Bệnh nặng vẫn chưa có thuốc đặc trị

15:43 | 28/05/2012

337 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Bệnh nặng”, “người ốm” là cụm từ được nhắc đến khá nhiều trong Hội nghị giao ban tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25/5 khi nói về “sức khỏe” của nền kinh tế hiện nay.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp tăng cao, nhập siêu giảm, thu ngân sách thấp trong khi chi ngân sách lại quá cao, doanh nghiệp phá sản vẫn tăng cao,… là những điểm “tối” của nền kinh tế trong 5 tháng qua.

Chủ tịch Quốc hội nhắc đến dấu hiệu giảm phát, còn Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo đã xuất hiện dấu hiệu suy giảm kinh tế, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ Ba (21/5).

Tính đến 1/5/2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến đã giảm so với tháng 3 và 4/2012

Tính đến 1/5/2012, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến đã giảm so với tháng 3 và 4/2012, tuy nhiên so với cùng kỳ lại tăng 29,4%. Với con số này, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân nhấn mạnh, đây là mức tăng khá cao, nó thể hiện sự đình đốn trong sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Về hoạt động xuất khẩu: Tính chung 5 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 42,86 tỉ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt gần 23,15 tỉ USD, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm trước. Về hoạt động nhập khẩu: Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 43,482 tỉ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, điểm sáng duy nhất của nền kinh tế là nhìn chung, lạm phát đã được kiềm chế, CPI tháng 5/2012 so với cùng kỳ năm trước tăng 8,34%, đáng chú ý hai nhóm hàng tăng cao nhất là hàng hóa và dịch vụ khác tăng 3,09%, giao thông tăng 1,32%, nguyên nhân chủ yếu là do sự tăng giá của xăng dầu.

Như vậy, nhìn qua những số liệu này có thể thấy nguy cơ đáng lo ngại của tình trạng giảm phát “ẩn” trong những biểu hiện tưởng chừng như tích cực. Chẳng hạn lạm phát giảm, nhập siêu được kiềm chế, xuất khẩu ổn định… nhưng nhập siêu giảm bởi vì DN phần lớn không tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, đem lại kết quả xuất siêu cho nền kinh tế. DN không sử dụng ngoại tệ để nhập khẩu khiến quỹ ngoại tệ tăng lên. Căn bệnh giảm phát sẽ khó chữa hơn lạm phát bởi khi giảm phát các DN đã chết thì không thể cho uống thuốc gì để cứu sống được.

Vấn đề nổi cộm trong Hội nghị vẫn là tình hình doanh nghiệp khó khăn, ông Võ Sỹ – Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, theo Tổng cục Thuế thì 5 tháng đầu năm 2012, có đến 9.665 doanh nghiệp ngừng hoạt động, còn theo Sở cho biết, có 906 doanh nghiệp đăng ký giải thể tại đây (tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái). Như vậy, dù theo quản lý của cơ quan nào thì số lượng này thực sự đều đáng báo động. Giải thích về độ vênh tới hàng nghìn DN với Thứ trưởng Cao Viết Sinh – người chủ trì Hội nghị, cho rằng, do Luật DN không có chế tài, nên Sở Kế hoạch và Đầu tư không thể nắm rõ sức khỏe của DN bằng ngành Thuế.

Cùng chung “số phận” có đến 2.348 DN ngừng hoạt động, đồng nhiệm của ông Sỹ tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tứ khuyến nghị tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ, muốn có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN thì cần phải có nguồn lực “thật”, phạm vi hỗ trợ phải khả dụng, như gói hỗ trợ 29.000 tỉ vừa qua cần tập trung ưu tiên cho 1 số lĩnh vực cụ thể, như doanh nghiệp FDI, những DN làm ăn khả thi song thiếu vốn, DN vùng sâu vùng xa,… nếu không gói hỗ trợ này sẽ là 1 sự đầu tư dàn trải.

Cùng ý kiến về những khó khăn của DN trong lĩnh vực xây dựng, đại diện Bộ Xây dựng kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước cần phân loại rõ điều kiện cho vay đối với DN là như thế nào, giãn thời gian cho vay với chủ nợ,… và cần thực hiện một loạt các giải pháp đồng bộ để DN có thể tiếp cận dễ dàng hơn với vốn tín dụng.

Lê Quân