Bất ổn… hàng bình ổn

01:07 | 30/09/2012

611 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chương trình "bình ổn giá” đang ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu, khi giá một số mặt hàng tăng mạnh, thậm chí cứ "thích là tăng”.

Mất dần vai trò

Chương trình bán hàng "bình ổn giá” ra đời trong bối cảnh lạm phát tăng nhanh. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bán hàng bình ổn được hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng sẽ chủ động dự trữ nguồn hàng để "kìm” tốc độ tăng giá. Nguồn hàng mà doanh nghiệp thu mua có chất lượng tốt, ổn định để từ đó cung ứng ra thị trường phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Thế nhưng đó là mục tiêu. Còn trong thực tế lại khác, nhiều bất cập đang lộ rõ.

Đơn cử như tại Hà nội, đến nay đã có 689 điểm bán hàng hóa "bình ổn giá”. Còn tại TP.HCM, có tới 3.501 điểm bán. Các địa phương khác cũng triển khai chương trình "bình ổn giá” riêng. Song, số lượng điểm bán này là quá ít so với nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân.

Theo đánh giá của ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, hệ thống bán hàng bình ổn thông thường chỉ được triển khai tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích. Số lượng chiếm 20 - 22% so với tổng mức lưu chuyển hàng hóa trên thị trường. Hàng bình ổn chưa thật sự được xã hội hóa nên ý nghĩa phục vụ dân sinh bị hạn chế. Chưa hết, khi số lượng điểm bán đã khiêm tốn thì mặt hàng thuộc diện bán giá bình ổn cũng bị bó hẹp. Chẳng hạn như gạo, trên thị trường có đến hơn 20 loại khác nhau nhưng tại các địa chỉ bán hàng bình ổn, mặt hàng thuộc diện "kìm giá” chỉ đơn thuần có gạo tẻ thường, gạo Hải Hậu, Điện Biên… Tỉ lệ hàng bán giá bình ổn không phong phú.

Đặc biệt hơn giá một số mặt hàng tại điểm bán hàng bình ổn giá cũng cao hơn ngoài thị trường, trong đó có rau xanh và trứng gia cầm. Chẳng hạn trứng gà tham gia bình ổn giá 22.500 đồng/chục nhưng ngoài thị trường lại có giá thấp hơn.

Cùng với chương trình "bình ổn giá”, nhiều mặt hàng khác cũng được Bộ Tài chính đưa vào diện bình ổn như gas, thuốc, sữa, phân bón và thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, giá những mặt hàng này thời gian qua thay đổi đến chóng mặt, theo nghĩa "thăng thiên”. Cụ thể là giá gas liên tục làm điêu đứng người tiêu dùng. Anh Nguyễn Trọng Minh (Liễu Giai – Hà Nội) nói: "Không ngờ gas giao tận nhà đã lên tới 465.000 đồng/bình 12kg vào chiều qua, 16/9. Cứ nói chuyện tăng giá đâu xa xôi, thấy gas tăng nhanh nhất và nhiều nhất”! Quản lý nhà nước đang quá thả nổi với mặt hàng này.

Thích là tăng

Cũng nằm trong diện phải niêm yết bình ổn giá, đăng ký giá nhưng dường như tân dược đang nằm ngoài xu thế khó khăn của nền kinh tế. Cứ sau mỗi lần đi kiểm tra giá thuốc của Hiệp hội sản xuất và kinh doanh dược, người tiêu dùng lại nhận được thông báo: biến động giá thuốc. Giá thuốc kháng sinh tăng, thuốc ngoại nhập tăng… Điệp khúc tăng giá cũng được đưa ra "xưa như diễm”: tỉ giá tăng, nguyên liệu tăng… Đặc biệt chưa lần nào cơ quan quản lý lại có công bố chính thức rằng việc tăng giá có đúng hay không, có thuyết phục không?

Cũng theo ghi nhận từ thị trường, mặc dù các siêu thị đang rầm rộ thời gian khuyến mãi mà vẫn lăm le tăng giá. Bà Lê Thu Hà, chủ một siêu thị tư nhân ở ngõ 12, đường Đào Tấn, nói: Đã có nhiều nhà cung cấp gửi thông báo đề nghị tăng giá vào tháng 10 tới cho một số mặt hàng thực phẩm chế biến, đóng hộp và hàng mỹ phẩm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc siêu thị Coopmart chi nhánh Hà Nội (có triển khai chương trình "bình ổn giá”) cũng khẳng định: Nhiều đơn vị cung ứng hàng đang đòi tăng giá nhưng cũng phải thẩm định lại từ phía giao hàng. "Dù là bán hàng bình ổn nhưng không thể không tăng giá được, siêu thị chỉ có thể kéo giãn thời gian tăng giá”.

Liên quan đến vấn đề hàng bình ổn mà bất ổn, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh khẳng định: Xét về mặt ý nghĩa thì cần phải trân trọng những biện pháp đăng ký giá, bình ổn giá đó của Chính phủ. Nhưng chính người tiêu dùng lẫn người trong cuộc là cơ quan chức năng không thể xác định được đâu là hàng hóa được trợ giá, đâu là hàng hóa không được trợ giá. Nói một cách cụ thể là không thể kiểm soát được đâu là kg gạo được trợ giá, đâu là kg gạo không được trợ giá. Ngoài ra cũng không thể kiểm soát được bao nhiêu % hàng hóa được bán với giá đã được trợ giá, bao nhiêu phần trăm bán với giá thị trường… Tất cả đều phụ thuộc vào sự làm ăn trung thực của doanh nghiệp. Hiệu quả của chính sách do vậy chưa thể hiệu quả.

Nhiều chuyên gia nghiên cứu thị trường nhận định: Lỗi là tại cơ chế chồng chéo nhau. Chẳng hạn như Sở Công Thương quản về nguồn hàng, còn duyệt giá do Sở Tài chính chịu trách nhiệm. Việc đăng ký giá, duyệt giá cũng khoảng cách khá xa so với điều chỉnh của thị trường. Vì vậy, giá thường không đi sát với thị trường, có thời điểm nguồn cung dư, giá hàng ngoài chợ truyền thống giảm còn điểm bán hàng bình ổn cứ neo cao. Giá hàng bình ổn vì vậy khó sát theo hướng có lợi cho người tiêu dùng.

Đại đoàn kết