Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân sụt giảm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu

15:29 | 21/05/2023

105 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - 4 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng từ sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, EU, Anh… Hoạt động thương mại, đầu tư quốc tế đã tăng trưởng chậm lại (chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu tháng 3 giảm còn 92,2 điểm) khiến tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, sản xuất công nghiệp qua 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo thường đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ tăng 8,5%). Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm ở 11 địa phương trên cả nước, trong đó có những địa phương là trọng điểm sản xuất của cả nước.

Bộ Công Thương lý giải nguyên nhân sụt giảm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu
Sản xuất công nghiệp sụt giảm do cầu thế giới giảm mạnh.

Sự sụt giảm sản xuất công nghiệp đồng thời kéo theo xuất khẩu trong 4 tháng ước đạt 107,16 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 17,1%). Nhập khẩu ước đạt 99,6 tỷ USD, giảm 17,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 16,27%). Trong đó giảm nhiều ở khai khoáng giảm 14,3%; nhóm CNCBCT giảm 13,9%; nhóm nông lâm sản giảm 6,8%.

Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm như: Mỹ giảm 21,6%, EU giảm 10,8%, Hàn Quốc giảm 69,6%, Trung Quốc giảm 13,1%...

Mặc dù chịu ảnh hưởng diễn biến bất lợi của tình hình thế giới, tốc độ tăng xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên trong 4 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế ước xuất siêu 7,55 tỷ USD, góp phần ổn định cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Thị trường trong nước vẫn có nhiều điểm sáng với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 4 tháng đầu năm tăng 12,8% so với cùng kỳ. Nhìn chung, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ… nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được bảo đảm, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.

Lý giải tình hình suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da - giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Bên cạnh việc giảm lượng thì so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Đặc biệt, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, không dễ dàng trong việc tiếp cận tín dụng…

Có thể thấy rằng, đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, việc suy giảm nhu cầu của thị trường thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trường của Việt Nam, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu - ngành sản xuất cốt lõi đối với GDP của nước ta.

Thành Công

Vì sao chỉ số PMI lại giảm?Vì sao chỉ số PMI lại giảm?
IPP tháng 4/2023 tăng 3,6%IPP tháng 4/2023 tăng 3,6%
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hiến kế cho Vĩnh Phúc lấy lại đà tăng trưởngBộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên hiến kế cho Vĩnh Phúc lấy lại đà tăng trưởng
Xử lý những tồn đọng tại Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất với quyết tâm cao nhấtXử lý những tồn đọng tại Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất với quyết tâm cao nhất