Big Oil trở lại có lợi hại hơn xưa?

17:37 | 18/06/2021

|
(PetroTimes) - 10 công ty dầu khí lớn nhất thế giới bao gồm ExxonMobil, Chevron, Total, Shell, BP, Eni, Equinor, Lukoil, Rosneft và Saudi Aramco trong quý I/2021 đã công bố tổng lợi nhuận 46 tỷ USD. Cùng kỳ năm ngoái, tổng lợi nhuận của các Big Oil này chỉ vỏn vẹn 2,6 tỷ USD, trong đó Saudi Aramco và Chevron có lãi 20,3 tỷ USD, 8 công ty còn lại bị lỗ 17,7 tỷ USD.
Big Oil trở lại có lợi hại hơn xưa?

Sự phục hồi lợi nhuận nhanh chóng của ngành dầu khí thế giới chủ yếu nhờ giá dầu phục hồi, bất chấp doanh thu chỉ tăng 6,6%, lên 387 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, trong số 10 công ty thì BP có KQKD ấn tượng nhất, từ lỗ 4,4 tỷ USD sang lợi nhuận 4,7 tỷ USD. Với mức giá dầu thế giới hiện đang trên 70 USD/thùng, các doanh nghiệp dầu khí hứa hẹn sẽ ra báo cáo KQKD quý 2 ấn tượng.

Tuy nhiên, các Big Oil đang phải chịu sức ép không nhỏ của giảm thải môi trường và chuyển đổi năng lượng, sát nhập và chuyển nhượng tài sản là không thể tránh khỏi, và là giải pháp cần thiết. Royal Dutch Shell đang xem xét việc bán tài sản khai thác tại lưu vực Permian (Mỹ) tổng giá trị 10 tỷ USD, một mặt nhằm tái cơ cấu tài sản không cốt lõi và dịch chuyển sang những lĩnh vực đem lại lợi nhuận cao hơn, mặt khác tiến tới cắt giảm lượng khí thải trong bảng cân đối.

Tài sản dầu đá phiến lớn nhất của Shell tại Mỹ bao gồm 1.700 km2 (chiếm 2/3 quỹ đất) đang khai thác (khoảng 6% tổng sản lượng hàng năm). Sản lượng khai thác tại Permian năm 2020 đã giảm 23% so với năm 2019 xuống 193.000 bpd. Cuối tháng 5, tòa án Netherland đã ra phán quyết yêu cầu Shell cắt giảm gần 50% lượng khí thải.

Ứng cử viên tiềm năng mua lại toàn bộ hoặc phần lớn tài sản Shell rao bán bao gồm các công ty dầu khí Mỹ - ConocoPhillips, Occidental, Devon Energy, Chevron, EOG Resources, trong đó, ConocoPhillips được xem là có lợi thế bởi sở hữu tài sản gần và Occidental hiện là đối tác với Shell.

Trong cùng thời gian, Equinor công bố kế hoạch rút khỏi thị trường Nicaragua, Mexico, Úc, đồng thời bán một số tài sản dầu khí tại châu Mỹ nhằm tối ưu hóa danh mục đầu tư E&P và tập trung vào lĩnh vực chuyên môn cốt lõi – offshore. Theo kế hoạch, công ty sẽ rút toàn bộ hoạt động khai thác tại 3 quốc gia nêu trên, đồng thời bán cổ phần tại mỏ dầu Terra Nova (Canada), mỏ đá phiến Austin Chalk (Louisiana, Mỹ) và 2 lô giấy phép thăm dò onshore Argentina. Trước đó, Equinor thừa nhận chiến lược sai lầm khi tham gia vào lĩnh vực onshore tại Mỹ, công ty năm 2019 đã thanh lý tài sản tại lưu vực đá phiến Eagle Ford, và đầu năm 2021 tại Bakken.

Các nhà máy lọc dầu EU bắt đầu túc tắc hoạt động trở lại trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu gia tăng, tỷ suất lợi nhuận tinh chế cải thiện và kết thúc thời hạn bảo trì thiết bị.

Repsol tuyển dụng trở lại nhân viên bị sa thải tạm thời 3 tháng trước đó tại nhà máy lọc dầu Puertollano (135.000 bpd), dự kiến hoạt động trở lại từ ngày 21/06 tới. Eni khởi động nhà máy lọc dầu Milazzo Eni-KPC (235.000 bpd). TotalEnergies cũng tái khởi động bộ phận chưng cất thô (CDU) nhà máy lọc dầu Gonfreville (240.000 bpd) sau 18 tháng ngừng – tăng 3% tỷ suất hoạt động các nhà máy lọc dầu EU so với tháng 5 lên 71%. Biên độ lợi nhuận tinh chế đối với xăng tăng lên 10,04 USD/thùng từ mức 4,65 USD/thùng trong quý 1, diesel lên 8 USD/thùng so với 5,69 USD/thùng.

Mặc dù tỷ suất hoạt động và lợi nhuận biên đã được cải thiện, tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu EU vẫn còn khá thấp so với trước khủng hoảng, đặc biệt là nhiên liệu máy bay - giảm 64%. Điều này gây tắc nghẽn chuỗi sản xuất do không đủ kho chứa nhiên liệu hàng không, ngoài ra, nhu cầu diesel mới chỉ hồi phục được trên 85%, tỷ suất hoạt động các nhà máy lọc dầu còn thấp hơn trung bình 10%, do vậy, các hãng lớn như Repsol chưa vội tái tuyển dụng nhân sự tại các nhà máy lọc dầu khác tại Tây Ban Nha.

Viễn Đông