Thị trường dịch vụ dầu khí

Bao giờ có "sân chơi" công bằng

08:11 | 29/05/2018

1,625 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Một nghịch lý đang diễn ra, các doanh nghiệp (DN) dịch vụ dầu khí (DVDK) Việt Nam khi ra nước ngoài hoạt động (Malaysia, Indonesia, Thái Lan…) đang phải đối diện với nhiều chính sách bảo hộ của nước sở tại thì ngược lại, các DN DVDK nước ngoài khi vào Việt Nam hoạt động lại không phải đối diện với bất kỳ rào cản nào.

Bất cập trong đấu thầu

Có thể nói, từ năm 2014 đến nay là giai đoạn khó khăn nhất đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực DVDK thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, hầu hết các DN dầu khí đã thực hiện cắt giảm, giãn, thậm chí là ngừng triển khai các kế hoạch tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, kéo theo đó là nhu cầu DVDK giảm mạnh.

Khó khăn đối với các DN cung cấp DVDK trong nước càng nhân lên gấp bội khi phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các DN cung cấp DVDK nước ngoài. Thực tế, trong tổng giá trị DVDK 167,2 nghìn tỉ đồng năm 2017 của các DN thuộc PVN thì chỉ có 74,7 nghìn tỉ đồng (tương đương 45%) của nhà cung cấp trong PVN (năm 2016 là 55%).

bao gio co san choi cong bang

Rất có thể nhiều người sẽ cho rằng, các DN cung cấp DVDK của PVN vì không đủ năng lực để cạnh tranh với các DN nước ngoài nên đã đánh mất thị phần. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, thậm chí là ngược lại.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường DVDK, với tâm thế không ngồi yên chờ việc, bằng năng lực và uy tín trên thị trường, các DN hoạt động trong lĩnh vực DVDK của PVN đã ký một loạt các hợp đồng cung cấp dịch vụ lớn với các đối tác nước ngoài, chẳng hạn, các hợp đồng cung cấp 5 giàn khai thác cho Dự án Darman do ONGC (Ấn Độ) làm chủ đầu tư; PVD Offshore qua Akita (Nhật Bản) làm dịch vụ khoan địa nhiệt; PV Drilling giành được hợp đồng cung cấp giàn khoan PV DRILLING I cho chiến dịch khoan của Total E&P Myanmar; giàn PV DRILLING III thực hiện chiến dịch khoan cho nhà thầu Petronas tại Malaysia; giàn PV DRILLING VI thực hiện chiến dịch khoan cho nhà thầu IPC (LUNDIN) tại Malaysia. Tỷ trọng DVDK ngoài ngành của các DN DVDK của PVN không ngừng gia tăng. Nếu như năm 2016, con số này chỉ là 45% thì năm 2017 là 55%, tổng giá trị cũng tăng từ 70,1 nghìn tỉ đồng năm 2016 lên 92,5% nghìn tỉ đồng năm 2017. Doanh thu DVDK từ nước ngoài của các đơn vị thuộc PVN năm 2017 cũng tăng mạnh, đạt 29,4 nghìn tỉ đồng, tăng 17,5 nghìn tỉ đồng so với năm 2016.

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao DN DVDK của PVN lại thua trên sân nhà nhưng thắng trên sân khách?

Nguyên nhân sâu xa của nghịch lý đó là do những bất cập trong các quy định về hoạt động đấu thầu cung cấp DVDK. Cụ thể:

Do giá dầu giảm sâu và kéo dài nên để bảo đảm hiệu quả kinh tế, người điều hành tại các hợp đồng dầu khí phải có các biện pháp để tiết giảm chi phí. Một trong các giải pháp tiết giảm chi phí được người điều hành áp dụng là các hoạt động mua sắm, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phần lớn đều được thực hiện thông qua hình thức chào giá cạnh tranh hoặc đấu thầu. Tuy nhiên, thời điểm này, các nhà cung cấp DVDK nước ngoài rất khó khăn về công việc, nên với tiềm lực tài chính mạnh, họ sẵn sàng chào giá rất thấp khi tham gia đấu thầu (đôi khi chấp nhận lỗ) để có được hợp đồng, khiến các DN cung cấp DVDK trong nước nói chung và của PVN nói riêng rất khó có cơ hội có việc làm ngay cả khi có tiêu chí ưu tiên. Và dù nếu các nhà thầu, người điều hành dầu khí có ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành, trong nước thì cũng rất khó khăn do Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí chỉ quy định nguyên tắc ưu tiên sử dụng dịch vụ của các DN Việt Nam trên cơ sở cạnh tranh (không có quy định cụ thể về ưu đãi cho các DN Việt Nam như trong Luật Đấu thầu).

Điều 26 Luật Dầu khí năm 1993 và Luật số 10/2008/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí quy định: “Nhà thầu được quyền ký kết hợp đồng về DVDK, nhưng phải ưu tiên ký kết những hợp đồng đó với tổ chức, cá nhân Việt Nam”. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dầu khí và hợp đồng dầu khí chưa quy định cụ thể (chưa lượng hóa) nội dung này.

Điều 57 Nghị định số 95/2015/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Dầu khí cũng chỉ quy định: “Sử dụng các DVDK và hàng hóa mà tổ chức, cá nhân Việt Nam có khả năng cung cấp trên nguyên tắc bảo đảm cạnh tranh về giá cả, chất lượng, tiến độ”. Việc không có quy định cụ thể đã không khuyến khích được nhà thầu nước ngoài khi tham gia đấu thầu sẽ liên danh hoặc sử dụng thầu phụ là DN Việt Nam cũng như sử dụng lao động trong nước.

Thứ nữa, theo khoản 1, Điều 14 Nghị định số 07/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của PVN, việc tham gia đấu thầu của PVN, các công ty con của PVN thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP (nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu). Khoản 5, Điều 2 Nghị định 63/2014/NĐ-CP có nội dung: “Trường hợp sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn và duy nhất trên thị trường thì thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”. Nhưng đến nay vẫn chưa có quy định của Chính phủ để làm cơ sở thực hiện.

Cạnh tranh không cân sức

Thị trường cung cấp DVDK đang có sự cạnh tranh vô cùng gay gắt khi nhu cầu sử dụng các DVDK giảm mạnh, trong khi nguồn cung trên thị trường lại dư thừa. Nhưng trong bối cảnh đó, các DN cung cấp DVDK trong nước nói chung, của PVN nói riêng, lại đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong các hoạt động đấu thầu, cung cấp dịch vụ dầu khí.

bao gio co san choi cong bang
Người thợ khoan PV Drilling trên giàn khoan địa nhiệt ở Akita Nhật Bản

Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, đặc biệt là trong việc thực hiện Luật Dầu khí, Luật Đấu thầu và các văn bản dưới luật vô cùng cấp bách.

Tại khoản 12, Điều 1 Luật số 10/2008/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí cũng quy định: “Việc đấu thầu và ký kết hợp đồng cung cấp DVDK liên quan trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí được thực hiện theo quy định riêng do Chính phủ ban hành”. Do đó, Chính phủ cũng cần xem xét, ban hành quy định về đấu thầu, ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ và sự ưu đãi khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước khi nhà thầu dầu khí tổ chức lựa chọn nhà thầu phụ để phục vụ hoạt động dầu khí; quy định nhà thầu nước ngoài phải liên danh với nhà thầu trong nước hoặc sử dụng thầu phụ trong nước khi tham dự thầu tại Việt Nam trừ trường hợp nhà thầu trong nước không đủ năng lực tham gia vào bất kỳ phần việc nào của gói thầu.

Ngoài ra, theo Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng, trong khi các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia đã và đang có các rào cản, chính sách như yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa của nhà thầu, giấy phép được cấp bởi Petronas, tạm nộp trước thuế nhà thầu phụ nước ngoài... nhằm ưu đãi cho các nhà thầu trong nước và hạn chế các nhà thầu nước ngoài cung cấp DVDK thì Việt Nam lại không. Các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dầu khí khi vào Việt Nam gần như không có một rào cản nào, gần như bình đẳng về thuế với các DN trong nước. Họ mang cả người nước ngoài sang làm việc một cách thoải mái tự do, trong khi một số nước không cho phép sử dụng lao động nước ngoài, chỉ cho phép sử dụng rất ít nhân sự cao cấp.

Dẫn chứng về vấn đề này, Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng cho hay: Khi PV Drilling mang giàn khoan sang Malaysia thì lập tức bị thu trước 13% trên doanh thu. Sau đó, làm rồi, đến thời điểm quyết toán thuế, họ mới xem xét có hoàn hay không hoàn khoản thu trước đó. Việc này chỉ được áp dụng với các nhà thầu nước ngoài, còn các nhà thầu trong nước thì không. Riêng việc này đã làm cho các nhà thầu nước ngoài khi vào Malaysia đã bất lợi hơn với các nhà thầu trong nước.

Thậm chí, khi tiếp cận thị trường Malaysia, PV Drilling phải ký hợp đồng với đại lý (agent) là công ty nội địa có giấy phép của nước chủ nhà (Petronas License) thì mới có cơ hội tiếp cận thị trường. Để được tham gia đấu thầu cũng không phải dễ dàng. Để ký được hợp đồng với Petronas trong giai đoạn 2015 trở lại đây, khi thị trường dầu khí toàn cầu đang lao dốc, Chính phủ Malaysia đưa ra chính sách ưu tiên công việc cho các công ty nội địa, chỉ tổ chức đấu thầu quốc tế khi các công ty nội địa có đủ việc.

Hay như PV Drilling mà muốn sang thị trường Indonesia thì phải tìm một đối tác của nước này và chuyển 35% vốn tài sản của giàn khoan cho công ty đó trong thời gian hoạt động ở Indonesia và phải đổi cờ sang cờ Indonesia. Sau khi thanh lý hợp đồng thì nhận lại 35%, đổi cờ và đi ra.

Từ thực tế đó, Tổng giám đốc PV Drilling Phạm Tiến Dũng kiến nghị các bộ, ngành, Chính phủ xem xét, nghiên cứu, triển khai các chính sách bảo hộ cụ thể, phù hợp pháp luật nhằm bảo vệ một cách công bằng cho các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam.

Các nhà cung cấp DVDK nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chào giá rất thấp khi tham gia đấu thầu (đôi khi chấp nhận lỗ) để có được hợp đồng, khiến các DN cung cấp DVDK trong nước nói chung và của PVN nói riêng rất khó có cơ hội có việc làm ngay cả khi có tiêu chí ưu tiên.

Thanh Ngọc

DMCA.com Protection Status