mỏ, sản lượng khai thác giảm dần, một số mỏ doanh thu không bù đắp được chi phí và các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. "Bởi vậy, việc bổ sung các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho lĩnh vực hoạt động dầu khí của Việt Nam so với các nước khác trong khu vực là hết sức cần thiết" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Bổ sung chính sách ưu đãi tạo lợi thế cạnh tranh cho hoạt động dầu khí
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Dự thảo Luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt, chưa được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành

Dự thảo Luật đã quy định bổ sung đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt (chưa được quy định tại Luật Dầu khí hiện hành). Cụ thể, được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25% (so với mức 32% theo quy định hiện hành); thu hồi chi phí tối đa 80% (so với mức 70% theo quy định hiện hành) trên cơ sở tham khảo chính sách của một số nước trong khu vực có hoạt động dầu khí tương đồng với Việt Nam.

Trong khi đó, mức thuế suất ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp của Thái Lan là 20%, Malaysia 25%, Trung Quốc 25%, Myanmar 30%; mức thu hồi chi phí (tối đa) của Malaysia là 75%, Indonesia 90%). "Việc ưu đãi này sẽ mở ra cơ hội tăng thu cho ngân sách nhà nước khi mở rộng đối tượng ký mới hợp đồng và khai thác" - người đứng đầu ngành Công Thương nói.

Cần làm rõ địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)

Góp ý về Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo - đoàn Bắc Ninh nhìn nhận, Luật Dầu khí phải bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, bảo đảm những yếu tố đặc thù trong lĩnh vực dầu khi cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước trong lĩnh vực dầu khí, khai thác hiệu quả nguồn dầu thô còn lại và đẩy mạnh khai thác nguồn khí dồi dào đã và sẽ phát hiện.

“Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để tìm kiếm các dạng dầu khí mới ở Việt Nam. Về mặt quản lý Nhà nước, cần đổi mới cách tiếp cận, đổi mới cách thức quản lý theo hướng phân cấp hợp lý, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, nhất là đối với vị trí, vai trò của PVN khi là nhà đầu tư và khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ” - đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo nêu.

Đại biểu góp ý, Dự thảo Luật quy định 02 loại chính sách ưu đãi nâng cao tính cạnh tranh tăng cường thu hút đầu tư, tận thu tài nguyên tại các mỏ cận biên, mỏ dầu khí năm ở vùng nước sâu, xa bờ, khu vực có điều kiện địa lý đặc biệt khó khăn, địa chất phức tạp. “Đề nghị rà soát các tiêu chí đối tượng ưu đãi bảo đảm chặt chẽ, cụ thể, bổ sung các tiêu chí định lượng”- vị đại biểu này lưu ý.

Theo đại biểu Leo Thị Lịch - đoàn Bắc Giang cho rằng, cần làm rõ địa vị pháp lý của PVN trong ký kết hợp đồng với các nhà thầu. Do đó cần xác định rõ căn cứ pháp lý để không bị ảnh hưởng đến nền kinh tế, nhất là khi giá dầu giảm, tránh phải bù lỗ trong các hợp đồng kinh tế lớn, cũng như việc lựa chọn các nhà thầu.

Đại biểu Trần Văn Lâm - đoàn Bắc Giang cũng nêu, hợp đồng dầu khí là đặc thù, khác với hợp đồng kinh tế khác. Nó còn là trách nhiệm vì PVN đại diện cho quốc gia, có tính đặc thù vừa là doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng là quản lý nhà nước, thay mặt nhà nước ký các hợp đồng kinh tế.

Theo ông Lâm, Thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu khí không phải hàng năm như các doanh nghiệp khác mà là từng hợp đồng dầu khí, thu thuế trên từng hợp đồng do đó trách nhiệm pháp lý rất cao. Vì vậy cần hoàn thiện chặt chẽ, chi tiết.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang- đoàn Đắc Nông cũng đề nghị, rà soát các luật về thuế, cái nào cần ưu đãi thì đề xuất tại luật thuế chứ không quy định trong luật này. Vì giảm thuế chỗ này thì bù chỗ khác. Do đó các vấn đề về thuế trong luật này nên đưa vào các luật về thuế.

Về quản lý nhà nước về dầu khí, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin thêm, nội dung chương này đã quy định đầy đủ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước về dầu khí.

Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, theo đó: Rà soát quy định về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến hợp đồng dầu khí theo hướng phân cấp cho PVN chịu trách nhiệm về nội dung cụ thể của hợp đồng và ký kết hợp đồng dầu khí khi thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của Chính phủ gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, khả thi.

Đồng thời, rà soát quy định đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong giám sát, kiểm tra việc sử dụng vốn nhà nước tại PVN, doanh nghiệp 100% vốn của PVN.

Theo Báo Công thương

Cần đẩy mạnh điều tra cơ bản trong khai thác dầu khíCần đẩy mạnh điều tra cơ bản trong khai thác dầu khí
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khíKỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV: Cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí
Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Luật Dầu khí (sửa đổi) góp phần đảm bảo tự chủ về năng lượngĐại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc: Luật Dầu khí (sửa đổi) góp phần đảm bảo tự chủ về năng lượng
Để thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khíĐể thực sự đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí
Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân quyền cho Petrovietnam gắn với cơ chế kiểm tra, giám sátDự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Phân quyền cho Petrovietnam gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát
Cần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địaCần phải có chính sách bảo hộ dịch vụ dầu khí nội địa

DMCA.com Protection Status