Bất cập về minh bạch trong quản trị khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản

08:31 | 28/04/2017

3,498 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vừa qua, tại Hà Nội, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn”.

92 đại biểu đại diện cho Ban Nội chính Trung ương Đảng, Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng hội Địa chất và Khoáng sản, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, Hội Tuyển khoáng Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - luyện kim, Viện Dầu khí, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam và đại diện các cơ quan báo chí và truyền thông đã đến tham dự hội thảo.

Hội thảo đã đánh giá, bàn và thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến minh bạch trong hoạt động khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo TS Nguyễn Tiến Chỉnh, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam: Đến tháng 6/2016 mới có 7/52 tỉnh có kế hoạch triển khai đấu giá với gần 70 điểm và mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỉ đồng. Nhưng số liệu các mỏ đấu giá thành công chưa thấy cập nhật. Với cấp Trung ương thì Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt kế hoạch đấu giá, nhưng chưa triển khai được. Điều đó cho thấy có nhiều vấn đề khó khăn và ách tắc trong việc đấu giá này.

bat cap ve minh bach trong quan tri khoang san va dau gia quyen khai thac khoang san

TS Nguyễn Tiến Chỉnh cho rằng, nguyên nhân là do: Hồ sơ đấu giá không đủ (quy định có ít nhất 3 tổ chức tham gia, nếu chỉ có 1 hay 2 hồ sơ là không đủ). Đơn vị không đủ năng lực tài chính (vốn chủ sở hữu phải trên 50 tỉ đồng thì rất ít đơn vị đủ điều kiện). Doanh nghiệp cần có chuyên môn về thăm dò và khai thác khoáng sản và phải cam kết chế biến sâu là một điều kiện bất khả kháng cho nhiều đơn vị. Mức thu phí tham gia đấu giá từ 2-12 triệu đồng/hồ sơ và tiền đặt cọc trước từ 1-15% giá khởi điểm (giá khởi điểm dưới 5 tỉ đồng đặt cọc 15%; giá khởi điểm từ 5 đến 10 tỉ đồng đặt cọc 10%...) là quá lớn. Nhiều doanh nghiệp gặp khó về tài chính (ít nhất 20-30% doanh nghiệp khó khăn) không thể tham dự đấu giá.

TS Chỉnh còn nói: Mục đích thu thuế là tăng ngân sách nhưng doanh nghiệp phải có lãi và có tái đầu tư. Nhưng với cách thu như hiện nay, nhiều doanh nghiệp không có lãi. TS Nguyễn Tiến Chỉnh chỉ ra, riêng phí môi trường trên giá thành khai thác quặng bô xít ở mỏ Tân Rai: 30.000 đồng/49.286 đồng, bằng 60% giá thành; mỏ Nhân Cơ: 30.000 đồng/67.424đồng, bằng 50% giá thành. Con số này là rất bất hợp lý. Vì thế, với than, cộng các khoản thuế và phí là 212.000 đồng/tấn (chiếm 15,2 % doanh thu, con số này quá cao). Trên thế giới, thuế tài nguyên than: Úc: 7% (lộ thiên), 6% (hầm lò) và 5% (hầm lò sâu 400m); Nga: than antraxit 47-57 R/t, than khác từ 3-6%; Trung Quốc: trung bình 6%; Indonesia royalty: 3-7% thu nhập; Phillippines: 5%; Nam Phi: 0,5-7%.

Về chính sách thuế và phí cũng có nhiều bất cập. Thuế tăng cao chưa theo cơ chế thị trường và giá trị tô mỏ.

TS Nguyễn Tiến Chỉnh kiến nghị: Cần hoàn thiện chính sách tài chính (thuế, phí) theo hướng ưu tiên khai thác tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường nhưng doanh nghiệp phải có lãi. Nhà nước cần xem xét không thu chi phí cấp quyền khai thác mỏ mà gộp vào thuế tài nguyên với mức thuế suất phù hợp theo cơ chế thị trường và giá trị tô mỏ.

TS Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phát biểu: Minh bạch đến đâu và như thế nào là xuất phát từ chế độ sở hữu khoáng sản ở từng quốc gia. Ở Mỹ, quyền sở hữu khoáng sản thuộc người sở hữu đất và theo chế độ sở hữu tư nhân. Còn ở Việt Nam hay nhiều quốc gia khác, khoáng sản là tài sản công, sở hữu toàn dân và nhà nước đại diện chủ sở hữu. Ở đây có 3 chủ thể: nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Do đó, tùy từng chế độ sở hữu, quản lý khoáng sản và bên liên quan mà mức độ minh bạch giữa các quốc gia cũng không thể giống nhau được.

TS Lê Ái Thụ, Chủ tịch Hội Địa chất Kinh tế Việt Nam phát biểu: Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang phải chịu gần 15 loại thuế - phí khác nhau, với cách tính thu thuế - phí tương đối phức tạp. Trong khi ngành tài nguyên (ngoài dầu khí) chỉ đóng góp vào ngân sách có 0,9 - 1,1% doanh thu. Thậm chí, nhiều địa phương phản ánh số tiền này không đủ cho chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản. Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch nhưng thực tế triển khai vẫn chưa như kỳ vọng. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về khoảng cách giữa những chủ trương quy định trên giấy và thực tiễn thi hành của ngành khai khoáng là khá xa.

Về tính minh bạch và công khai, TS Lê Ái Thụ nói: "Mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép khai thác mỏ rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác".

Năm 2013, Viện Quản trị Tài nguyên Thiên nhiên (Natural Resource Governance Institute) đã đánh giá: "Việt Nam chỉ đứng thứ 41/58 quốc gia và xếp hạng là "yếu" trong các đánh giá về mức độ minh bạch trong ngành công nghiệp khai khoáng".

Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá pháp luật Việt Nam về khoáng sản tương đối tốt, song thực thi lại tương đối kém.

Hội thảo “Minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản: Đo lường khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn” đã đạt được yêu cầu quan trọng về thực trạng minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản cũng như thực trạng việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản hiện nay, các hệ hụy và hướng cải thiện trong tương lai.

Hội thảo cũng đã đề xuất với Quốc hội và Nhà nước: Cần minh bạch hóa trong các hoạt động khoáng sản, đặc biệt là giai đoạn cấp phép, quá trình thu thuế, phí từ khai thác khoáng sản để quản trị tốt hơn hệ thống thu - chi tài chính có hiệu quả. Về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cần có cơ chế hiệu quả hơn để tính thực thi Luật Khoáng sản cao hơn.

TS Lê Tuấn Lộc

  • el-2024