Bảo hiểm phi nhân thọ năm 2012: Tiềm năng các nghiệp vụ bán buôn

09:30 | 20/01/2012

571 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thị trường Bảo hiểm phi nhân thọ (BHPNT) Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá cao và đạt khoảng 21,5% bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Mặc dù vậy, năm 2011 không phải là một năm mỹ mãn với các nghiệp vụ bảo hiểm bán buôn.

Để hóa rồng hay không lại phụ thuộc vào quyết định và quyết tâm của các DNBH.

Các nghiệp vụ có doanh thu cao như bảo hiểm hàng hải có mức tăng trưởng thấp (9,25%) hoặc giảm (bảo hiểm xây dựng lắp đặt giảm 23,58%). Thị trường bất động sản chững lại khiến các dự án xây dựng bị đình trệ, giá xăng dầu tăng cao cùng những di chứng từ Vinashin là những nguyên nhân chính khiến các nghiệp vụ này không giữ được mức tăng trưởng cao như mong muốn.

Sang năm 2012, mặc dù nền kinh tế được dự báo sẽ vẫn còn những khó khăn lớn nhưng với ngành bảo hiểm thì thị trường bán buôn vẫn có những tiềm năng nhất định, nếu tận dụng tốt các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoàn toàn có thể vượt mức kế hoạch đã đặt ra.

Bảo hiểm năng lượng

Ước doanh thu bảo hiểm gốc (DTBHG) năm 2011 của nghiệp vụ bảo hiểm năng lượng đạt 1.696 tỉ đồng, bồi thường 216 tỉ đồng (tỉ lệ bồi thường 27,65%).

Năm 2011, ngành năng lượng thế giới liên tiếp gặp phải khủng hoảng bởi chiến tranh, bạo loạn chính trị (Ai Cập, Lybia), thảm họa tự nhiên (Nhật Bản, Chi Lê) đã khiến giá xăng dầu quốc tế và trong nước tăng cao bất thường. Những điều này đã đưa tới áp lực với ngành năng lượng và đặc biệt là dầu khí Việt Nam phải có những bước phát triển mạnh mẽ nhằm ổn định và giảm bớt phần nào gánh nặng tăng giá nhiên liệu trong nước song hành với mục tiêu và kế hoạch trong chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Bởi vậy, giai đoạn tới rất nhiều các dự án dầu khí, phát triển mỏ sẽ tiếp tục được thực hiện, hoàn thiện: Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất, Bình Sơn, mỏ Chim Sáo, mỏ Sư tử Đen… Đây là cơ hội tiếp tục tái tục và mở rộng các hợp đồng bảo hiểm năng lượng.

Đặc thù là ngành cung cấp sản phẩm thiết yếu không thể thay thế: xăng, dầu, khí đốt… nên ít chịu những tác động nếu nền kinh tế phát triển theo hướng xấu. Thêm vào đó, dầu khí luôn là một trong những ngành được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam tới năm 2012. Là DNBH chiếm thị phần tuyệt đối trong nghiệp vụ này, có thể nói Bảo hiểm PVI là doanh nghiệp có lợi nhất từ sự phát triển của ngành Dầu khí.

Bảo hiểm hàng hải

Ước DTBHG năm 2011 của nghiệp vụ Bảo hiểm Hàng hải đạt 1.925 tỉ đồng, bồi thường 849 tỉ đồng (TLBT 44,10%).

Theo dự báo của các chuyên gia Cục Hàng hải, trong 5-10 năm tới sẽ có 2/3 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu thế giới đi qua vùng biển Đông, điều dễ dàng nhận thấy là khi nhu cầu vận tải biển tăng cao, tần suất xuất hiện của các đội tàu trên khu vực biển Đông nói chung và Việt Nam nói riêng cũng sẽ tăng theo. Từ đó sẽ mở ra cơ hội lớn cho nghiệp vụ Bảo hiểm Hàng hải.

Tiềm năng ngành Hàng hải Việt Nam: trong chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam tới năm 2020, kinh tế biển sẽ chiếm tới 53-55% GDP và 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Chính điều này sẽ kéo theo việc mở rộng, tăng cường số lượng và khối lượng vận chuyển của các đội tàu trong nước và tạo ra cơ hội có thêm nhiều hợp đồng bảo hiểm hàng vận chuyển đường biển cho các DNBH.

Kế hoạch về cảng biển trong kế hoạch 5 năm tới được Thủ tướng phê duyệt đã xác định: tập trung đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu cho tàu có trọng tải lớn đạt chuẩn quốc tế. Nhờ đó, hoạt động giao thương hàng hải phát triển mạnh, số lượng và khối lượng hàng hóa vận tải biển tăng cao. Và đây cũng là cơ sở để tạo ra nhiều hợp đồng bảo hiểm mới.

Một loạt những vụ chìm tàu thời gian qua sẽ khiến các công ty sở hữu tàu hàng, tàu du lịch nghiêm túc hơn tới việc bảo hiểm cho tàu của mình. Xét theo tâm lý, sự lo ngại sẽ khiến các chủ tàu nhận thức rõ hơn về tác dụng bảo hiểm dẫn tới muốn mở rộng điều khoản trong hợp đồng, tăng hạn mức trách nhiệm cho tàu được bảo hiểm. Đây chính là cơ hội tăng doanh thu phí bảo hiểm của nghiệp vụ hàng hải.

Bảo hiểm xây dựng lắp đặt

DTBHG năm 2011 của nghiệp vụ Bảo hiểm Xây dựng lắp đặt ước đạt 1.563 tỉ đồng, bồi thường 279 tỉ đồng (TLBT 18,84%).

Trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội Việt Nam giai đoạn tới 2020, nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hàng đầu là: Phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch mở rộng các khu công nghiệp chế biến, mở rộng và hoàn thiện hệ thống đường xá giao thông trọng điểm tại các thành phố lớn, loại 1 như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Điều này sẽ dẫn tới việc gia tăng các dự án xây dựng, lắp đặt. Từ đó, mở ra tiềm năng khai thác lớn cho bảo hiểm xây dựng lắp đặt.

Thị trường bất động sản đóng băng cộng với một loạt những rủi ro cháy nổ công trình trong thời gian xây dựng (vụ cháy Tòa tháp EVN) sẽ tạo ra tâm lý e ngại của người dân. Điều này sẽ khiến các công ty bất động sản, xây dựng phải cắt giảm bớt những dự án kém hiệu quả kèm theo đó là tâm lý bất an lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra. Vì thế, họ phải giành nhiều sự quan tâm hơn tới việc bảo hiểm cho các công trình của mình. Đây chính là thách thức (giảm số lượng dự án xây dựng) nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho DNBH có được những hợp đồng giá trị khi hầu hết các dự án giữ lại đều là những dự án với giá trị hợp đồng lớn cùng hạn mức trách nhiệm cao.

Năm 2012 là năm con rồng – theo quan niệm của người phương Đông, đây là linh vật sẽ đem lại sự may mắn và thịnh vượng. Tất cả các DNBH PNT chắc chắn đều chung một mong muốn được trở thành một con rồng lớn, thỏa sức vẫy vùng giữa thị trường bảo hiểm. Lẽ dĩ nhiên thấy được cơ hội, nhận thức được tiềm năng là một chuyện còn có nắm lấy hay tận dụng được chúng để hóa rồng hay không lại phụ thuộc vào quyết định và quyết tâm của các DNBH.

Anh Phạm