Báo Nhật: Việt Nam là trung gian hòa giải lý tưởng cho Mỹ và Triều Tiên

10:48 | 23/09/2016

2,539 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trang mạng The Diplomat (Nhật Bản), ngày 21/9 đăng bài “Can Vietnam Help Mediate With North Korea?” của nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế Samuel Ramani, Đại học Oxford. Tác giả lý giải vì sao Việt Nam là trung gian lý tưởng cho cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.
tin nhap 20160923104357
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il chụp ảnh chung tại Bình Nhưỡng ngày 4/8/2009

Vì sao Bình Nhưỡng có thể chấp nhận môi giới của Hà Nội? Theo chuyên gia Samuel Ramani, trong quá khứ đã từng có các tiền lệ.

Trong thời Chiến tranh Lạnh, một số nước Đông Âu có quan hệ gần gũi với Mỹ, như Nam Tư thời Tito và Rumani của Nicolae Ceausescu, đã đứng ra làm trung gian cho đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Những nhà môi giới Đông Âu đã có vai trò kiềm chế thái độ hiếu chiến của Triều Tiên trong những năm 1970, sau khi Nixon quyết định rút một phần lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc.

Theo tác giả, Triều Tiên có thể chấp nhận vai trò trung gian của Việt Nam bởi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thiện cảm với Hà Nội. Người dân và chính quyền Triều Tiên luôn ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm và thống nhất đất nước. Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng có thể mang lại cho Triều Tiên một mô hình phát triển phù hợp, không giống như Trung Quốc.

Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Triều Tiên Pak Yong-Sik tới Việt Nam cuối năm 2015 đã được truyền thông Bình Nhưỡng đưa tin rầm rộ.

Tác giả bài viết hy vọng Việt Nam có thể đứng ra làm trung gian và thành công trong vai trò này, để duy trì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Nếu đóng được một vai trò như vậy, Việt Nam chắc chắn sẽ nhận được thêm nhiều hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế nói chung.

Về phía Mỹ, tác giả bài viết nhắc lại sự kiện ngày 23/5/2016, chính phủ Mỹ ra một thông cáo ca ngợi sự ủng hộ của Việt Nam đối với việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và việc tuân thủ nghiêm túc nghị quyết của Liên Hợp Quốc về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Thông báo này được đưa ra cùng lúc với việc Washington quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam, được áp đặt từ nhiều thập niên.

Chuyên gia Samuel Ramani cho rằng Việt Nam và Mỹ đã bình thường quan hệ được hơn hai mươi năm. Quan hệ này ngày càng phát triển về mọi mặt mà đỉnh cao là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ hồi tháng 5 vừa qua.

Tác giả bài viết kết luận, sự gần gũi của Việt Nam với Triều Tiên và quan điểm của Hà Nội với vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, là những điểm thuận lợi mà Mỹ có thể trông cậy nếu tiến hành đàm phán với Bình Nhưỡng.

Nh.Thạch

The Diplomat