Bão Nakri giảm cấp, gây mưa lớn diện rộng

15:50 | 10/11/2019

417 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bão Nakri suy yếu, nhưng gây mưa lớn ở miền Trung, Tây Nguyên. Hơn 180.000 người dân sẽ được sơ tán trước 12h hôm nay, hàng loạt chuyến bay phải hủy, hoãn.

Tâm bão Nakri cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 260 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất cấp 10 (90-110 km/h), giật cấp 13, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định lúc 9h ngày 10/11.

Trong 12 giờ tới, bão theo hướng Tây Tây Bắc, di chuyển 10-15 km mỗi giờ. Khuya nay bão đi vào các tỉnh Bình Định đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, sau đó thành áp thấp nhiệt đới. Đến 7h ngày 11/11, tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, sức gió giảm còn cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8.

Bão Nakri giảm cấp, gây mưa lớn diện rộng
Đường đi của bão Nakri theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. Ảnh: NCHMF.

Các đài khí tượng của Hong Kong và Hải Quân Mỹ cũng nhận định bão đang suy yếu nhưng có sự chênh lệch về sức gió và thời gian. Theo đài Hong Kong, tâm bão Nakri đổi hướng từ Tây sang Tây Tây Bắc. Đến 7h sáng nay, sức gió tối đa khoảng 90 km. Khi gần bờ biển, bão sẽ ngoặt hướng Tây tiến vào TP Tuy Hòa. Đến 7h ngày 11/11, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên Tây Nguyên với sức gió 65 km mỗi giờ.

Đài Hải Quân Mỹ nhận định, 1h sáng 11/11 tâm bão ở bờ biển Phú Yên với sức gió 83 km mỗi giờ. Sau đó, bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc vào đất liền, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Còn theo Đài Khí tượng Nhật Bản, đến 19h ngày 10/11, tâm bão sẽ cách bờ biển Phú Yên 80 km, sức gió 100 km, tiến vào đất liền với vận tốc 15 km/h.

Vùng biển phía Tây khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh nhất cấp 11, giật cấp 13, sóng biển cao 5-7 m. Vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao 4-6 m. Nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5-2,5 m.

Dự báo mưa to trên diện rộng sẽ kéo dài đến ngày 12/11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, Tây Nguyên. Các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đăk Nông, Lâm Đồng lượng mưa phổ biến 100-150 mm; Bình Định - Khánh Hòa 200-300 mm; Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk 100-200 mm.

Lũ sẽ xuất hiện ở các tỉnh này khiến nước sông dâng cao. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị. Riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.

Bão Nakri giảm cấp, gây mưa lớn diện rộng
Người dân thị xã Sông Cầu (Phú Yên) thu hoạch cá bớp sớm để tránh thiệt hại do bão, sáng 10/11. Ảnh: Việt Quốc.

Lên kế hoạch sơ tán 180.000 dân

Theo Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, bốn tỉnh đã lên kế hoạch di dời gần 45.000 hộ với trên 180.000 người dân tại khu vực nguy hiểm ven biển, trên đảo, nơi có nguy cơ ngập sâu, sạt lở đất trước 12h hôm nay. Cụ thể Quảng Ngãi sơ tán hơn 13.000 hộ, Bình Định gần 15.000 hộ, Phú Yên gần 9.000 hộ, Khánh Hòa gần 8.000 hộ.

Hơn 47.000 tàu thuyền đã được thông tin về diễn biến của bão và hướng dẫn vào nơi tránh trú. Văn phòng thường trực đã có công văn gửi Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đề nghị can thiệp hỗ trợ hậu cần cho 5 tàu cá Quãng Ngãi đang trú bão ở Philippines. Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn đã huy động hơn 250.000 cán bộ chiến sĩ, 2.300 phương tiện; Bộ Giao thông Vận tải điều 5 tàu tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng phó bão.

Bão Nakri giảm cấp, gây mưa lớn diện rộng
Ông Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai sáng 10/11. Ảnh: Võ Hải

Vừa trở về sau khi đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại Quảng Ngãi, Tổng Cục trưởng Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho hay, biện pháp ứng phó đã được triển khai tốt nhưng các lực lượng không được chủ quan vì thực tế bão Matmo (khu vực đổ bộ như bão Nakri) có cường độ không mạnh nhưng đã gây ra thiệt hại về người và tài sản.

"Di dời, sơ tán khẩn cấp dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực ven biển, cửa sông, các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu", ông Hoài nhấn mạnh tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sáng 10/11.

Trước đó, ngành giáo dục các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi chỉ đạo cho hơn một triệu học sinh nghỉ học ngày 11/11.

Nhiều chuyến bay bị hủy do bão

Do ảnh hưởng của cơn bão Nakri, tại khu vực Nam Trung Bộ trong ngày 10/11 Vietnam Airlines sẽ hủy 6 chuyến bay các tuyến Hà Nội - Phú Yên, Hà Nội - Quy Nhơn, TP HCM - Quy Nhơn, TP HCM - Phú Yên.

Hãng cũng sẽ khởi hành sớm từ một tiếng 40 phút đến hơn 3 tiếng đối với 6 chuyến bay giữa Hà Nội, TP HCM và Nha Trang để đảm bảo cất, hạ cánh tại Nha Trang trước 18h do sân bay Cam Ranh sẽ đóng cửa. Các chuyến bay đến, đi từ Pleiku cũng sẽ được khởi hành sớm 3 tiếng.

Ngoài ra, Vietnam Airlines sẽ lùi giờ khởi hành từ 12 tiếng đến 18 tiếng đối với 4 chuyến bay quốc tế tuyến Nha Trang - Thành Đô, Nha Trang - Seoul sang ngày 11/11.

Hãng hàng không Jetstar Pacific hủy 4 chuyến bay giữa Quy Nhơn, Phú Yên và TP HCM trong ngày 10/11.

Bên cạnh các chuyến bay trên, các chuyến bay nội địa khác của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific cũng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền do cơn bão.

Người dân chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ. Video: Phạm Linh - Tuấn Việt.

Nakri hình thành từ một vùng áp thấp trên biển Đông, do sự tương tác của nhiều cơn bão, ban đầu bão theo hướng Tây, đến ngày 7/11 mới quặt sang hướng Đông. Ngày 9/11, bão đạt cực đại (cuối cấp 11 đầu cấp 12), mạnh nhất từ đầu năm trên biển Đông. Năm cơn bão trước đó có sức gió cấp 9 trở xuống.

Bão Matmo (số 5) đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên tối 30/10 gây thiệt hại nặng nhất. Với sức gió mạnh nhất 90 km/h (cấp 9), bão đã quật ngã hàng nghìn cây xanh, nhiều nhà bị sập, một triệu hộ dân mất điện...

Theo Vnexpress.net

Người dân vá kè, chặt cành cây trước bão Nakri
Quân đội huy động hơn 36.000 người ứng phó bão Nakri
Bão Nakri có hướng đi dị thường