Bi hài chuyện giữ di sản

10:50 | 21/06/2011

590 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Tôi dám khẳng định, nếu hỏi kĩ vị chủ tịch tỉnh về di sản âm nhạc mà tỉnh đó đang có, thì họ không thể trả lời được”, GS Đặng Hoành Loan nói.

Có nhiều năm nghiên cứu về di sản âm nhạc và đóng vai trò quan trọng trong việc làm hồ sơ di sản gửi lên UNESCO, GS Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc đã gặp phải rất nhiều điều tréo ngoe, mà theo ông, những điều đó khó mà thực hiện được 9 điều mà Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đề ra.

Quan không biết thì dân cũng đành chịu!

GS Đặng Hoành Loan kể, bên lề một hội nghị về hát xoan ở Phú Thọ, một nhà nghiên cứu nước ngoài hỏi một vị lãnh đạo tỉnh Phú Thọ: “Ông có biết hát xoan không?”. Vị nọ chỉ biết cười, trong khi nhà nghiên cứu này nói: “Ông không biết hát xoan, vậy sao ông lại đề cử hát xoan lên UNESCO làm di sản văn hóa phi vật thể?”.

CLB ca trù Thăng Long.

Một tình huống khác cũng trớ trêu không kém, đó là một tiến sĩ ở địa phương được giao phối hợp làm hồ sơ về hát xoan gửi lên UNESCO đã từng “hồn nhiên” trả lời phỏng vấn: “Hát xoan có hai loại: xoan cũ và xoan mới”. Giáo sư Loan nói, ông đã nghiên cứu nhiều về hát xoan mà vẫn không thể hiểu xoan cũ và xoan mới là gì và không biết trình độ của vị tiến sĩ nọ đến đâu.

Trong một lần đi điền dã làm hồ sơ ca trù, ông Loan hỏi một cán bộ văn hóa ở Hưng Yên xem ở địa phương còn giáo phường ca trù nào không, bà nọ thốt lên: “Ca trù nhà thổ chứ gì!”.

“Lợi dụng di sản là một điều đã có và đang tồn tại. Không gian văn hóa cồng chiêng được UNESCO vinh danh khiến người ta tranh thủ làm một lễ hội to, nhưng những người đánh cồng cứ thế lầm lũi trong lễ hội, họ không được coi trọng, cồng chiêng chỉ còn là cái áo khoác để người ta dùng nó làm những điều khác”. Điều đó chứng tỏ cộng đồng nhận thức vô cùng non kém về di sản và theo ông, muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng thì phải bắt đầu từ ông chủ tịch tỉnh, rồi mới đến dân.

Làm gì với di sản: Không ai biết!

Hiện nay có một nghịch lý là, chúng ta mới có chủ trương, mà chưa có chương trình hành động, kế hoạch cụ thể nên không ai hiểu phải làm gì với di sản. Bộ cũng yêu cầu phải có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT, nhưng đã rất lâu rồi vẫn chưa thấy việc làm nào cụ thể. Trong khi đó, những nghệ nhân có tuổi từ 80 trở lên có thể đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng báo động đỏ đã được nêu từ rất lâu, nhưng rồi lại chìm xuống. GS Loan cho biết, trong số 10 nghệ nhân có tên ở các hồ sơ gửi lên UNESCO, có bốn cụ đã mất, các cụ còn lại đa số đều trong tình trạng nguy kịch.

CLB Ca trù Thăng Long của ca nương Phạm Thị Huệ thực hiện việc truyền dạy khá tốt nhưng lại không được tham gia Liên hoan ca trù.

Một điều “khác thường” nữa là CLB Ca trù Thăng Long của ca nương Phạm Thị Huệ thực hiện việc truyền dạy khá tốt, tất cả đều do họ tự làm và đã đạt được những kết quả bước đầu tương đối khả quan so với những CLB khác. Vậy nhưng, trong Liên hoan ca trù, họ lại không được tham gia, lí do chỉ vì CLB này không nằm trong hệ thống… nhà văn hóa!

“Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cơ sở đào tạo âm nhạc lớn nhất cả nước, lại không đào tạo về di sản như ca trù, quan họ, đờn ca tài tử… Tôi đã nhiều lần đề cập việc này với Nhạc viện, nhưng họ không làm. Các nhà hát ca múa dân gian, chẳng hạn nhà hát của anh Quang Vinh, vừa được xây mới, nhưng chủ yếu để cho thuê đám cưới!”, GS Loan thốt lên.

Một nghịch lý nữa mà GS Tô Ngọc Thanh từng nói rất nhiều, đó là luật di sản dường như đã gạt di sản phi vật thể ra ngoài lề, mà chủ yếu dành các điều khoản cho di sản vật thể. Còn nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền thì cho rằng việc bảo tồn có thực hiện được hay không phụ thuộc rất nhiều vào nguồn kinh phí nhưng bên cạnh đó, tri thức của “người cầm cân nảy mực” cũng vô cùng quan trọng. Đây là vấn đề rất nhạy cảm mà không phải ai cũng dám nghĩ, dám nói thẳng.

Theo ĐV

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.