Báo Trung Quốc dọa trừng phạt kinh tế Australia vì công hàm Biển Đông

17:50 | 27/07/2020

465 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cảnh báo Bắc Kinh có thể trừng phạt kinh tế Australia sau vụ Canberra gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Báo Trung Quốc dọa trừng phạt kinh tế Australia vì công hàm Biển Đông
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ và chiến hạm của lực lượng Nhật Bản, Australia trong cuộc tập trận 3 bên tại biển Philippines vào ngày 21/7 (Ảnh minh họa: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản)

Ngày 24/7, phái đoàn Australia tại Liên Hợp Quốc phát đi công hàm tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Australia nêu rõ: "Không có cơ sở pháp lý nào cho việc Trung Quốc vẽ các đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các thực thể trên biển hoặc nhóm đảo ở Biển Đông. Australia phản đối yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông".

Thời báo Hoàn cầu, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc - trong bài xã luận cuối tuần qua đã cáo buộc Australia đã “liều lĩnh thực hiện động thái khiêu khích” và “mù quáng theo sau Mỹ”, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh có thể trừng phạt kinh tế Canberra.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, gọi các yêu sách này là “phi pháp”.

Tờ báo Trung Quốc cho rằng “Australia đã không khôn ngoan khi đi lên chiếc thuyền bị rò rỉ với Mỹ để can thiệp vào Biển Đông”.

“Quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã xuống cấp tới mức độ rất xấu và cơ hội để đảo ngược là rất mong manh trong tương lai gần. Một trong những lý do chính là chính sách của Australia thiếu sự độc lập và lựa chọn hiện tại của họ là theo sau Mỹ”, bài viết nhận định.

Tờ báo Trung Quốc cảnh báo “Canberra có thể sẽ bị tổn hại trong không chỉ quan hệ chính trị mà còn là quan hệ kinh tế với Bắc Kinh”.

Bài viết nói rằng nếu Australia tiếp tục lựa chọn con đường hiện tại, Trung Quốc sẽ bỏ ngỏ khả năng đáp trả mạnh mẽ với Canberra, ví dụ như Bắc Kinh có thể nhằm vào mặt hàng thịt bò và rượu của Australia.

Quan hệ Australia - Trung Quốc đã trở nên căng thẳng từ đầu năm khi Canberra kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19, động thái mà Bắc Kinh phản đối. Một nhà ngoại giao Trung Quốc khi đó từng cảnh báo Bắc Kinh có thể “tẩy chay” hàng hóa Australia.

Sau đó, Trung Quốc tăng thuế lên 80,5% với lúa mạch nhập khẩu từ Australia, và cấm nhập thịt bò từ 4 công ty của Australia.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc