Báo động ô nhiễm môi trường do hóa chất

18:57 | 13/08/2013

1,881 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ô nhiễm môi trường do hóa chất gây ra ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại rất ít địa phương và đơn vị sản xuất kinh doanh quan tâm đến vấn đề này.

Lơ là ứng phó

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay Việt Nam có hơn 1.153 điểm ô nhiễm do hóa chất tồn lưu. Các điểm này được phân theo mức độ ô nhiễm khác nhau bao gồm: ô nhiễm, ô nhiễm nghiêm trọng và ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù chính phủ đã có quyết định về kế hoạch xây dựng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục ô nhiễm môi trường do hóa chất gây ra, tuy nhiên hiệu quả của chương trình này chưa thật sự cao.

https://cdn-petrotimes.mastercms.vn/stores/news_dataimages/dothuytrang/082013/12/16/IMG_1777.jpg

Công tác ứng phó và khắc phục ô nhiễm do hóa chất gây ra hiện vẫn chưa được chú trọng

Khảo sát mới nhất của Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), đến nay chỉ có 55% doanh nghiệp có trang bị thiết bị cho ứng phó sự cố hóa chất, 45% doanh nghiệp không trang bị. Số doanh nghiệp có lãnh đạo quản lý không nhận thức các quy định về An toàn hóa chất chiếm 20%. Trong đó, có đến 96,8% doanh nghiệp có cán bộ quản lý bậc trung không nắm bắt quy định pháp luật về an toàn hóa chất.

Bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho biết: "Sự cố hóa chất xảy ra với tần suất ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Quy mô và phạm vi tác động của nhiều sự cố là rất lớn. Mặt khác, sự cố hóa chất càng đặc biệt nguy hiểm do nhiều cơ sở hoạt động hóa chất vẫn tồn tại trong nhiều khu vực đông dân cư, nhiều cơ sở hóa chất nằm xen lẫn với các cơ sở công nghiệp, kinh doanh thương mại khác".

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thế Loãn, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp có nhiều mối lo nên vấn đề môi trường chưa được quan tâm hay nói cách khác là thường bị bỏ quên, chỉ khi có sự cố thì vấn đề môi trường mới được “xới” lên. Vì vậy khi xảy ra sự cố thì doanh nghiệp thường che giấu để tránh bị xử lý của cơ quan chức năng.

Cần hướng dẫn cụ thể

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến việc khắc phục ứng phó với sự cố về ô nhiễm môi trường do hóa chất chưa hiệu quả hiện nay là do còn nhiều vướng mắc trong quá trình hướng dẫn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng Phòng Kiểm soát Phát thải Hóa chất và Khắc phục Sự cố Môi trường - Cục Kiểm soát Ô nhiễm đánh giá: "Thực tế còn tồn tại một số vấn đề lớn về khung pháp lý của công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường. Như pháp luật về ứng cứu sự cố môi trường hầu như chỉ hướng dẫn chung, mang tính ứng phó trước mắt nên không có cái nhìn tổng quát. Và còn hạn chế trong thực tiễn triển khai như không kịp thời, cơ chế phối hợp không thống nhất; quy định không cụ thể, không rõ ràng trách nhiệm của các ban ngành, chưa hướng dẫn, phổ biến rộng rãi… Bên cạnh đó, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về xây dựng và thực hiện kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường".

Chính vì nguyên nhân này nên theo thống kê của Cục Kiểm soát Ô nhiễm (Bộ Tài Nguyên & Môi Trường), đến thời điểm này cả nước hiện chỉ có 5 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường cấp tỉnh; 3 tỉnh thành đang  thực hiện. Có 7 tỉnh thành được phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu. Đặc biệt là các đơn vị kinh doanh nhiên liệu còn khá lúng túng trong quá trình sử dụng và khắc phục sự cố do hóa chất gây ra.

“Hiện nay chỉ mới có các doanh nghiệp lớn mới xây dựng các phương án phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố do hóa chất gây ra. Số còn lại, là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì “hầu như không biết” xử lý như thế nào khi sự việc xảy ra. Đây là lý do tại sao từ năm 2009 đến nay có đến 41 vụ tràn dầu xảy ra mà doanh nghiệp chỉ biết đứng  nhìn hoặc cố tình che giấu” - ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH SOS Môi trường phân tích.

Thùy Trang

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc