Bộ 3 hạt nhân Nga phá hủy mục tiêu trong 'nháy mắt'

17:33 | 05/11/2015

3,539 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ ba hạt nhân của các lực lượng vũ trang Nga đã kết thúc thành công các cuộc diễn tập bắn đạn thật. Tất cả các mục tiêu đã định đều bị các tên lửa đạn đạo và hành trình tiêu diệt. Đó là thông tin vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra hôm 3/11.
bo ba hat nhan nga pha huy muc tieu trong gang tac

Tại một cuộc họp trực tuyến, Đại tướng Shoigu cho biết: “Nhìn chung, kết quả của đợt diễn tập huấn luyện này đã thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của các lực lượng hạt nhân chiến lược và các tổ hợp vũ khí chính xác tầm xa của Nga”.

Theo hãng tin RIA Novosti, cuộc diễn tập này được tiến hành hồi cuối tháng 10 vừa qua với sự tham gia của các lực lượng từ Quân khu phương Nam, các hạm đội phương Bắc và Thái Bình Dương, Hạm đội Caspian, Lực lượng Hạt nhân chiến lược và lực lượng không quân Viễn Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu cho biết thêm rằng: “Các đợt thực hành phóng tên lửa đạn đạo và hành trình này có sự tham gia của tất cả các bộ phận của bộ ba hạt nhân chiến lược Nga”.

Bộ ba hạt nhân của Lực lượng Hạt nhân Chiến lược của Nga bao gồm lực lượng máy bay ném bom hạng nặng tầm xa, lực lượng tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo liên lục địa và lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa mặt đất.

Trong một diễn biến khác, trong một thông cáo báo chí được phát đi hôm 3/11, Tập đoàn Chế tạo Linh kiện Thống nhất của Nga cho biết, năm 2017, tập đoàn này sẽ bắt tay vào việc chế tạo một hệ thống phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới.

“Tập đoàn Chế tạo Linh kiện Thống nhất sẽ phát triển một hệ thống phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới để đưa các vệ tinh thương mại lên vũ trụ. Các linh kiện của bệ phóng mới này đã trải qua quá trình thử nghiệm ban đầu. Công việc này sẽ dược hoàn tất vào năm 2017”, thông cáo trên cho hay.

Công việc trên được tiến hành theo một hợp đồng được tập đoàn trên ký kết với công ty vũ trụ quốc tế Kosmotras trong khuông khổ chương trình trao đổi giao lưu công nghệ Dnepr.

Quân khu miền Nam tiếp nhận hệ thống Iskander-M

Cùng với đó, cũng trong hôm qua, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, một đơn vị tên lửa thuộc Quân khu miền Nam của Nga đồn trụ tại vùng Buryatia thuộc nước Cộng hòa Đông Siberia vừa tiếp nhận một hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M.

Hệ thống này sẽ giúp bảo vệ các khu vực biên giới phía Nam của Nga.

Tên lửa Iskander được xem là một trong những vũ khí bảo bối của Nga nhằm đối phó với đối thủ phương Tây hùng mạnh do Mỹ dẫn đầu. Tên lửa Iskander được Nga sử dụng để cảnh báo Mỹ và NATO về kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa ở Châu Âu.

Iskander cũng là một trong những thứ vũ khí nằm trong lựa chọn hàng đầu của giới chức Nga khi họ tung ra những lời cảnh báo, đe dọa đối với phương Tây trong cuộc đối đầu hiện nay vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander được thiết kế để phá hủy các loại vũ khí, khí tài, trung tâm thông tin - chỉ huy, máy bay chiến đấu đỗ tại sân bay, các trận địa phòng không và phòng thủ tên lửa, cũng như các mục tiêu trọng yếu khác của đối phương ở mọi thời điểm và trong mọi điều kiện khí hậu thời tiết.

Chương trình phát triển tên lửa đạn đạo Iskander được khởi động từ những năm 1990. Đến năm 2004, các quan chức quốc phòng Nga mới lần đầu tiên tiết lộ về loại tên lửa này.

Do yêu cầu rất cao từ lúc thiết kế nên Iskander hội tụ những công nghệ đỉnh cao của Nga và cả thế giới trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hệ thống dẫn đường, động cơ tên lửa và các biện pháp trốn tránh kẻ thù.

Tên lửa Iskander có khả năng tự hành tàng hình. Kỹ thuật tàng hình áp dụng ở Iskander là kỹ thuật plasma. Nó tạo ra một lớp mây trung tính về điện bao quanh đạn khiến cho các sóng radar của đối phương bị mất khả năng phát hiện và đáp trả.

Loại tên lửa đạn đạo ưu việt nói trên có thể phóng với tốc độ siêu âm hơn 2km trên giây (Mach 6-7 - tức là 6 hoặc 7 lần so với tốc độ âm thanh) và tầm bắn lên tới gần 500km. Iskander có khả năng bắn trúng và phá hủy chính xác các mục tiêu có đầu đạn lên tới gần 700kg. Với những tính năng trên, tên lửa Iskander của Nga được ví là ác mộng đối với bất kỳ hệ thống lá chắn tên lửa nào.

Ngoài ra, tên lửa Iskander còn có điểm vượt trội ở tính linh hoạt cao, chỉ mất 20 phút để đưa hệ thống này vào vị trí sẵn sàng tác chiến.

Theo VnMedia