Bitcoin - “Phiên bản vàng 2.0” năm 2020

06:57 | 30/12/2020

97 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tăng tới 35 triệu lần so với cách đây 11 năm khi mới ra mắt, Bitcoin đã ghi những kỷ lục mới về mức độ tăng giá tài sản trong lịch sử tài chính thế giới.

Việc Bitcoin bất ngờ vượt đỉnh cao nhất thời đại của mình trước đó từ năm 2017 (đạt gần 20.000USD/BTC) khi vượt mốc 28.000USD/BTC khiến đồng tiền số này đang trở thành hiện tượng của lịch sử.

Dù có tín hiệu giảm nhưng giới đầu tư vẫn tin Bitcoin đang vào mùa tăng trưởng
Dù có tín hiệu giảm nhưng giới đầu tư vẫn tin Bitcoin đang vào mùa tăng trưởng

Tại phiên giao dịch 29/12/2020, dù Bitcoin đã bốc hơi 2.000USD/BTC, về giao dịch quanh ngưỡng hơn 26.400 USD/BTC, đây vẫn là đồng tiền mã hóa đang có sức ảnh hưởng lớn lao đến thị trường và nhà đầu tư tiền số toàn cầu.

Tính toán của ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tư vấn đầu tư cho thấy Bitcoin đã chiếm tới 70% vốn hóa thị trường tiền số và vượt xa tất cả mọi kỷ lục về tăng giá khác trong lịch sử tài chính thế giới. Còn tính riêng trong năm 2020, đồng tiền số này đã tăng tới 4 lần kể từ đầu năm và nếu tính từ mức thấp nhất thì Bitcoin đã tăng hơn 7 lần vượt cả cổ phiếu Tesla, cổ phiếu công nghệ thần kỳ trên phố Wall đã đưa tỷ phú Elon Musk lên hàng người giàu thứ 2 trên toàn cầu mặc dù công ty này thua lỗ 16/17 năm hoạt động.

Năm 2020 đã chứng kiến những biến động “điên rồ” của các kênh đầu tư tài sản quốc tế với sự tăng giá kỷ lục của cả chứng khoán lẫn vàng, thậm chí là cả sự sôi động điên cuồng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thu hút cả Bộ Tài chính Mỹ vào cuộc giải cứu doanh nghiệp lẫn nỗ lực đầu tư nắm cơ hội, từ chối bị bỏ lại trong đại dịch khó kinh doanh nhưng sinh lời khủng của các nhà đầu tư mới F0. Trong bối cảnh đó, sự tăng giá của Bitcoin ban đầu ít được chú ý cho đến những kỷ lục vừa xác lập, đánh đổ hết đỉnh cao đến đỉnh cao khác với chính bản thân Bitcoin, khiến đồng tiền số này thậm chí được ví như “vàng phiên bản 2.0”.

Vượt mọi đỉnh cao là đường đi của
Vượt mọi đỉnh cao là đường đi của "phiên bản vàng 2.0"

Đà tăng giá của Bitcoin, theo giới chuyên môn, trước hết đến từ sự khan hiếm của đồng tiền số này. “Bitcoin hiện được xem như vàng phiên bản 2.0 trong bối cảnh các quốc gia nới lỏng tiền tệ, tiền khắp nơi nhưng kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn và nợ nần chồng chất. Số liệu thống kê nhiều nguồn cho thấy nợ công toàn cầu vượt 80 ngàn tỷ USD. Tổng các loại nợ (nợ công, nợ doanh nghiệp, nợ hộ gia đình, nợ cá nhân…) cũng chạm 280 ngàn tỷ USD. Tiền nhiều, nợ cũng nhiều nhưng đa số các nguồn trên lại chạy vào tài sản tài chính như chứng khoán, bất động sản, vàng… để kiếm tiền nhanh và có thể online được thay vì phải bạc mặt ra đường kiếm tiền mà còn lo sợ bệnh dịch. Vì thế nên mới tạo ra mô hình chữ K năm nay (kinh tế đi xuống hoặc phục hồi chậm nhưng thị trường tài chính đi lên như vũ bão khiến bong bóng tài sản đã đến sát bên). Điều này làm cho Bitcoin trở thành một dạng tài sản an toàn, nơi trú ẩn cho dòng tiền”, ông Phan Dũng Khánh đánh giá.

Theo thống kê, Bitcoin có số lượng chỉ có giới hạn là 21 triệu đơn vị (không bao gồm các phiên bản con được “hard fork” - thay đổi giao thức khối”). Được phát hành trên nền tảng chuỗi khối blockchain, tiền số Bitcoin được xem như một công cụ lưu trữ có giá trị như vàng. Và chính việc hạn chế số lượng khiến giá trị của tiền số luôn có giá biến động lớn.

Một tín hiệu tích cực cho thấy Bitcoin đang thu hút mọi chú ý và có thể là kênh đầu tư đặc biệt trong tương lai, là sức hút của nó đối với các tỷ phú USD và các định chế tài khoản ngày càng lớn. Đã có những ngôi sao đầu tư phân bổ một phần tài sản của mình vào Bitcoin, góp sức cho đà tăng phi mã BTC.

Liệu Bitcoin có thể trở thành đồng tiền kỹ thuật số thay thế những công cụ/ tài sản có tính bản vị xưa cũ hay không? Câu hỏi đó không chỉ phụ thuộc vào sự phát triển của nền tảng công nghệ và tính pháp lý ngày càng cần được bổ sung, mở rộng và hoàn thiện của đồng tiền số này, mà còn phụ thuộc vào nhận thức của mọi nhà đầu tư đối với các dự án tiền số lẫn chủ kiến của các cơ quan quản lý.

“Thế giới đã sang trang mới cùng với sự phát triển của kinh tế số, tài chính số và tiền kỹ thuật số (KTS). Tuy vậy phía trước vẫn còn con đường dài dù cái nhìn của nhiều quốc gia đã bớt khắt khe hơn. Theo số liệu từ BIS – Ngân hàng thanh toán quốc tế (còn được gọi là NHTW của các NHTW) thì năm 2020 lần đầu tiên sau 10 năm Bitcoin không còn là sự quan tâm số 1 của nhà đầu tư, giới phân tích, tổ chức tài chính mà là CBDC (Central Bank Digital Currency - tiền điện tử do NHTW phát hành). Đồng tiền này đã được nhiều nước phát hành hoặc ở chế độ thử nghiệm như Trung Quốc với Nhân dân tệ điện tử. Tương tự thử nghiệm ở Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật, thậm chí nhiều nền kinh tế nhỏ hơn như Thái Lan và cả Campuchia. Mỹ dù chưa có đô la điện tử nhưng FED đã cho biết rằng họ có thể in tiền vật lý thì việc phát hành CBDC là hoàn toàn có thể thực hiện. Điều này cũng giúp NHTW và các cơ quan quản lý có vũ khí để điều hành chính sách nhằm hỗ trợ kinh tế phát triển”, chuyên gia Phan Dũng Khánh nhận định.

Theo đó, tiền KTS, mà bước đầu đã hiện diện và được các quốc gia phát triển lẫn chưa phát triển quan tâm, có thể mới chính là tâm điểm mới, tương lai của thị trường tiền số thực sự.

Tại Việt Nam, tiền KTS không được công nhận pháp lý nhưng đã bắt đầu được quan tâm đề cập. Trong hội nghị cùng Tổng Giám đốc IMF và các nước ASEAN năm 2020, ở cương vị Phó Thống đốc NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng đã nhắc đến tiền KTS như một nhân tố đáng chú ý.

“Đại dịch COVID-19 tạo ra những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế toàn cầu; trong đó bao gồm sự phát triển của kinh tế số, kinh tế không tiếp xúc và thanh toán không dùng tiền mặt. Sự ra đời và phát triển của tiền ảo/tiền KTS là một xu thế ngày càng rõ nét, đặt ra những cơ hội và vấn đề, thách thức mới cho nền kinh tế, cho công tác điều hành chính sách tiền tệ, quản lý và thanh tra, giám sát hệ thống tài chính”, Bà Nguyễn Thị Hồng, nay là Thống đốc NHNN Việt Nam nói.

Có thể hình dung sự bật tăng mạnh mẽ của Bitcoin và vượt lên mọi đồng tiền ảo khác, đã phần nào chứng minh giá trị của blockchain và xu thế "token hóa" các loại tài sản trở thành tài sản kỹ thuật số bao gồm đồng tiền, chứng khoán cùng sự ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, hoạt động khác của các nền kinh tế trên toàn cầu. Một chương mới của tài chính số đã mở ở 2021 và chúng ta khó đứng ngoài câu chuyện này.

Theo enternews.vn