Bảo đảm nhu cầu tiêu thụ than trong nước

10:42 | 28/07/2017

3,025 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo quan trọng của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng tại buổi làm việc mới đây với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng) về tình hình sản xuất và cung ứng than cho các hộ tiêu thụ.

Theo Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải, 6 tháng đầu năm 2017, TKV đã sản xuất gần 20 triệu tấn than nguyên khai, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; tiêu thụ 18 triệu tấn, xuất khẩu 675.000 tấn; than tồn kho 8,45 triệu tấn. Trong 6 tháng cuối năm, TKV dự kiến sản xuất 16,255 triệu tấn, tiêu thụ 18 triệu tấn, dự kiến tiêu thụ cả năm đạt 36 triệu tấn than.

Tổng giám đốc TKV cũng cho biết, Tập đoàn gặp nhiều khó khăn trong việc ký hợp đồng cung cấp than với các nhà máy điện theo danh mục đã phê duyệt. Cụ thể, TKV mới ký được 9 hợp đồng dài hạn với các nhà máy điện, chưa thống nhất được giá mua than với hầu hết các nhà máy nhiệt điện than thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2017. Ngoài ra, EVN đang muốn giảm mua 2 triệu tấn than so với kế hoạch. Điều này sẽ gây khó khăn cho TKV vì sẽ tăng tồn kho, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của thợ mỏ, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…

bao dam nhu cau tieu thu than trong nuoc
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng làm việc với TKV và Tổng Công ty Đông Bắc

Vì vậy, TKV đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và EVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trong năm 2017 để tránh thiệt hại cho TKV, đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu loại than này trong điều kiện đang bất bình đẳng về thuế, phí để giúp TKV tiêu thụ than tồn đọng. Cùng với đó, cho phép TKV xuất khẩu các loại than mà không phụ thuộc vào hạn ngạch để TKV chủ động cân đối tài chính. Đặc biệt, để bảo đảm thị trường tiêu thụ trong dài hạn, TKV đề nghị Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cung cấp than dài hạn của các nhà máy nhiệt điện than làm cơ sở cho các đơn vị khai thác than chủ động làm kế hoạch dài hạn.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, trước đây nguồn cung than cho các hộ tiêu thụ lớn trong nước (sản xuất điện, phân bón và hóa chất, xi măng) chỉ có TKV và sau này có thêm Tổng Công ty Đông Bắc. Cùng với đó, thị trường than được thực hiện chặt chẽ theo sự điều tiết của Nhà nước, nhưng những năm gần đây, thị trường than có nhiều biến đổi. Chính phủ đã cho phép thêm hai đơn vị nữa tham gia cung ứng than cho các hộ tiêu thụ lớn.

Dự báo đến năm 2030, riêng nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ tới hơn 100 triệu tấn và khả năng đến năm 2030 sẽ phải nhập khẩu khoảng 80 triệu tấn than. Trong khi đó, năng lực sản xuất và nguồn tài nguyên có hạn nên khả năng sản xuất chỉ có thể trên 50 triệu tấn/năm. Vì vậy, cần có chính sách mới cho việc phát triển thị trường than.

Thứ trưởng yêu cầu trong thời gian tới TKV và Tổng Công ty Đông Bắc phải bảo đảm nhu cầu của các hộ tiêu thụ than trong nước. Trước mắt, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các hộ tiêu thụ than để tháo gỡ khó khăn cho ngành than, đồng thời có văn bản báo cáo Chính phủ chỉ đạo EVN và PVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trong năm 2017, đến năm 2018 mới mua than từ bên ngoài; có lộ trình, cơ chế xây dựng thị trường than, bảo đảm mục tiêu an ninh năng lượng quốc gia, hiệu quả kinh tế và sự phát triển của ngành than.

TKV đề xuất Bộ Công Thương chỉ đạo PVN và EVN chưa mua than của các đơn vị ngoài TKV và Tổng Công ty Đông Bắc trong năm 2017 để tránh thiệt hại cho TKV, đồng thời có chính sách ưu tiên sử dụng nguồn than antraxit sản xuất trong nước.

Nguyễn Kiên