Bộ Giáo dục lý giải về Đề Ngữ văn không có “chất”

09:26 | 05/06/2014

999 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong buổi họp báo về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014, lãnh đạo Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều lý giải về đề thi Ngữ văn.

PV: Thưa Thứ trưởng dư luận dù phản ứng rất tích cực về đề thi môn Ngữ văn nhưng vẫn cho rằng “chất” văn trong đề thi không nhiều. Những năm trước thường là phân tích tác phẩm, đoạn văn, cả năm họ dạy nhưng cuối năm lại không ra đề như thế. Phải chăng đây là một xu hướng của Bộ trong cách thi, cách dạy? Quan điểm của Bộ như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Việc chọn một đoạn văn để đánh giá năng lực đọc hiểu có nhiều cách khác nhau, không nhất thiết phải chọn một đề, một đoạn hay nhất. Thậm chí người ra đề viết sai để học sinh sửa, bởi vì năng lực đọc hiểu đánh giá như vậy chứ không phải là để phân tích một đoạn văn hay lí giải bình luận. Chúng tôi nghĩ chọn đoạn văn thật chuẩn là không nhất thiết vì nó phụ thuộc vào mục đích ra đề.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Ngữ điệu để dạy và ngữ điệu thi là phương tiện để đánh giá năng lực còn bản thân nó mình không yêu cầu phải thuộc một ngữ điệu cụ thể. Còn năng lực đọc hiểu thông qua ngữ điệu đánh giá năng lực. Việc chọn ngữ điệu dạy hay thi là rất khó không thể bắt buộc được.

PV: Những thay đổi của môn Ngữ văn năm nay gây rất nhiều khó khăn cho học sinh, sát kì thi rồi học sinh vẫn phải ôn luyện rất nhiều. Cấu trúc đề cũng không được nói cụ thể, nhiều học sinh cho biết rất bất ngờ với câu hỏi 7 điểm?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bất ngờ là tốt. Làm như vậy yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, rèn luyện như vậy là tốt. Nếu bất ngờ để năm sau làm tốt hơn theo hướng này là cái tốt. Ta có thể tránh được học vẹt, dựa vào bài mẫu.

PV: Liên quan đến câu hỏi 7 điểm, nhiều học sinh cho rằng câu hỏi này hơi vượt sức so với trung học phổ thông. Lãnh đạo Bộ đã xem xét kĩ khi lựa chọn câu hỏi hay chưa? Theo như mọi năm, cấu trúc đề sẽ có câu hỏi 2, 3, 5 điểm, nhưng năm nay chỉ có hai câu và không có câu hỏi tự chọn, nâng cao. Trong năm tới Bộ có tiếp tục duy trì cấu trúc như thế này không?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đang muốn mở, giờ lại muốn đóng? Sẽ không có chuyện công bố trước điểm câu. Nhưng sẽ đảm bảo yêu cầu về năng lực, kiến thức kĩ năng không vượt quá chương trình. Sẽ có người cho rằng khó, hoặc dễ nhưng đấy là chuyện bình thường.

PV: Thưa Thứ trưởng, có những ý kiến của giáo viên, học sinh cho rằng trong đề thi môn Ngữ văn, phần “làm văn” là phần khó nhất. Giáo viên cho rằng vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một vở kịch có tính ẩn dụ rất cao, không dễ bóc tách, để làm đề này thí sinh không chỉ hiểu đoạn trích mà cần hiểu trọn vẹn trong khi phần này chiếm đến 7 điểm toàn bộ đề thi. Vậy thì đây có phải là một hình thức gián tiếp đánh đố thí sinh hay không? Và điều này có mâu thuẫn gì với chủ trương “không quá khó, không đánh đố thí sinh”?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề mở đáp án phải mở, đề mở mà đáp án đóng thì không có tác dụng gì nữa. Quan trọng là hướng dẫn chấm trong một cái đề mở có nghĩa là học sinh có thể làm theo các đáp án khác nhau nhưng thể hiện được rằng học sinh có ý tưởng, có cách trình bày ý tưởng, thể hiện được tư duy của học sinh có thể đáp ứng được yêu cầu, không trái thuần phong mỹ tục.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đề Ngữ văn năm nay có một phần khó. Ngay từ đầu Bộ đã khẳng định thi tốt nghiệp không có yêu cầu quá cao với học sinh mà yêu cầu kiến thức cơ bản, nền tảng. Nhưng vẫn có những em giỏi, những em trung bình và chính phần khó đó để chúng ta phân biệt những em có năng lực cao, chất lượng học tập tốt. Trong chỉ đạo chung của Bộ thì có những câu hỏi đòi hỏi vận dụng kiến thức, tư duy cao sẽ được nâng dần lên trong quá trình dạy học, có như thế chúng ta mới nói đến chuyện nâng cao chất lượng dạy và học. Những câu hỏi không có tác dụng phân hóa, nâng cao chất lượng dạy và học thì không phải là một câu hỏi tốt.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải điều chỉnh barem điểm để đỡ thiệt thòi cho thí sinh trong phần làm văn. Vậy Bộ có nhận định thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Sẽ không có điều chỉnh barem điểm. Điểm đã công bố ở phần nào thì vẫn giữ nguyên. Chỉ có điều làm thế nào phản ánh tốt nhất theo yêu cầu đổi mới của chúng ta.

PV: Tuy đề Văn được đánh giá là hay, nhưng nhiều ý kiến lo ngại vẫn khó khăn đối với các học sinh vùng miền núi, vùng xâu vùng xa vì điều kiện cập nhật thông tin thời sự bị hạn chế?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Đề và đáp đều chung cả nước, với thí sinh vùng khó khăn thì Bộ đã có chính sách cộng điểm ưu tiên.

PV: Theo Thứ trưởng nói, các địa phương chưa có nhu cầu để sử dụng đáp án trong thời điểm này. Nhưng các năm trước, ngay sau kì thi đáp án đã được công khai rộng rãi trên các phương thông tin đại chúng, nhưng năm nay Bộ để chậm lại. Xin được hỏi Bộ là chậm lại đến thời điểm nào? Việc chậm công bố này có phải do Bộ cần hoàn thiện đáp án hiện nay?

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Bộ đã có cân nhắc để xem xét thêm, chúng tôi cũng không khẳng định là đã hoàn thiện hay chưa hoàn thiện để có thời gian đủ cho các chuyên gia xem xét để có hướng dẫn chấm tốt nhất đến các địa phương và đảm bảo kịp thời để các hội đồng chấm làm việc.

Khánh An (ghi)