Bạo lực - Thảm họa ứng xử của người Việt!

12:36 | 24/02/2016

1,451 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất kỳ mâu thuẫn lớn nhỏ nào cũng có thể dẫn đến bạo lực, đó thật sự là một thảm họa trong văn hóa ứng xử của cuộc sống hôm nay. 

Liên tiếp trong hai năm nay, năm nào Bộ Y tế cũng đưa ra con số thống kê về số người nhập viện vì đánh nhau trong mấy ngày Tết. Con số ấy luôn để lại ấn tượng mạnh đối với dư luận xã hội. Nó khiến tất cả người chứng kiến đều phải thốt lên rằng: người Việt đang ngày càng hung hãn, người Việt đang rất bế tắc trong văn hóa ứng xử với nhau…

Hơn 5.100 người nhập viện vì đánh nhau trong mấy ngày Tết Bính Thân 2016 vừa qua chỉ là con số thống kê tương đối, thậm chí là thấp hơn với thực tế. Con số thực về số người đánh nhau nhưng đã được xử lý tại gia đình, đánh nhau nhưng hậu quả không đến mức phải tới bệnh viện, các vụ đánh nhau chỉ đến trạm y tế địa phương hay bác sĩ tư… thì chưa được cập nhật. Và chắc hẳn con số ấy cũng không hề nhỏ!

bao luc tham hoa ung xu cua nguoi viet
Nhập viện vì đánh nhau trong mấy ngày Tết

Thoạt tiên, không ít người sẽ cảm thấy giật mình khi trong mấy ngày đầu năm mà người ta lại đánh nhau kinh hoàng như vậy! Bởi xưa nay, người Việt luôn có truyền thống bao dung, hòa hiếu, đặc biệt trong dịp lễ Tết; người ta rất kiêng kỵ chuyện gây hấn, đánh nhau vào những ngày này. Nhưng bây giờ có vẻ mọi chuyện đã khác, sự bao dung ấy, sự kiêng kỵ ấy đã phải nhường chỗ cho tính hung hãn lên ngôi.

Nhưng khi ngẫm lại thì thấy, thật ra những con số thống kê kia không có gì đáng ngạc nhiên bởi bạo lực vốn đang ngày càng phủ kín lên cuộc sống thường nhật của chúng ta. Thói hung bạo đó được thể hiện từ những vụ tranh cãi trên mạng xã hội mà nguyên nhân xuất phát từ những việc không đâu, cho đến những trận thư hùng đẫm máu ngoài đường phố.

Bạo lực ư? Chúng ta đã xem rất nhiều những đoạn videoclip mà trong đó những đứa trẻ dửng dưng đứng nhìn bạn mình vác ghế phang vào đầu nhau, lột quần lột áo nhau ngay lớp học hay trước sân trường thân yêu. Chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh người lớn đã dửng dưng như vậy khi đám đông tụm lại xem một vụ ẩu đả nào đó ngoài đường…

Sự dửng dưng đó nói lên điều gì? Ngoài sự vô cảm thì nó còn cho thấy, bạo lực đã quá quen thuộc, là một điều bình thường với họ và người ta chấp nhận nó là một phần trong cuộc sống!

Chấp nhận bạo lực xung quanh mình như một điều tất yếu có nghĩa là người ta đã sẵn sàng sống trong một không gian mà ở đó bạo lực chính là cách để giải quyết hữu hiệu những mâu thuẫn thường nhật, bất kể việc nhỏ việc lớn. Từ việc quen với bạo lực cho đến thực hành hành vi bạo lực là một khoảng cách rất ngắn!

bao luc tham hoa ung xu cua nguoi viet
Bạo lực học đường xuất hiện tràn lan

Chúng ta không thể hình dung vì sao bây giờ người ta dễ dàng đánh nhau đến như thế. Mời rượu nhưng không uống - đánh, hay hơn kém nhau cốc bia giọt rượu – cũng đánh; đứng chen lấn mua vé, va chạm mà không nói lời xin lỗi - đánh; nhìn đểu, nói lớn tiếng, nặng lời - đánh; va chạm tình cờ trên đường phố cũng dẫn đến những trận thư hùng hỗn loạn bằng hung khí… Đầy dẫy những lý do trời ơi… mà người ta rất hay bắt gặp trong tít những bài báo về các vụ ẩu đả, có khi dẫn đến thương vong trong xã hội ngày nay.

Có thể thấy, sự hung hăng, thiếu kiềm chế không phải chỉ là hành động bản năng của sự nóng nảy ở những gã trai trẻ người, non dạ, hay những kẻ thất phu nát rượu mà nó có thể tồn tại trong bất cứ ai.

Người ta cũng chẳng phải đánh nhau vì say rượu, rượu chỉ là cái cớ. Những người giẫm đạp, chen lấn và ẩu đả nhau ở các đình chùa, miếu mạo mà chúng ta chứng kiến qua các bài báo, họ không say. Họ đã rất tỉnh táo khi quyết tâm cướp cho được cái phết, cái ấn về cầu may, cầu tương lai rộng mở trên con đường quan lộ cho mình.

Và để đạt được việc đó, họ sẵn sàng dùng bạo lực, họ sẵn sàng từ chối lòng tự trọng của bản thân, họ vung gậy đánh nhau như những kẻ du thủ, du thực.

bao luc tham hoa ung xu cua nguoi viet
Bạo lực trong lễ hội văn hóa

Và, bạo lực trong xã hội hôm nay còn khởi nguồn từ những nỗi oán hờn mơ hồ chất chứa trong cuộc sống. Điều có thể kể đến đầu tiên đó là chuyện người Việt tự đầu độc nhau trong những bữa ăn hằng ngày bằng đủ loại rau bẩn, thịt nhiễm hóa chất.

Những ngày giáp Tết Bính Thân, rất nhiều đợt thanh kiểm tra các trang trại nuôi lợn đã diễn ra và kết quả là quá nửa số trang trại đó sử dụng chất tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi! Rồi đến trái cây nhúng hóa chất, đến rau muống tắm dầu nhớt trước khi được mang ra chợ bán…

Có quá nhiều những thông tin khủng khiếp ấy xuất hiện trên mặt báo thời gian qua. Ban đầu, người ta còn giật mình kinh hãi nhưng rồi giờ đây, họ chẳng còn cảm xúc gì khi đọc bởi nó đã xuất hiện nhan nhãn.

Và khi người ta cảm thấy cuộc sống của mình bỗng chốc trở nên bất an đến vô cùng thì cũng là lúc sự nghi kỵ, oán hờn với những thứ xung quanh bắt đầu nảy sinh.

Bạo lực cũng đã bắt đầu từ đó!

Một tiếng còi xe, một cái va quệt nhỏ có đáng dẫn đến xô xát và án mạng như bao vụ thường thấy không? Tất nhiên là không, nhưng rất có thể người đã bấm còi hay người bất cẩn gây ra vụ va quệt kia đã vô tình trở thành người đại diện cho những nguyên nhân tạo nên sự oán hờn trong cuộc sống của người đối diện. Khi đó, bạo lực và án mạng xảy ra không phải vì ân oán sâu nặng trước đó mà nó đơn giản chỉ là cách để người ta trút bỏ những oán hờn không tên đã dồn nén mà thôi!

Bất kỳ mâu thuẫn lớn nhỏ nào cũng có thể dẫn đến bạo lực, đó thật sự là một thảm họa trong văn hóa ứng xử của cuộc sống hôm nay. Nó cho thấy, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể dễ dàng trở thành một trong số hàng ngàn nạn nhân đã được Bộ Y tế thống kê sau mấy ngày Tết.

Xã hội chúng ta đã quen với bạo lực lâu nay và phải chăng bây giờ là lúc bạo lực thực hành?! Trăn trở đó xin dành cho các nhà văn hóa, giáo dục, các nhà đạo đức học!  

Lê Trúc

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.