Bất thường khi rút tiền với thẻ ATM liên ngân hàng?

10:03 | 29/11/2011

1,378 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây việc giao dịch rút tiền mặt qua thẻ ATM liên ngân hàng khó thông suốt như trước.

Theo Smartlink, khi giao dịch khách hàng cần quan sát ATM, đặc biệt là khe đọc thẻ, nếu thấy có thiết bị bất thường gắn ngoài khe đọc thẻ cần liên hệ ngay với bộ phận dịch vụ khách hàng.

Ngày 28/11, bạn đọc Hải Long (vuhailong89@…) có thông tin phản hồi tới tòa soạn về một hiện tượng đáng chú ý: “Đợt này dùng thẻ ATM đi rút tiền trong liên minh ngân hàng cũng khó, thẻ của ngân hàng khác rất hay bị báo “Giao dịch không thực hiện được”…”.

Đây cũng là thực tế mà một số chủ thẻ gặp phải trong thời gian gần đây. Tại địa bàn Hà Nội, một số chủ thẻ gặp tình huống như dùng thẻ ATM của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát hành rút tại Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Á châu (ACB)… đều không thành công và được báo “tìm hiểu thêm thông tin tại ngân hàng phát hành”.

Trước thời gian này, giao dịch rút tiền mặt qua thẻ ATM liên ngân hàng diễn ra khá thuận lợi.

Phản ánh trên được bạn đọc đặt trong bối cảnh trên thị trường liên ngân hàng đang nảy sinh bất cập. Một số ngân hàng vay ngân hàng khác nhưng đã quá hạn vẫn chưa trả nợ; có tình trạng “chây ỳ” ở những khoản vay này. Thêm vào đó, thị trường liên ngân hàng đã xuất hiện cơ chế phải có tài sản, thế chấp bảo đảm giữa các ngân hàng với nhau, có sự hoài nghi lẫn nhau giữa các thành viên…

Liệu đó có phải cũng là nguyên do ảnh hưởng đến hoạt động thanh toán liên ngân hàng trong giao dịch thẻ qua hệ thống ATM như phản ánh ở trên?

Trao đổi với PV, cán bộ phụ trách thẻ của một ngân hàng thương mại cho biết, hiện nay cơ chế thanh toán cho những giao dịch đó được “đảm bảo” qua thỏa thuận giữa các thành viên, gắn với các hạn mức ký quỹ nhất định.

Giả dụ, khách hàng dùng thẻ ngân hàng A phát hành, rút tiền tại ATM ngân hàng B, cơ chế thanh toán sẽ được thực hiện qua việc khớp dữ liệu từ tổ chức trung gian kết nối là Smartlink, Banknetvn… Khi thực hiện giao dịch, ngân hàng B “tạm ứng” số tiền khách rút và cuối ngày khớp dữ liệu trừ vào tài khoản ngân hàng A mở tại ngân hàng B.

Tùy vào thỏa thuận giữa các thành viên, số dư tối thiểu của tài khoản ngân hàng A mở tại ngân hàng B (và ngược lại) được ấn định cụ thể, khoảng từ 1 tỉ đồng số dư cuối ngày. Với những ngân hàng có khách giao dịch “trái tuyến” lớn, số dư tối thiểu đó có thể lớn hơn. Trường hợp lượng tiền giao dịch trong ngày lớn hơn số dư hiện có, ngân hàng A phải chịu một khoản phí nhất định.

Với cơ chế đó, việc khó rút tiền qua ATM liên ngân hàng như phản ánh trên có liên quan đến sự “xáo trộn” trong cơ chế đảm bảo số dư và thanh toán giữa các thành viên hay không?

Trả lời câu hỏi này, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho rằng đó không phải là nguyên nhân của hiện tượng. Lý do, theo ông, là cơ chế đảm bảo hạn mức các tài khoản và lượng giao dịch trong ngày như vậy không quá lớn để gây khó khăn thanh khoản ở một số thành viên. Mặt khác, đây còn là cơ chế cần đảm bảo để ổn định chất lượng dịch vụ cần thiết của mỗi ngân hàng.

Ông cho rằng, nguyên do của hiện tượng trên xuất phát từ một vấn đề khác nảy sinh trong thời gian gần đây. Đó là sự xuất hiện của loại tội phạm công nghệ cao, gắn thiết bị đánh cắp dữ liệu của các chủ thẻ tại máy ATM để có thể thực hiện các giao dịch bất hợp pháp.

“Việc gắn thiết bị và đánh cắp dữ liệu này thường được thực hiện vào buổi tối và đầu giờ sáng, nên có thể một số thành viên phòng ngừa, hạn chế chấp nhận giao dịch thẻ ngân hàng khác trong thời gian đó để tránh rủi ro liên lụy”, lãnh đạo ngân hàng này đưa ra giả thiết.

Trong khi đó, ngày 27/11, Công ty Cổ phần Dịch vụ thẻ Smartlink cũng đã đưa ra khuyến cáo tới các khách hàng sử dụng thẻ ngân hàng phòng tránh khả năng bị đánh cắp dữ liệu bởi thiết bị gắn trộm nói trên.

Theo Smartlink, một điểm khách hàng cần chú ý khi giao dịch là quan sát máy ATM, đặc biệt là khe đọc thẻ, nếu thấy có thiết bị bất thường gắn ngoài khe đọc thẻ cần liên hệ ngay với bộ phận dịch vụ khách hàng của ngân hàng nơi phát hành.

Các chủ thẻ cũng cần sử dụng dịch vụ cảnh báo biến động tài khoản của ngân hàng nơi phát hành thẻ qua SMS, email… để chủ động kiểm soát trạng thái tài khoản của mình.

Theo VnEconomy