Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

“Bộ GD&ĐT cần có phương án giải quyết việc làm cho sinh viên sư phạm”

13:39 | 18/08/2017

1,121 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 17/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nhằm đưa ra các giải pháp cho ngành giáo dục.  

Trong buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Phó Thủ tướng về một số vấn đề nóng của ngành giáo dục. Sau khi nghe báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như giải pháp chung cho ngành giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, bên cạnh đổi mới thi cử, chương trình, sách giáo khoa thì yếu tố quyết định vẫn là chất lượng giáo viên. Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần tăng cường tập huấn, đào tạo thường xuyên cho các thày cô giáo.

Phó Thủ tướng nhận định: Hiện tại, bên cạnh giáo viên tốt thì một bộ phận khác vẫn còn yếu kém, không chịu cập nhật kiến thức mới, không đáp ứng được yêu cầu của đổi mới.

“Trước đây, đã rất nhiều lần Bộ trưởng Bộ GD&ĐT băn khoăn khi nhiều giáo viên vào nghề lâu năm nhưng không chịu phấn đấu, hoặc không còn động lực để phấn đấu vì nghĩ rằng đã vào biên chế thì không có ra. Bây giờ, phải thay đổi, không để tồn tại khái niệm biên chế vĩnh viễn, biên chế suốt đời", Phó Thủ tướng khẳng định.

bo gddt can co phuong an giai quyet viec lam cho sinh vien su pham
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong buổi làm việc với Bộ GD&ĐT

Ngoài ra, cần xem xét vấn đề trong ngành sư phạm. Đơn cử, giáo viên phân bổ có tính địa phương nên hầu hết giáo viên học ở tỉnh nào thì sẽ dạy ở tỉnh đó. Thành thử, nếu chất lượng giáo viên kém sẽ ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng giáo dục của tỉnh đó.

Về vấn đề sinh viên “quay lưng” với ngành sư phạm dẫn đến tình trạng nhiều trường lấy điểm thấp vẫn không tuyển được thí sinh như vừa qua, Phó Thủ tướng nhận định: Nguyên nhân sâu xa chính ở việc sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng sư phạm ra trường khó xin việc.

Trong khi đó, Bộ GD&ĐT lại chưa đánh giá được chính xác nhân lực trong ngành nên xảy ra hiện tượng thừa thiếu cục bộ. "Thừa giáo viên cấp này, thiếu giáo viên cấp kia, thừa giáo viên môn này, thiếu giáo viên môn kia. Chúng ta phải đánh giá rất sát điều này. Không thể bắt giáo viên Văn sang dạy Toán, không thể cứ đưa giáo viên cấp cao dạy cấp dưới ngay được", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ những nhận định đó, Phó Thủ tướng gợi ý Bộ GD&ĐT cần khảo sát số lượng giáo viên có thể chuyển đổi được để sử dụng tốt. Qua đó, Bộ cần đánh giá và kết hợp với xu thế tiến tới xem xét chuẩn hóa, nâng dần trình độ lên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc nhở Bộ GD&ĐT về việc tìm giải pháp giải quyết vấn đề việc làm cho một bộ phận không nhỏ sinh viên đã tốt nghiệp ngành sư phạm nhưng chưa có việc làm.

"Chúng ta cứ nói tới đặt hàng nhưng mấy năm nay chưa có hợp đồng đặt hàng nào. Đề nghị Bộ GD&ĐT làm việc với một số trường tốt để đặt hàng ngành sư phạm, trong năm nay nhất quyết phải làm. Đồng thời cũng phải tính tới việc nghiên cứu chương trình, quy định có tính đặc cách với một số ngành đang cần lao động như ngành du lịch, công nghệ thông tin. Những sinh viên tốt nghiệp sư phạm mà muốn chuyển qua hai ngành này thì cần đào tạo như thế nào?", Phó Thủ tướng gợi ý. Việc này sẽ giải quyết được "một công đôi việc". Đó là việc vừa đáp ứng được nhân lực của ngành du lịch, công nghệ thông tin, vừa giải quyết được câu chuyện thừa giáo viên. "Khi tôi làm việc với ngành du lịch, người ta có nói việc hướng dẫn viên chỉ cần biết ngoại ngữ, không cần quá giỏi là có thể làm được. Sư phạm lại có nhiều sinh viên nữ nên đi làm hướng dẫn viên cũng rất hợp", Phó Thủ tướng nói.

Tiếp thu những chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu chương trình học phù hợp để giải quyết vấn đề việc làm cho những cử nhân sư phạm đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Phông đào tạo của ngành sư phạm hết sức căn bản. Trong khi đó, nhu cầu thị trường rất cần nhân lực về ngành du lịch, công nghệ thông tin. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu để có chương trình phù hợp khi giáo sinh đã tốt nghiệp bằng sư phạm chỉ bổ túc một số tín chỉ là có thể đáp ứng được nhu cầu".

Trước đó, Bộ GD&ĐT cũng có buổi làm việc với lãnh đạo các trường sư phạm để tìm ra giải pháp cho ngành. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trong năm 2018 sẽ có điểm sàn riêng cho ngành sư phạm. Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành rà soát, siết chỉ tiêu đào tạo chứ không đào tạo ồ ạt như hiện nay.

Huyền Anh