Trung tâm ngoại ngữ hoạt động chui

Bao giờ xử nghiêm?

11:00 | 15/05/2018

307 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau sự việc giáo viên Trung tâm Ngoại ngữ MST English chửi học viên gây bức xức dư luận, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới yêu cầu rà soát các trung tâm ngoại ngữ trên cả nước.  

Vô tư hoạt động… chui

Những ngày qua, dư luận xã hội bức xúc với ngôn ngữ chợ búa của giáo viên một trung tâm ngoại ngữ đối đáp với học viên. Trong clip dài hơn 2 phút, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (sau được xác định là giáo viên của Trung tâm Ngoại ngữ MST English) đã ngừng việc giảng bài, tập trung đòi 100.000 đồng tiền phạt của một nam học viên.

Theo cam kết từ đầu khóa học, học viên phải nộp phạt 100.000 đồng nếu thiếu bài tập về nhà. Học viên vi phạm đã trình bày khó khăn tài chính mong được bỏ qua. Tuy nhiên, thay vì xử lý một cách tế nhị, bà Tuyến cho dừng buổi học và kiên quyết yêu cầu học viên phải nộp phạt mới tiếp tục giảng bài. Hai bên không nhường nhau, dẫn tới cuộc cãi vã giữa bà Tuyến và học viên với nhiều ngôn từ tục tĩu.

Clip này ngay sau khi xuất hiện đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, báo chí nhanh chóng vào cuộc. Từ đây, sự thật hoạt động của Trung tâm Ngoại ngữ MST English do bà Tuyến điều hành bị phanh phui khiến dư luận càng bất ngờ. Một trung tâm có tới 3 cơ sở như MST English nhưng lại hoạt động chui suốt 2 năm qua. Bản thân bà Nguyễn Thị Kim Tuyến cũng chỉ có bằng kế toán, chưa đưa ra được bằng cấp chuyên môn về ngoại ngữ cũng như nghiệp vụ sư phạm mà vẫn ngang nhiên đứng lớp dạy học viên.

bao gio xu nghiem
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, giáo viên Trung tâm Ngoại ngữ MST English lăng mạ học viên (hình cắt từ clip)

Trước phản ứng dữ dội của dư luận xã hội, bà Tuyến đã lấp liếm rằng, mình chỉ là người “huấn luyện ngôn ngữ”, đừng ai “khoác” cho bà này chức danh giáo viên. Nhưng rõ ràng, dù lý do nào đi chăng nữa thì việc dùng ngôn ngữ chợ búa trong môi trường giáo dục là không thể chấp nhận. Hành động của bà Tuyến đã khiến nhiều người tâm huyết với ngành giáo dục phải lên tiếng.

Xin chưa bàn đến đạo đức trong môi trường giáo dục, mà yếu tố thẳm sâu sau vụ việc này khiến dư luận e ngại hơn cả là công tác quản lý, giám sát các cơ sở giáo dục tư thục hiện nay.

Thực tế, không chỉ riêng Hà Nội, mà các tỉnh, thành phố trên cả nước đều xuất hiện các trung tâm ngoại ngữ “chui” vô tư hoạt động. Và một sự thật là, dù đã có chế tài xử phạt nhưng nhiều trung tâm vẫn ngang nhiên hoạt động. Phải chăng, chế tài xử phạt vẫn chưa đủ sức răn đe?

Điển hình như trường hợp của Trung tâm Ngoại ngữ MST English, mặc dù có những hành vi không đúng chuẩn mực với học viên, gây bức xúc trong dư luận xã hội, nhưng bà Nguyễn Thị Kim Tuyến chỉ bị xử phạt hành chính 5 triệu đồng. Cũng chính trung tâm này vào tháng 2-2018 từng bị Ban Kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động đào tạo khi không xuất trình được giấy chứng nhận hoạt động do Sở GD&ĐT cấp. Nhưng không hiểu vì lý do gì, trung tâm này vẫn hoạt động cho đến ngày 5-5-2018, khi bị dư luận phản ứng dữ dội về hành vi chửi học viên của giáo viên.

Cẩn trọng lựa chọn trung tâm

Thực tế hiện nay, để nhận diện được các trung tâm ngoại ngữ có phép hay không vẫn là vấn đề rất khó kiểm chứng đối với cha mẹ và học sinh. Hầu hết các bậc cha mẹ lựa chọn cơ sở dựa theo niềm tin hay qua giới thiệu, còn không thể biết đâu có phép, đâu không phép.

Chưa kể hiện nay, cùng với sự phát triển nở rộ của mạng xã hội thì việc quản lý các trung tâm ngoại ngữ cũng đứng trước nhiều thách thức. Nhiều trung tâm đào tạo trực tuyến thật - giả lẫn lộn, nhiều trung tâm “núp bóng” dạng hội nhóm, câu lạc bộ… nên rất khó quản lý.

Thực tế, không chỉ riêng Hà Nội mà các tỉnh, thành phố trên cả nước đều xuất hiện các trung tâm ngoại ngữ “chui”, vô tư hoạt động. Phải chăng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Về chất lượng thì khỏi bàn, bởi đủ các chiêu trò để các trung tâm ngoại ngữ “móc túi” người học. Đa phần quảng cáo của các trung tâm thường rất thu hút khi có giảng viên là người nước ngoài, nhưng thực tế giáo viên được thuê là “Tây balô”. Một số trung tâm có thể yêu cầu chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhưng khá nhiều nơi chấp nhận cho giáo viên dạy “chui” và không cần yêu cầu, thậm chí không kiểm tra đầu vào, không nhắc nhở hay phê bình chứ đừng nói đến nghiệp vụ sư phạm của giảng viên.

Khi nhu cầu xã hội ngày càng cao, kéo theo sự nở rộ của các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng.

Về vấn đề này, ông TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT nói: Việc Trung tâm Ngoại ngữ MST English không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn tồn tại 2 năm qua thì trách nhiệm trước tiên thuộc cơ quan quản lý nơi trung tâm đóng trụ sở, tiếp theo là của Sở GD&ĐT Hà Nội. Để tồn tại giữa thủ đô một trung tâm ngang nhiên hoạt động, cấp chứng chỉ cho học viên nhưng không có sự quản lý về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý là sai sót quá lớn.

Thiết nghĩ, đã đến lúc cần sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, nhằm xử lý nghiêm các trung tâm ngoại ngữ không đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục theo đúng quy định.

Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc