Bị can, bị cáo có thể nộp tiền để được tại ngoại

19:30 | 23/07/2017

737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhiều người cho rằng, bị can, bị cáo nộp tiền để tại ngoại là một đề xuất tiến bộ, đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế ở Việt Nam cần phải có những quy định và hướng dẫn cụ thể hơn.  

Quy định mới

Liên ngành Công an, Quốc phòng, Tài chính, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao vừa hoàn thành Dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền đặt, việc tạm giữ, hoàn trả, tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước số tiền đã đặt để bảo đảm theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Ngay sau khi đề xuất này được đăng tải rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã vấp phải làn sóng dư luận xã hội. Bên cạnh những ý kiến đồng tình ủng hộ, thì cũng không ít người cho rằng, đề xuất này vô hình làm gia tăng tội phạm. Một số người dân khi được hỏi về đề xuất này đã bày tỏ quan điểm: “Đề xuất này chỉ có lợi cho những người có tiền và vô hình trung làm gia tăng tội phạm, đặc biệt là tội tham ô tham nhũng”.

bi can bi cao co the nop tien de duoc tai ngoai
Luật sư Lại Thu Trang

Trái ngược với quan điểm trên, Luật sư Lại Thu Trang - Công ty Luật Minh Bạch, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, đây là một đề xuất tiến bộ và phù hợp với thực tế pháp lý. Tuy nhiên, cần phải có quy định và hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chức năng liên quan để đem lại hiệu quả cao khi áp dụng và tránh các hành vi tiêu cực.

Quy định này trước hết giúp bảo vệ quyền tự do của công dân một cách tốt nhất, đồng thời cũng tránh được những oan sai trong quá trình điều tra do bức cung, nhục hình hay những tác động tiêu cực đến tâm lý, sức khỏe của bị can, bị cáo. Ngoài ra, việc đặt tiền để tại ngoại cũng giúp tránh được những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của bị can, bị cáo và gia đình.

Nên áp dụng

Điều kiện được nộp tiền tại ngoại:

Bị can, bị cáo phải cam đoan có mặt theo giấy triệu tập, không bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; Không mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối; Không đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này. Nếu thực hiện không đúng, họ sẽ bị tạm giam, số tiền đã đặt sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách Nhà nước.

Theo Luật sư Lại Thu Trang, đây không phải là một quy định mới, Điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 17/2003 đã quy định về việc bị can, bị cáo nộp tiền để được tại ngoại.

Tuy nhiên, điểm mới của dự thảo là thêm quy định người thân thích của bị can, bị cáo có quyền đặt tiền để bảo đảm đối với mọi đối tượng (trước đây chỉ áp dụng cho người đại diện hợp pháp của bị can, bị cáo là người chưa thành niên và người có nhược điểm về tâm thần). Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chặt chẽ hơn khi thêm một số tội danh không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đua xe trái phép.

“Trong thực tế, khi bị can, bị cáo bị tạm giam, họ sẽ có rất nhiều khó khăn để lo nguồn tài chính và thực hiện các thủ tục đặt tiền để tự bảo đảm cho mình. Bởi vậy, bổ sung đối tượng người được đặt tiền bảo đảm là phù hợp thực tế pháp lý, tạo điều kiện cho bị can, bị cáo được bảo đảm các quyền lợi chính đáng của mình” - Luật sư Lại Thu Trang nói.

bi can bi cao co the nop tien de duoc tai ngoai
Bị can, bị cáo nộp tiền để tại ngoại (ảnh minh họa)

Dự thảo cũng quy định, nếu bị can, bị cáo không thực hiện quy định khi tại ngoại sẽ tiếp tục bị tạm giam, đồng thời tịch thu số tiền nộp vào ngân sách. Hơn nữa, áp dụng biện pháp này cũng giảm bớt gánh nặng cho việc giam giữ bị can, bị cáo của Cơ quan Điều tra. Đồng thời, tăng trách nhiệm của người được đặt tiền bảo đảm thực hiện đúng các cam kết để được tại ngoại, áp dụng thay thế biện pháp tạm giam. Ngoài ra, bị can, bị cáo trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử không bị cách ly với xã hội, vẫn có thể tiếp tục đóng góp sức lao động tự nuôi sống bản thân và gia đình.

Các trường hợp không áp dụng

Các trường hợp sau không áp dụng biện pháp đặt tiền để tại ngoài: Bị can, bị cáo phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng do cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; các tội cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, khủng bố, đua xe trái phép; bị tạm giam trong trường hợp bị bắt theo lệnh, quyết định truy nã; phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; nghiện ma túy; người chủ mưu, cầm đầu trong trường hợp phạm tội có tổ chức; người tái phạm nguy hiểm; hành vi phạm tội gây dư luận xấu trong nhân dân.

Xuân Hinh - Chu Phượng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc