Bi kịch giá dầu và những nạn nhân (Kỳ 3)

Bi đát Venezuela!

09:00 | 14/04/2016

725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nếu như Nga, Iran vẫn còn có các nguồn lực khác ngoài dầu mỏ để chống đỡ với những khó khăn kinh tế trong thời kỳ giá dầu giảm, thì Venezuela lại đang đứng trước bờ vực khủng hoảng kinh tế và chính trị trầm trọng. Cho đến nay, Venezuela là nước đầu tiên trong số các nạn nhân của bi kịch giá dầu thấp phải ban hành tình trạng kinh tế khẩn cấp.  
bi dat venezuela Bi kịch giá dầu và những nạn nhân
bi dat venezuela Iran nuôi hi vọng

Trước tháng 6-2014, mốc thời gian đánh dấu thời kỳ giá dầu sụt giảm, Venezuela là nước xuất khẩu ròng dầu lớn thứ 7 thế giới. Dầu khí chiếm khoảng 96% doanh thu xuất khẩu của Venezuela. Doanh thu từ dầu chiếm 45% ngân sách của Venezuela và khoảng 12% tổng sản phẩm quốc nội của quốc gia Nam Mỹ này. Vì thế, chỉ cần giá mỗi thùng dầu giảm 1USD thì doanh thu của Chính phủ Venezuela sẽ bị thiệt hại đáng kể.

bi dat venezuela
Tình trạng khan hiếm hàng hóa thiết yếu trong các cửa hàng, siêu thị ở Venezuela do khủng hoảng kinh tế

Trong thời kỳ giá dầu còn cao, nguồn thu dồi dào từ dầu mỏ đã phần nào giúp Chính phủ Venezuela tài trợ cho các chương trình xã hội chủ nghĩa dân túy và khỏa lấp các yếu kém trong quản lý kinh tế kéo dài nhiều thập niên qua.  Điều này đã giúp cải thiện các chỉ số xã hội và cân đối vĩ mô của đất nước này. Tuy nhiên, nền kinh tế phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ và hầu như không có khu vực phi dầu mỏ, phải nhập khẩu gần như toàn bộ các hàng hóa thiết yếu, đã và đang phải đối mặt với một thách thức rất lớn khi giá dầu giảm sâu và rất khó có khả năng hồi phục trong ngắn hạn.

Từ giữa tháng 9 - 2014, công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor đã hạ mức độ tín nhiệm đối với Venezuela từ B- sang CCC+, và “dọa” sẽ tiếp tục đánh tụt hạng nếu giá dầu hạ. Điều này có nghĩa S&P đặt cược khả năng 50-50 Venezuela sẽ “vỡ nợ” trong 1-2 năm tới nếu không có đột phá về giá dầu trên thị trường quốc tế hoặc có thay đổi trong chính sách trợ cấp năng lượng của chính phủ nước này.

Số lượng giếng khoan ở Venezuela đã giảm khoảng 4% trong năm 2015, còn 808 giếng và dự kiến trong năm 2016 sẽ giảm thêm 9%, còn 735 giếng. Sản lượng dầu đã giảm khoảng 70.000 thùng/ngày, xuống còn 2,83 triệu thùng/ngày. Kim ngạch xuất khẩu dầu trong năm 2015 của Venezuela chỉ đạt 42,5 tỉ USD, thấp hơn nhiều so với mức 74 tỉ USD năm 2014. Giá dầu giảm đã khiến dự trữ ngoại tệ của Venezuela chỉ còn gần 15 tỉ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2003. Trong tổng số tiền dự trữ đó thì giá trị quy đổi từ vàng là 10,9 tỉ USD. Ngoài ra còn có các nguồn dự trữ khác tại Quỹ Tiền tệ quốc tế và các sản phẩm có giá trị quy đổi khác như kim cương và bạc. Giới chuyên gia ngờ rằng Venezuela hiện chỉ còn ít hơn 1 tỉ USD lượng dự trữ là tiền mặt.

Đến cuối năm 2015, Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) thông báo tỷ lệ lạm phát ở nước này đã chạm 141%, kinh tế sụt giảm 10%. Khủng hoảng kinh tế đã khiến người dân Venezuela phải chịu cảnh thiếu thốn trầm trọng các nhu yếu phẩm hàng ngày, chẳng hạn như cà phê, sữa, bột, thuốc chữa bệnh, xà phòng… thậm chí cả giấy vệ sinh, kem đánh răng. New York Times còn cho rằng, dầu ăn và giấy vệ sinh tại Venezuela thậm chí còn khan kiếm hơn tại quốc gia đang có nội chiến là Syria! Những người dân ở vùng biên giới thậm chí còn phải đi buôn lậu để kiếm kế sinh nhai.

Tình hình nghiêm trọng đến nỗi Chính phủ Venezuela phải tham gia vào phân phối lương thực dưới sự bảo vệ của quân đội và ra lệnh sử dụng các máy nhận diện vân tay để hạn chế lượng hàng hóa mà một cá nhân có thể mua được tại một cửa hàng nào đó.

Kể từ ngày 10-3-2016, Venezuela bắt đầu áp dụng hệ thống hối đoái mới, chỉ bao gồm 2 tỷ giá thay vì 3 tỷ giá như trước đây, trong đó tỷ giá “được bảo hộ” tương đương 10 bolivar ăn 1USD dành cho việc nhập khẩu các mặt hàng ưu tiên và một tỷ giá thả nổi với khởi điểm 206 bolivar/1USD.

Trước đó, từ ngày 18-2-2016, Venezuela áp dụng cơ chế giá nhiên liệu mới và tăng giá xăng lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua. Cần phải nói thêm là trong nhiều năm qua, người dân Venezuela được hưởng một cơ chế giá nhiên liệu thấp nhất thế giới, với mức trung bình chỉ 0,02USD một lít xăng. Mức giá này từng được chính người dân Venezuela cho rằng rẻ hơn cả không khí, nước lã, bởi chỉ với khoảng 1USD tiền xăng, người dân có thể lái xe đi đủ 6 vòng xung quanh đất nước. Sau quyết định tăng giá, giá xăng ở quốc gia Nam Mỹ này sẽ lên mức 1 boliviar (khoảng 0,1USD) cho 1 lít. Các loại xăng có hàm lượng octane cao có thể lên tới 6 bolivar/lít, tức là tăng gấp hơn 60 lần so với mức trước đó.

Bắt đầu từ ngày 16-1-2016, Chính phủ Venezuela đã phải ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp trong 60 ngày, theo Điều 338 của Hiến pháp Venezuela, nhằm bảo vệ những quyền xã hội cơ bản của công dân như: Giáo dục, sức khỏe, nhà ở và thể thao. Đến ngày 14-3-2016, Venezuela tiếp tục ban bố tình trạng kinh tế khẩn cấp kéo dài thêm 60 ngày nữa nhưng tình hình vẫn chưa thấy có dấu hiệu sáng sủa hơn.

Trong khi đó, quốc gia Nam Mỹ đang phải bước vào thời kỳ trả nợ quốc tế và để giữ uy tín, đồng thời tránh bị phá sản, Venezuela được cho là đã phải làm một việc “cực chẳng đã” khi mang vàng trong kho dự trữ quốc gia chuyển sang châu Âu để trả những khoản nợ đến hạn vào tháng 2 vừa qua. Nhưng các khoản tín dụng cho vay để đáo hạn hay trả nợ của các định chế tài chính lớn vẫn sẽ sớm gõ cửa Venezuela vì chỉ trong tháng 10 và tháng 11 tới đây, Chính phủ Venezuela sẽ phải trả nợ gần 5 tỉ USD.

Và để có tiền trả nợ, nếu các nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn tiếp tục không đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết cắt giảm sản lượng để tăng giá dầu của Venezuela thì khả năng lớn là Venezuela lại phải trông chờ vào các khoản vay từ Trung Quốc với những thỏa thuận mà ai cũng biết phần thiệt thuộc về bên nào. Ngoài ra, theo tiết lộ của Phó tổng thống phụ trách Kinh tế của Venezuela, ông Miguel Pérez Abad, đội ngũ hoạch định chính sách của Venezuela không loại trừ khả năng tìm kiếm một thỏa thuận tình nguyện với các chủ trái phiếu nợ của Tập đoàn Dầu khí nhà nước PDVSA, trụ cột của nền kinh tế Venezuela khi chiếm tới 90% nguồn thu ngoại tệ của quốc gia Nam Mỹ này.

Không chỉ chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế - xã hội mà quốc gia Nam Mỹ này còn bị “lôi kéo” vào bất ổn chính trị khó lường sau khi phe đối lập nước này lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát Quốc hội sau 17 năm tranh đấu với đảng đảng cầm quyền của Tổng thống Maduro. Hôm 8-3-2016,  phe đối lập còn thông báo sẽ theo đuổi kế hoạch nhiều hướng để lật đổ Tổng thống Nicolás Maduro.

Mặc dù Tổng thống Maduro đã nhiều lần tố cáo phe cánh hữu đối lập được sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài đang tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế và kích động biểu tình chống lại chính phủ nhằm gây nên tình trạng bất ổn ở nước này, nhưng rõ ràng không thể phủ nhận được tình hình bi đát hiện tại của Venezuela có một nguyên nhân rất lớn là giá dầu lao dốc. Thậm chí, theo tính toán của giới chuyên gia, ngân sách nước này chỉ có thể cân bằng được khi giá dầu ở mức 200USD/thùng. Trong khi  Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây dự báo tỷ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ chạm 720% vào cuối năm nay.

Giới quan sát lo ngại, khi dầu mỏ là vấn đề sống còn của Venezuela, tiếp tục sụt giá, sẽ đẩy nước này lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. Nó còn đe dọa tương lai của Tổng thống Maduro, người kế nhiệm cố Tổng thống Hugo Chavez.

(Xem tiếp kỳ sau)

Linh Phương

Năng lượng Mới 513

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc