Báo động tình trạng kháng thuốc

07:17 | 23/11/2015

978 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kháng thuốc đặc biệt là kháng sinh đang là một vấn đề nghiêm trọng đặt ra trong công tác điều trị hiện nay. Bộ Y tế đã cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn gia tăng đến mức đáng lo ngại. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong danh sách những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới khi đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ thứ 3, thứ 4 để điều trị trong khi các nước phát triển mới chỉ sử dụng đến kháng sinh thế hệ thứ 1.  

Kháng sinh mua dễ như mua rau

Nhận định về tình hình kháng thuốc tại Việt Nam, tại buổi họp báo về Tuần lễ Truyền thông về Phòng chống kháng thuốc mới đây, đại diện Bộ Y tế cho hay, theo số liệu báo cáo của 15 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ, BV đa khoa ở Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… qua sử dụng kháng sinh giai đoạn 2008-2009 đã có 30-70% vi khuẩn gram âm kháng với cephalosporin, một loại kháng sinh thế hệ 3 và 4, 40-60% kháng với kháng sinh aminoglycosid và fluoroquinolo, 40% chủng vi khuẩn acinetobacter giảm nhạy cảm với imipenem… Cụ thể với bệnh lao, kháng đa thuốc là 2,7% trong số bệnh nhân lao mới (khoảng gần 5.000 bệnh nhân), gần 20% trong số bệnh nhân lao điều trị lại (khoảng 3.400 bệnh nhân)…

Với bệnh viêm phổi do vi khuẩn klebsiella, mặc dù đã dùng thuốc thế hệ thứ 3 là “vũ khí” cuối cùng để điều trị vi khuẩn thế nhưng tình trạng kháng thuốc đã diễn ra đến nỗi thuốc không còn nhiều tác dụng. Với khuẩn E.Coli cũng vậy, trước rất nhạy cảm với kháng sinh thế hệ thứ 3 nhưng nay cũng không còn nhạy cảm như vậy do thuốc bị nhờn, kháng.

Theo thống kê của đơn vị nghiên cứu lâm sàng Oxrford, Việt Nam đứng thứ 2 trong số 26 nước báo cáo về tỷ lệ kháng kháng sinh carbapenem của vi khuẩn E.Coli… Mà khi bị kháng thuốc thì hậu quả khôn lường, không có kháng sinh điều trị, bệnh không khỏi dẫn đến điều trị cầm chừng, thậm chí dẫn đến tử vong. Chưa kể đến chi phí điều trị tăng hơn hẳn so với tình trạng không bị “nhờn”, kháng thuốc.

bao dong tinh trang khang thuoc

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, sở dĩ xảy ra tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng như vậy do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân đáng nói nhất là thuốc kháng sinh, mặc dù với vai trò là “vũ khí” tiêu diệt các bệnh lý nhiễm khuẩn song lại mua dễ quá tại các hiệu thuốc. “Mua dễ như mua rau!”, ông Khuê nhấn mạnh. Ông còn cho hay: “Ngay cổng Bộ Y tế, bước ra mấy mét thôi muốn mua kháng sinh nào cũng được, bán mà không cần trình đơn kê hay bất cứ giấy tờ chứng nhận bác sĩ kê đơn”.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai thì chia sẻ, đi nhiều nước trên thế giới nhưng ông chưa thấy nơi nào lại bán kháng sinh dễ dàng như ở Việt Nam. Đi mua kháng sinh mà dễ hơn cả mua thịt, cá ngoài chợ. Thích mua loại nào cũng được, liều dùng bao lâu cũng không quan trọng. Miễn là có để uống. Mà uống cũng tùy tiện chẳng khác gì mua, không cần quan tâm đến “liều”, thấy đỡ là dừng thuốc luôn dù mới chỉ uống 1-2 ngày. Chính tùy tiện trong việc uống này cũng là nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc.

Theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 88% kháng sinh tại thành phố và hơn 90% kháng sinh ở vùng nông thôn được bán mà không cần đơn.

Dễ dãi vì thiếu hiểu biết

Nguyên nhân của việc dễ dãi trong mua kháng sinh này xuất phát chính từ nhận thức còn hạn chế của cả bên bán và bên mua. Bên mua thì do tâm lý chữa bệnh “truyền khẩu” để lại từ xưa tới giờ vẫn chưa thay đổi được hoàn toàn. Ai mách dùng thuốc gì, chữa bệnh như thế nào cũng thực hiện theo mà không cần tới BV để bác sĩ điều trị. Còn người bán, một phần cũng chính vì tư duy tương tự để rồi tư vấn cho bệnh nhân. Phần khác, do trình độ chuyên môn còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, xa nên bán cho người bệnh một cách dễ dàng. Một phần nguyên nhân khác không thể không nói đến và thậm chí còn là nguyên nhân khá nghiêm trọng ấy là vì lợi nhuận. Nếu so với các loại thuốc khác, thì kháng sinh là một nguồn thu đáng kể cho các hiệu thuốc.

Một nghiên cứu của Bộ Y tế đã cho thấy trong tổng số doanh thu của hiệu thuốc, thuốc kháng sinh chiếm gần 14% nếu ở thành thị và gần 20% ở vùng nông thôn. Chính vì nguồn thu như vậy từ thuốc kháng sinh mà nhiều cửa hàng thuốc sẵn sàng bỏ qua những quy định nghiêm ngặt trong sử dụng kháng sinh bán cho người bệnh. Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Cao Hưng Thái bức xúc: “Dù có quy định chỉ bán kháng sinh khi có đơn, nhưng sai phạm này vẫn phổ biến. Khi phát hiện, xử phạt nhưng mức xử phạt không đủ sức răn đe do thấp, chẳng đáng so với thu nhập tiền triệu từ bán kháng sinh nên các cửa hàng dược chấp nhận bán - phạt rồi lại bán…”.

Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan trên thì theo Bộ Y tế, sử dụng thuốc kháng khuẩn không phù hợp cũng là nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc. Nguyên nhân này xuất phát từ việc sử dụng quá liều, dưới liều, lạm dụng hoặc sử dụng kháng sinh không phù hợp với loại chủng vi khuẩn, virus, ký sinh trùng gây ra.

Theo Bộ Y tế, sử dụng kháng sinh không phù hợp phần lớn là do nhiều bệnh truyền nhiễm chưa có đủ các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hoặc hướng dẫn chưa được cập nhật. Cùng với đó việc quy định về sử dụng kháng sinh, làm kháng sinh đồ, xét nghiệm vi sinh chưa hoàn thiện, đầy đủ, việc kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện tại các địa phương chưa được thường xuyên… Có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp.

Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi cũng là một nguyên nhân khá nghiêm trọng dẫn đến kháng thuốc kháng sinh ở con người. Nhiều người cho rằng việc này không liên quan nhưng thực tế theo một chu trình mà kháng sinh trong trồng trọt chăn nuôi ảnh hưởng đến con người. Đó là người ta cho gia cầm, gia súc ăn thức ăn chăn nuôi có trộn kháng sinh nhằm phòng (trị) bệnh, sau đó chúng thải ra môi trường phân và nước tiểu có tồn dư kháng sinh rồi lại được dùng để tưới tắm cây trồng hoặc nhiễm vào nguồn nước. Con người sử dụng nguồn nước hoặc ăn thành quả từ cây trồng đó vô tình đưa một lượng kháng sinh tồn dư vào cơ thể, từ đó tạo môi trường thích ứng cho vi khuẩn. Nên trong trường hợp phải uống kháng sinh điều trị bệnh thì vi khuẩn đề kháng, gây ra kháng thuốc ở người.

Theo chỉ định của bác sĩ

Để hạn chế tình trạng kháng thuốc, Bộ Y tế cho rằng, trước hết phải nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ y tế thực hiện các biện pháp phòng chống kháng thuốc trong cộng đồng qua công tác tuyên truyền, vận động. Tăng cường hoàn thiện hệ thống giám sát quốc gia về sử dụng kháng sinh và kháng thuốc; Bảo đảm cung ứng đầy đủ các thuốc có chất lượng đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân…

Cụ thể hóa các biện pháp này, ngay trung tuần tháng 11 Bộ Y tế đã tổ chức Tuần lễ Phòng chống kháng thuốc với khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không còn thuốc chữa”. Và đây là lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức tuần lễ này. Cùng với đó, Bộ Y tế kêu gọi người dân cam kết chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Còn phía người bán thuốc, chỉ bán kháng sinh khi có kê đơn của bác sĩ. Trong chăn nuôi, trồng trọt, sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn, quy định cho phép. Cán bộ y tế tuân thủ các hướng dẫn chuyên môn, sử dụng  kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn cho người bệnh.

 

Tú Anh

Năng lượng Mới 476